Cùng với Android và iOS, Windows Phone đang là một trong ba nền tảng hệ điều hành di động góp phần tạo nên thế chân vạc trên thị trường. Tuy nhiên, so với vị thế vốn khó có thể suy chuyển của iOS và Android, Windows Phone của Microsoft lại đang là mắt xích yếu nhất và luôn trong tình trạng có thể bị thay thế bất cứ lúc nào. Điều này đã được phản ánh một cách rõ ràng qua tình hình kinh doanh của các thiết bị chạy Windows Phone ở thời điểm hiện tại. Vậy đâu là lý do dẫn đến tình trạng ghẻ lạnh kéo dài này?
Kém hấp dẫn và chậm thay đổi
Kém hấp dẫn và chậm thay đổi là nguyên nhân số một dẫn đến sự quay lưng của người dùng đối với các sản phẩm chạy hệ điều hành Windows Phone. Với những người am hiểu về công nghệ, Windows Phone nổi bật so với các hệ điều hành còn lại nhờ ưu điểm về tính bảo mật và không cho phép có sự can thiệp từ bên ngoài. Tuy nhiên, đây cũng chính là nhược điểm chết người của hệ điều hành này.
Tương lai của ngành di động toàn cầu vẫn phụ thuộc nhiều vào Android và iOS thay vì Windows Phone (Theo dự đoán của IDC)
Giao diện đơn điệu và quá ít tùy biến là điều mà nhiều người đang phàn nàn về sản phẩm của Microsoft. Với việc cho phép người dùng lựa chọn hình ảnh để làm nền cho các ô live tile, điều này đã giúp cải thiện hơn về độ thân thiện của hệ điều hành này. Tuy nhiên với nhiều người, như vậy vẫn là chưa đủ.
iOS của Apple cũng là một sản phẩm được đánh giá cao về khả năng bảo mật. Thế nhưng khác với Windows Phone, sự ổn định, khả năng tự làm mới liên tục cùng với kho phần mềm chất lượng và phong phú chính là điều tạo nên sự khác biệt cho hệ điều hành của Apple.
Sức hấp dẫn của Windows Phone hiện chỉ còn lại ở những dòng sản phẩm giá rẻ (Ảnh: Internet)
Từng được nhiều người kỳ vọng sẽ là sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với iOS và Android, thế nhưng chưa bao giờ Windows Phone thực sự thành công với sứ mệnh mà mọi người dành cho nó. Ở giai đoạn ban đầu, sự có mặt của Windows Phone thực sự là một làn gió mới, nó đem đến sự đa dạng về lựa chọn cho người dùng. Nhưng rồi cùng với thời gian, việc mất đi sức hút từ sự mới lạ cũng đã phần nào chặn lại đà phát triển của hệ điều hành đến từ Microsoft.
Trong con mắt của nhiều người hiện nay, những chiếc điện thoại Windows Phone đơn giản là một sự lựa chọn an toàn. Cùng với điều đó, những mẫu điện thoại dạng này phù hợp hơn với các đối tượng khách hàng là những người lần đầu tiên tiếp xúc với smartphone, những người không thích sự thay đổi và không có nhiều yêu cầu về các tính năng giải trí.
Cạnh tranh: chìa khóa quyết định thành công
Với những người đã từng kinh doanh hoặc ít nhiều có dính dáng đến việc kinh doanh, hẳn không ai có thể phủ nhận rằng, cạnh tranh chính là chìa khóa của sự phát triển. Đáng tiếc rằng, đây chính là điều mà những chiếc điện thoại Windows Phone còn thiếu.
Nếu không kể đến các sản phẩm của HTC và Nokia, những mẫu điện thoại chạy Windows Phone đang được bày bán chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay (Ảnh: Internet)
Từng được biết đến với hàng loạt các sản phẩm đến từ nhiều nhà sản xuất khác nhau như Galaxy Focus của Samsung; Quantum, Optimus 7 của LG rồi HTC với các đại diện như HTC 7 Surround, HTC 7 Trophy hay HTC HD7. Thế nhưng sự đa dạng này đã dần dần bị biến mất.
Chỉ một vài năm sau thế hệ các sản phẩm chạy hệ điều hành Windows Phone đầu tiên, Dell, LG và cả Samsung đã chính thức nói lời từ biệt với hệ điều hành này. Để rồi đến hiện nay, gần như chỉ còn mỗi HTC, Nokia và một vài mẫu máy xa lạ đến từ các thương hiệu nhỏ như ZTE, Huawei, Q-Smart là còn sử dụng hệ điều hành của Microsoft.
Miếng bánh thị phần Windows Phone gần như chỉ có mình Nokia khai thác (Sô liệu: AdDuplex)
Đáng buồn hơn, theo những số liệu thống kê của AdDuplex, Nokia đang chiếm đến 92% các thiết bị Windows Phone hiện đang bày bán trên thị trường (2013). Chính vì điều này mà nhiều người mặc nhiên rằng, Windows Phone chính là Nokia và tất nhiên sự thành bại của Nokia là thước đo chuẩn xác nhất cho tình hình kinh doanh của Windows Phone và Microsoft.
Số phận của Nokia đã ra sao thì ai cũng rõ. Dù không phải nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của Nokia nhưng việc thiếu đi các đối thủ cạnh tranh xứng tầm cũng đã góp phần bóp nghẹt cửa sống của tập đoàn danh tiếng này.
Thế mới biết, dù là sản phẩm của nhà phát triển với nhiều năm kinh nghiệm như Microsoft, tuy nhiên điều đó chưa hẳn đã có thể đảm bảo cho sự thành công của một hệ điều hành mới như Windows Phone. Làm sao để kéo không chỉ người sử dụng mà là cả các nhà sản xuất quay lại với Windows Phone? Cõ lẽ Satya Nadella cùng các cộng sự của mình hẳn sẽ còn rất lâu nữa mới tìm ra câu trả lời.