Nhịp sống số

Việt Nam đang dùng những máy bay nào để tìm kiếm máy bay mất tích

Sự kiện MH370 - một máy bay dân dụng đến từ hãng hàng không Malaysia Airline mất tích bí ẩn trên vùng biển phía nam của Việt Nam đã thu hút rất nhiều sự chú ý từ phía cộng đồng dư luận cũng như các phương tiện truyền thông quốc tế. Rất nhiều những nổ lực đã được Malaysia, Việt Nam cũng như một loạt các nước khác có liên quan tiến hành nhằm tìm ra tung tích của những người bị nạn, nhưng tính đến thời điểm này chiếc máy bay, phi hành đoàn và những hành khách xấu số vẫn bặt tăm.

-image-1394423609916

Máy bay Malaysia bị nạn mang số hiệu MH370

Theo thông tin từ Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn Việt Nam, tính đến thời điểm này đã có 16 máy bay và 35 tàu biển của các nước phối hợp tham gia tìm kiếm máy bay mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines. Trong đó, Việt Nam huy động 4 máy bay cùng 7 tàu cảnh sát biển và hải quân tham gia tìm kiếm. Trong số những máy bay Việt Nam tham gia đợt tìm kiếm cứu nạn lần này bao gồm sự xuất hiện của 2 máy bay Antonov AN26, 1 trực thăng MI-17 và 1 thủy phi cơ DH-C6. Các máy bay này đều thuộc sự quản lý của Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - không quân và Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Quốc gia Việt Nam. Dưới đây là thông tin chi tiết về những loại máy bay của phía Việt Nam đang tham gia vào công cuộc tìm kiếm tung tích chiếc máy bay xấu số.

1, Antonov AN-26

Antonov An-26 (tên ký hiệu của NATO: "Curl") là một máy bay vận tải hạng nhẹ hai động cơ phản lực cánh quạt, được phát triển từ Antonov An-24, với những sửa đổi đặc biệt để sử dụng trong quân sự. Lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1969 tại Triển lãm hàng không Pari, nó được sửa đổi phần thân phía sau với một thang chất hàng hóa lớn. An-26 cũng được sản xuất tại Trung Quốc mà không có giấy phép bởi hãng Xian Aircraft Factory, phiên bản của Trung Quốc có tên là Y-14, tuy nhiên tên gọi này sau đó thay đổi chuyển cho seri Y-7. Khoảng 1.400 chiếc được sản xuất từ 1969-1986 và xuất khẩu tới nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

-image-1394423655074

Toàn bộ số máy bay AN26 của ta hiện nay đều do Liên Xô viện trợ từ những năm 1980. Theo số liệu Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI), giai đoạn 1981-1984, Việt Nam nhận tổng cộng 50 chiếc AN-26 từ Liên Xô.

AN26 dài 23,8m, cao 8,58m, sải cánh 29,2m, trọng lượng cất cánh tối đa 24 tấn. Nó có khả năng chở tối đa 40 hành khách hoặc 5,5 tấn hàng hóa trong khoang hàng. 

-image-1394423668402

Nó được trang bị 2 động cơ tuốc bin cánh quạt Progress AI-24VT cho phép đạt tốc độ 440km/h, tầm bay với nhiên liệu tối đa 2.500km hoặc chỉ 1.100km với tải trọng tối đa.

Đáng chú ý, loại máy bay này trong Không quân Nhân dân Việt Nam ngoài thực hiện nhiệm vụ quân sự còn tham gia phục vụ công tác khắc phục hậu quả thiên tai bão lụt, bay thông báo bão cho ngư dân.

2, MI-17

Mi-17 (hay được biết với tên Mi-8MT ở Nga, tên hiệu NATO là "Hip") là một loại máy bay trực thăng của Liên Xô hiện đang sản xuất ở hai nhà máy ở Kazan và Ulan-Ude. Mi-17 là loại máy bay trực thăng vận tải hai động cơ cỡ trung bình và cũng có thể lắp thêm vũ khí vào để thành trực thăng vũ trang hạng nặng. Quân đội Liên Xô trước đây thiết kế Mi-17 cho chiến tranh Xô Viết ở Afghanistan.

-image-1394423698839

Trực thăng này có khả năng chở theo 30 binh lính, 4.000 kg hàng hóa bên trong khoang hoặc 5.000 kg hàng hóa cả trong thân và các giá treo bên ngoài. Trong khi đó, UH-60 Black Hawk của Mỹ chỉ chở được 13 binh lính, 1.200 kg hàng hóa bên trong khoang hoặc 4.100 kg cả trong và giá treo bên ngoài.

Tốc độ lên cao của Mi-17 lên tới 8 m/s, tốc độ bay tối đa 250 km/h, tốc độ hành trình 225 km/h. Phạm vi hoạt động của trực thăng với nhiên liệu trong thân là 465 km, trần bay cao tới 6.000 mét.

3, Thủy phi cơ DH-C6

Máy bay thủy phi cơ DHC-6 mang số hiệu VNT-777 VIP là máy bay đầu tiên về Việt Nam được trang bị và biên chế cho lực lượng Không quân Hải quân nhân dân Việt Nam. Máy bay thủy phi cơ DHC-6 do Công ty Viking, Canada sản xuất, có thể cất và hạ cánh trên đường băng ngắn hoặc trên mặt nước. 

-image-1394423714839

Máy bay có trọng lượng tối đa 5.670 kg, chở được 19 người. Trần bay lý thuyết là 7.620 mét; trần bay thực tế là 7.431 mét. Tốc độ đồng hồ lớn nhất ở độ cao 2.000 mét là 307 km/h và thời gian bay tối đa là 6 giờ 51 phút.

-image-1394423726871

Máy bay thủy phi cơ DHC-6 được trang bị và biên chế chính thức cho lực lượng Không quân Hải quân nhân dân Việt Nam nhằm mục đích tuần tra, tuần thám, bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển, đảo Việt Nam.

Đọc thêm: Boeing 777 mất tích là loại máy bay siêu an toàn

Mạnh Hưng