Theo CNBC, các nhà nghiên cứu của Mỹ và thế giới đang gấp rút chạy đua với thời gian để phát triển vaccine đặc trị virus corona. Nhu cầu là rất cấp thiết bởi dịch virus từ Vũ Hán (Trung Quốc) đang diễn biến phức tạp và nguy hiểm. Tính đến ngày 3/2, hơn 17.390 người đã nhiễm bệnh, trong đó tại lục địa Trung Quốc là 17.205 và 362 người thiệt mạng trong đó tại Trung Quốc là 361 người thiệt mạng.
Cả thế giới kỳ vọng một loại vaccine chống virus corona sẽ sớm được tung ra trên thị trường. Tuy nhiên, CNBC cho biết các chuyên gia y tế quốc tế khẳng định phát triển, thử nghiệm và đánh giá một loại vaccine mới là rất tốn thời gian - hàng tháng, thậm chí hàng năm - và vô cùng tốn kém.
Các hãng dược mất hơn một năm để tạo ra vaccine chống SARS, loại virus nguy hiểm xuất hiện từ tháng 11/2002 và làm thiệt mạng gần 800 người trên phạm vi toàn cầu. Khi vaccine SARS chuẩn bị được đưa thử nghiệm trên người, cộng đồng nghiên cứu quốc tế đã khống chế thành công đại dịch. Từ năm 2004 đến nay, chưa có thêm ca nhiễm SARS nào được ghi nhận.
Nỗ lực tạo ra Vaccine đặc trị
Với sự tiến bộ của công nghệ và cam kết hỗ trợ nghiên cứu chống dịch bệnh của các nước, các cơ sở nghiên cứu đã nhanh chóng bắt tay vào hành động.
Tại phòng nghiên cứu của Công ty công nghệ sinh học Inovio ở San Diego, Mỹ, các nhà nghiên cứu đã phát triển loại vaccine có tên INO-4800, dự kiến bắt đầu thử nghiệm trên người vào mùa hè năm nay, theo BBC.
Tuy nhiên, chuyên gia Peter Hotez - Giám đốc Trung tâm Phát triển Vaccine thuộc Bệnh viện Nhi đồng Texas và là người tham gia chế tạo vaccine chống SARS cho biết: " Phải mất một năm các nhà nghiên cứu mới có thể đưa vaccine chống virus corona ra thị trường."
Việc chế tạo vaccine đặc trị cần mất một khoảng thời gian nhất định có thể mất 1 vài tháng, cũng có thể mất đến tận 1 vài năm, thử nghiệm thành công trên động vật và trên cơ thể người. "Mỗi loại vaccine có một đặc điểm riêng biệt. Bạn không thể búng tay một cái là chế tạo thành công vaccine chống virus corona", chuyên gia Hotez nhấn mạnh.
Trước khi tiến hành thử nghiệm vaccine trên cơ thể người, các nhà nghiên cứu cần là những người đầu tiên hiểu rõ virus corona. "Hiện tại, các nhà khoa học mới chỉ ở giai đoạn đầu tiên trong việc phân tích và nghiên cứu loại virus này", theo tiến sĩ Maria Bottazzi, đồng Giám đốc Trung tâm Phát triển Vaccine thuộc Bệnh viện Nhi đồng Texas.
Bước tiếp theo là nghiên cứu độc học tiền lâm sàng để đánh giá xem vaccine có an toàn hay không và thử nghiệm trên động vật. Quá trình này thường kéo dài 3-6 tháng.
Nếu các cuộc thử nghiệm trên động vật diễn ra thành công, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành thử nghiệm ở người. Quá trình này được gọi là thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.
Theo Tiến sĩ Bottazzi: " Đối tượng tham gia thử nghiệm là những người trưởng thành khỏe mạnh. Một cuộc thử nghiệm trên người thường có quy mô nhỏ, bao gồm 20-30 người tham gia."
Tuy nhiên, kể cả khi các cuộc thử nghiệm trên người được thực hiện một cách suôn sẻ, quá trình chế tạo vaccine vẫn có thể vấp phải những "vật cản" rất lớn như: các quy định y tế, người tình nguyện thử nghiệm vaccine.
Vấn đề kinh phí
Ngoài các vấn đề kể ở trên, một vấn đề rất lớn mà giới nghiên cứu khoa học gặp phải đó là: "Mô hình kinh doanh sẽ là như thế nào? Tổ chức nào sẽ lo chuyện kinh phí phát triển vaccine? Việc nghiên cứu và phát triển vaccine có thể tốn hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ USD", tiến sĩ Bottazzi cho biết.
CEPI cũng đang tài trợ cho hai chương trình nghiên cứu vaccine chống chủng virus corona mới tại Đại học Queensland, Úc, và chương trình phối hợp giữa Viện các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia (NIAID) Mỹ và Công ty Moderna. Nhờ tiến bộ của vệc nghiên cứu từ dịch SARS trước đây, NIAID cho biết họ có thể rút ngắn thời gian đưa vaccine ngừa virus corona vào thử nghiệm lâm sàng ở người xuống còn 3 tháng.
Tại Trung Quốc, Công ty Clover Biopharmaceuticals thậm chí công bố kế hoạch tham vọng hơn là phát triển loại vaccine dựa trên protein của virus corona và có thể đưa vào thử nghiệm trong vài tuần tới. Trung Quốc cũng đang bắt tay với Nga để phát triển vaccine chống chủng virus nCoV-2019.
Tỉ phú giàu nhất Trung Quốc Jack Ma đã tuyên bố tài trợ 100 triệu nhân dân tệ (khoảng 14 triệu USD), trong đó gần một nửa sẽ dành cho việc phát triển vaccine chống virus nCoV-2019.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng: dù đẩy mạnh việc phát triển vaccine, việc thử nghiệm và sản xuất sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức khác. Do đó, thế giới phải chờ ít nhất một năm nữa mới có thể có được loại vaccine hiệu quả để đối phó với virus corona.
Ngày Vía thần tài: Người dân đeo khẩu trang đi mua vàng giữa tâm dịch Virus Corona
(Techz.vn) - Ngày Vía thần tài: Bất chấp dịch bệnh do Virus Corona đang diễn biến phức tạp, nhiều người vẫn xếp hàng từ sáng sớm để chờ mua vàng lấy may.