Trên thị trường di động hiện nay, sự kết hợp giữa phần cứng và dịch vụ là tối quan trọng.
Tháng 11/2012, Microsoft báo lợi nhuận giảm 22%. Dù số tiền lợi nhuận 4,47 tỉ USD là không nhỏ, câu hỏi đặt ra là liệu Microsoft có thể thay đổi chiến lược trước khi hoàn toàn bị Google làm lu mờ?
Khi Google phát hành thiết bị di động đầu tiên – HTC T-Mobile G1, gã khổng lồ tìm kiếm bị nghi ngờ về khả năng chế tạo smartphone đủ sức cạnh tranh. Tuy nhiên, Android đã trưởng thành, một số thiết bị như Nexus One dần trở thành thách thức thực sự cho iPhone. Google mới thu được vài thành công trong việc bán sản phẩm trực tiếp qua Play Store khi phần lớn thiết bị thương hiệu Nexus chỉ thực sự hấp dẫn lập trình viên hay “fan ruột” của Android.
Dù vậy, Nexus 7 đã thay đổi hoàn toàn. Được Asus sản xuất và bán ra với mức giá hấp dẫn, cấu hình xuất sắc, Nexus 7 gây chú ý với đối tượng muốn sắm tablet giá rẻ hơn song có sức mạnh không thua iPad. Gần đây, smartphone LG Nexus 4 cũng thường trong tình trạng “cháy hàng”.
Các thiết bị có điểm chung: cùng được Google hỗ trợ “tận răng” và cùng được bán trực tiếp trên cửa hàng ảo song song với các nhà mạng. Bằng cách này, Google chứng tỏ bản thân là đối trọng duy nhất cạnh tranh được với Apple trong cả phần cứng, phần mềm.
Cuộc chơi của Microsoft quá an toàn
Khi tái xây dựng lại hình ảnh Windows Mobile bằng Windows Phone, Microsoft sở hữu cơ hội tuyệt vời để ra mắt smartphone hay tablet đột phá. Tuy nhiên, cuối cùng hãng lại thất bại trong việc kiểm soát dòng sản phẩm riêng của mình. Thay vì đặt tên Microsoft lên phần cứng, Microsoft lại nhờ tới đối tác như HTC, Samsung đưa thương hiệu Windows Phone ra thị trường.
Dù vậy, lựa chọn phần cứng ban đầu của Windows Phone 7 (đã ngừng sản xuất sau khi Windows Phone 8 xuất hiện) không gây cảm hứng và thua xa đối thủ. Bên cạnh đó, Microsoft tiếp tục thất bại khi không thuyết phục được mọi người trải nghiệm desktop truyền thống cũng hữu dụng trên màn hình cảm ứng nhỏ hơn. Một điều không may nữa là các hãng phần cứng không giúp được gì nhiều cho Microsoft khi luôn định giá quá cao.
Với sự ra mắt của Microsoft Surface RT và Windows 8, Microsoft đã tiến thêm một bước giống với Google và bắt đầu bán thiết bị trực tiếp. Song, Microsoft không thể bắt kịp thành công của Nexus, Surface chỉ có doanh số khiêm tốn trong tháng đầu tiên lên kệ, dự báo 1 triệu máy trong quý IV/2012.
Microsoft sẽ tiến đến đâu?
Tại sao Microsoft chưa tiến xa được? Đầu tiên, do hãng chưa thực sự mang tới gì độc đáo trên Surface so với nhiều hãng sản xuất khác như Dell hay HP. Dù vỏ bảo vệ kiêm bàn phím là một sáng tạo nhưng không đột phá nếu xếp cạnh tablet Transformer của Asus. Ngoài ra, lượng phần mềm độc quyền để thu hút khách hàng không có nên Microsoft phải tập trung tiếp thị vào phần cứng. Một điểm nữa là Surface không có “anh em” smartphone nào để mang lại trải nghiệm thống nhất giữa các thiết bị như Google.
Tất nhiên, Windows Phone 8 vẫn có đại diện xuất sắc như Nokia Lumia và HTC Windows Phone 8X song, vì không có thương hiệu Microsoft trên sản phẩm, Microsoft không được hưởng lợi trực tiếp từ điều này.
Tất cả xoay quanh hệ sinh thái
Để bật lên, Microsoft cần có hệ sinh thái xuyên suốt giữa nhiều thiết bị như Google hay Apple. Với Microsoft, rất khó để xác định phải bắt đầu từ đâu. Tới hiện tại, điều thú vị duy nhất Microsoft làm được là tích hợp SmartGlass với Xbox. Nếu được hoàn thiện, đây sẽ là tính năng “gây nghiện” đối với người dùng Windows Phone và Surface, hoạt động như màn hình và giao diện người dùng mở rộng cho nền tảng game Xbox Live nổi tiếng.
Microsoft vẫn còn nhiều việc phải làm mới mang lại được dịch vụ đám mây thân thiện với người dùng, thống nhất các file, cài đặt và mọi thứ khác trên mọi thiết bị Windows. Windows Phone 8 cùng Windows 8 đang đặt nền móng cho tương lai động tươi sáng hơn của Microsoft nhưng theo hướng đi của Google.