Nhịp sống số

Vingroup điều chỉnh chiến lược, muốn thành tập đoàn công nghệ

Vingroup điều chỉnh chiến lược, muốn thành tập đoàn công nghệ

Ngày 21/8, Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán VIC) cho biết sẽ định hướng trở thành một Tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ, trong đó công nghệ sẽ chiếm tỷ trọng chính.

Trước đây, Vingroup vốn nổi tiếng với hoạt động thương mại dịch vụ và mới lấn sân sang lĩnh vực công nghiệp như sản xuất ôtô, smartphone, thiết bị điện gia dụng thông minh.

Dự kiến cuối năm nay, Vingroup sẽ cho ra mắt điện thoại và tivi thông minh. Tập đoàn cũng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp ra thị trường thế giới.

Bên cạnh thương mại dịch vụ, sản xuất ôtô và smartphone, Vingroup sẽ đầu tư cho trí tuệ nhân tạo AI. Ảnh minh họa.

Với lĩnh vực công nghệ, đại diện Vingroup cho biết sẽ thành lập một công ty mới dựa trên Công ty Vinsmart của tập đoàn để tập trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất phần mềm và nghiên cứu phát triển các nguyên vật liệu thế hệ mới.

Công ty đã thành lập hai Viện nghiên cứu là Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn và Viện Nghiên cứu công nghệ cao Vin Hi-Tech (VHT). Trong đó, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn do TS. Vũ Hà Văn, hiện là giáo sư Đại học Yale, Mỹ là Giám đốc Khoa học. Trong khi đó, Vin Hi-Tech sẽ do GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ làm Viện trưởng.

Vin Hi-Tech sẽ được phát triển theo mô hình của thung lũng Silicon tại Hà Nội. Mục tiêu của trung tâm này là tạo hệ sinh thái toàn diện để phục vụ cho các công ty khởi nghiệp về công nghệ thông tin và các công ty dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp kèm theo.

Ngoài ra, VinTech còn lập Quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học - công nghệ ứng dụng nhằm hỗ trợ các dự án nghiên cứu của giảng viên và sinh viên trong nước. Quỹ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phong trào nghiên cứu và thực nghiệm các nghiên cứu khoa học công nghệ, góp phần nâng cao năng lực của các kỹ sư khi tốt nghiệp và thúc đẩy sự đi lên của nền công nghệ và công nghiệp Việt Nam. Quỹ cũng sẽ hỗ trợ cho Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Vingroup cũng  lập Quỹ Đầu tư về công nghệ để tìm kiếm các cơ hội hợp tác, phát triển những dự án công nghệ - trí tuệ nhân tạo có khả năng ứng dụng cao trên phạm vi toàn cầu. Ngoài việc được hỗ trợ về tài chính, các đối tác của Vingroup sẽ được sử dụng hệ sinh thái của tập đoàn để tổ chức thực nghiệm và thương mại hóa các sản phẩm.

Dù định hướng công nghệ sẽ chiếm tỷ trọng chính trong tập đoàn mới nhưng đại diện Vingroup cho rằng hiện vẫn sẽ đẩy mạnh mảng thương mại dịch vụ sẵn có, bởi nó sẽ là chỗ dựa tài chính cho 2 mảng còn lại là công nghệ và công nghiệp. Đây cũng là hệ sinh thái quan trọng   để hỗ trợ công tác nghiên cứu và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ - công nghiệp.

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vingroup, cho hay việc đầu tư vào lĩnh vực này không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển mà còn góp phần tạo ra một hệ sinh thái mới, đưa Việt Nam lên vị trí xứng đáng trên bản đồ công nghệ - công nghiệp thế giới.

Vingroup là tập đoàn tư nhân có vốn hóa lớn nhất Việt Nam. Theo cập nhật mới nhất của tạp chí Forbes, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT, đang có tổng tài sản 4,3 tỷ USD và đứng thứ 499 trong bảng xếp hạng tỷ phú thế giới. Ông Vượng cũng đang là người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán.

Theo: zing.vn

 

Thấy gì từ kết quả kinh doanh của Vingroup?

(Techz.vn) Để có hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận thu về mỗi năm, các công ty trong hệ sinh thái Vingroup cũng phải duy trì lượng nợ vay tương xứng tại ngân hàng để vận hành và phát triển.