Vài ngày trở lại đây, giới công nghệ bất ngờ rộ lên một thông tin khiến nhiều người quan tâm đến lĩnh vực thông tin và truyền thông trong nước phải cảm thấy kỳ lạ. Đó là việc Bộ Quốc Phòng vừa gửi tờ trình lên Văn phòng chính phủ đề nghị điều chuyển Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (HVCNBCVT - PTIT) về Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel. Kéo theo lời đề nghị này là việc Văn phòng chính phủ tham khảo ý kiến của 5 Bộ có liên quan gồm Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư, Nội vụ, Lao động-Thương binh & xã hội về ý kiến đề xuất của Bộ Quốc phòng.
Điều kỳ lạ nằm ở chỗ, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chỉ vừa mới được chuyển quyền quản lý sang Bộ Thông tin & Truyền thông cách đây chưa lâu. Bên cạnh đó, toàn thể cán bộ công nhân viên cũng như các thế hệ sinh viên Học viện Bưu chính Viễn thông đều cảm thấy bất ngờ khi bỗng chốc nghe đến kế hoạch “quân đội hóa” mà không được báo trước.
Đáp lại sự quan tâm từ phía Bộ Quốc phòng là thái độ hờ hững từ phía Học viện. Vậy lý do nào đã khiến giảng viên và các thế hệ sinh viên Bưu chính từ chối nguồn đầu tư khổng lồ nhiều khả năng sẽ được đổ xuống từ phía Viettel? Điều này có lẽ chỉ có những người trong cuộc mới hiểu.
“Chúng tôi không phải là chiến sĩ”
Nếu phải chỉ ra nguyên nhân nghĩ đến đầu tiên của “người Bưu chính” khi từ chối Viettel, đó có lẽ là niềm tự hào của những người xuất thân từ ngành Bưu điện. Trong suốt lịch sử phát triển hơn 60 năm của mình, từ thời kỳ chỉ là trường Cán bộ Bưu điện cho đến khi trở thành một Học viện mang tầm cỡ quốc gia, dù dưới sự quản lý của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào, người Bưu chính vẫn tự hào mình là người của ngành Bưu điện.
Cùng với thời gian, ngành Bưu điện đã dần dần phải nhường bước cho sự xuất hiện của các loại hình truyền thông mới mẻ hơn, tuy nhiên, đây vẫn được xem là cái cội rễ của một Học viện Bưu chính Viễn thông thời đại mới.
Toàn thể cán bộ công nhân viên cũng như các thế hệ sinh viên Học viện Bưu chính Viễn thông đều cảm thấy bất ngờ khi bỗng chốc nghe đến kế hoạch “quân đội hóa” mà không được báo trước.
Chính vì thế, những “người Bưu chính” hay cụ thể là các thế hệ giảng viên, cán bộ quản lý cũng như sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có quyền tự hào về cái tôi của họ, cái tôi của những người sẽ là tương lai ngành Thông tin & Truyền thông. Chính tâm lý này khiến “người Bưu chính” không dễ dàng chấp nhận và cam chịu cảnh “đồng hóa”.
Hơn thế nữa, khi mà HVCNBCVT chỉ vừa mới rời khỏi “bầu sữa” VNPT vốn nuôi sống họ từ những ngày đầu thành lập, việc về với đối thủ trực tiếp cùng ngành nghề kinh doanh là Viettel sẽ dẫn đến sự không công bằng với VNPT nếu chỉ xét đến chữ tình.
Sự bất đồng đến từ định hướng
Khi biết đến thông tin về việc Bộ Quốc phòng muốn biến Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trở thành thành một trung tâm nghiên cứu công nghệ cao, viễn thông, CNTT và vũ khí quân sự, không ít người có quan hệ với HVCNBCVT cảm thấy giật mình. Giật mình bởi lẽ Học viện này là môi trường đầu ngành về CNTT và Viễn thông, nhưng với các trang thiết bị khí tài quân sự, HVCNBCVT lấy đâu ra kinh nghiệm và nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, với sứ mệnh của một đơn vị đào tạo nghiên cứu trọng điểm của đất nước, của ngành thông tin và truyền thông như lời Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã nói trong buổi lễ sát nhập về cơ quan trực thuộc Bộ, nếu HVCNBCVT tập trung vào nghiên cứu, đâu sẽ là đơn vị lãnh vai trò đào tạo nhân lực cho ngành thông tin và truyền thông của đất nước trong tương lai?
Những “người Bưu chính” hay cụ thể là các thế hệ giảng viên, cán bộ quản lý cũng như sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có quyền tự hào về cái tôi của họ, cái tôi của những người có gốc gác từ ngành Bưu Điện.
Hơn nữa, với vai trò của một đơn vị sự nghiệp công, điều mà HVCNBCVT hướng tới là những kế hoạch phát triển con người trong dài hạn. Thế nhưng, nếu như về dưới quyền quản lý của một đơn vị kinh doanh như Viettel, HVCNBCVT sẽ phải hướng tới những mục tiêu ngắn hạn hơn và thường xuyên thay đổi tùy thuộc vào kết quả và đường hướng kinh doanh của doanh nghiệp theo mỗi thời kỳ. Đây rõ ràng là điều không một cơ sở giáo dục đào tạo độc lập nào mong muốn.
Giáo viên hoang mang, sinh viên xao động
Một nguyên do khác dẫn đến việc không nhiều người tán thành đề suất sát nhập HVCNBCVT vào Viettel do có các mối lo lắng nhất định từ chính những người trong cuộc.
Với các thế hệ giảng viên và bộ máy quản lý, việc chuyển về hoạt động dưới sự giám sát của Viettel cũng đồng nghĩa với việc Học viện sẽ mất đi phần nào sự tự chủ trong các quyết định của mình. Bên cạnh đó, khi mà Viettel vốn nổi tiếng với các yêu cầu khắt khe về mặt nhân sự, nguy cơ của một cuộc sàng lọc đối với bộ máy hiện tại là điều không phải không có khả năng xảy ra. Chính vì vậy, dù muốn dù không vẫn sẽ tồn tại tâm lý hoang mang ngay trong nội bộ của những người làm công tác quản lý.
Vấn đề phát sinh khi sát nhập HVCNBCVT vào Viettel còn nằm ở việc chưa rõ cơ quan chủ quản mới trong trường hợp xảy ra sát nhập sẽ có định hướng gì trong công tác đào tạo và tuyển sinh. Sinh viên của trường sẽ là sinh viên khối quân sự hay sinh viên hệ dân sự hay hỗn hợp cả 2? Viettel sẽ làm gì đối với những ngành đào tạo không mấy liên quan đến công việc của họ như Công nghệ đa phương tiện (Multimedia) hay Marketing? Bên cạnh đó, việc chuyển đổi đơn vị quản lý liệu có dẫn đến việc đổi tên trường? Các sinh viên đang theo học tại Học viện sẽ có bằng chứng nhận của HVCNBCVT hay của trường mới?
Tất cả những câu hỏi đó rõ ràng đều sẽ khiến sinh viên đang theo học tại Học viện này cảm thấy bất an và lo lắng.
Với những lý do được đề cập trên đây, có thể hiểu được phần nào việc HVCNBCVT từ chối về với Viettel, điều mà nhiều người ở ngoài khi nhìn vào sẽ cho rằng, đây là một cơ hội lớn cho sự phát triển của Học viện. Dù có như vậy, không thể phủ nhận những lợi ích to lớn nếu như HVCNBCVT trở thành thành viên của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel. Thay đổi hay không thay đổi? Sát nhập hay không sát nhập? Hơn 28.000 sinh viên theo học tại đây đang nín thở chờ đợi quyết định cuối cùng về vụ việc này.