Nhịp sống số

Về mức độ thái quá trong thông tin tội ác

Về mức độ thái quá trong thông tin tội ác

Chưa bao giờ số lượng cũng như mức độ tội ác lại gia tăng như lúc này, cũng chưa bao giờ chuyện thông tin về tội ác lại lạnh lùng như lúc này. Nếu là người quan tâm, hẳn phải xem xét mối tương quan giữa tội ác và chuyện thông tin tội ác.

Đơn cử trường hợp gây án của hai học sinh phổ thông ở thị trấn Trà Mi, Quảng Nam, đã có đến mấy chục tờ báo giấy, báo mạng, báo hình, báo tiếng cùng đồng loạt đưa tin bài với những tít có nội dung rùng rợn như: Học sinh đâm chết bảo vệ; Phạm kỷ luật, học sinh đâm chết bảo vệ trường; Chân dung hai “sát thủ” lớp 10; Bị bảo vệ phát giác, hai học sinh giết người diệt khẩu... Chỉ riêng với trường hợp gây án này, ở góc độ người tiếp nhận thông tin, dù là người dày dạn cũng khó thoát được ám ảnh huống gì là tuổi trẻ.

Từ góc nhìn tổng quan về xã hội thông tin, nếu một tội ác ở mức độ giết người được thông tin bùng nổ đồng loạt, giựt gân, câu khách thì tất nhiên chính thông tin về tội ác cũng là một tội ác khi giết chết những thông tin nhân bản khác.

Khi nào thì việc đưa tin những vụ án giết người được gọi là hội chứng thông tin cái ác? Không cần phải là nhà tội phạm học hoặc nhà làm luật cũng biết rằng, đó là khi cái ác được thông tin không với mục đích định hướng dư luận về nguyên nhân thủ ác, phân tích hậu quả điều ác, nhất là thức tỉnh được các giá trị về tánh thiện, đạo đức, luân lý... để cả cộng đồng cùng ý thức phòng ngừa và giảm thiểu hành vi, mức độ thủ ác.

Khi nào thì việc đưa tin những vụ án giết người được gọi là gây ra hiệu ứng phạm tội giết người? Không cần phải là người thấu thị cũng biết khi tội ác được đưa tin một cách vô cảm, hành vi giết người được mô tả chi tiết hấp dẫn, giựt gân như là những phiên bản phim xã hội đen thì hẳn nhiên tội ác sẽ trở thành hiệu ứng copy dây chuyền.

Chưa lúc nào Việt Nam có các phương tiện thông tin đa dạng và cập nhật nhanh bằng lúc này. Nếu mức độ tội ác giết người và những tội ác nghiêm trọng khác được tha hồ thông tin, tha hồ cạnh tranh trong đưa tin thì khác gì xem tội ác là đề tài để kinh doanh, quảng cáo, lăngxê như một loại hình giải trí, một kiểu tạo mốt, tạo sao? Người ta có thể đưa ra dẫn chứng về trường hợp quái gở của các fan hâm mộ kẻ thủ ác Lê Văn Luyện ở Bắc Giang cướp tiệm vàng, giết ba mạng người trong đó chặt tay cả trẻ con. Thế nên những công dân tiếp nhận thông tin không thể thoát khỏi tình trạng bị nhồi nhét tội ác đủ kiểu, đủ mọi tầm mức khiến phải ngơ ngác hoang mang: tương lai mình và con em mình sẽ ra sao! Theo đà này thì xã hội Việt Nam này sẽ ra sao?

Nếu một ngày nào đó vừa mở mắt thức giấc, con người bị tràn ngập thông tin giết người với đủ mọi lý do, từ vụn vặt cho đến quy mô thì hẳn nhiên không ai bỏ trốn vô rừng, vô hang mà chính xã hội này đã trở thành nơi hoang dã ác nghiệt. Một xã hội thông tin càng hiện đại thì hẳn nhiên càng có trách nhiệm bồi đắp nền móng các giá trị nhân văn, đạo đức, luân lý. Mức độ tội ác của mỗi thời đại mỗi khác, nhưng dù ở mức nào thì một xã hội thông tin lành mạnh cũng phải ở trên cái ác, để thực thi trách nhiệm lương tri của tánh thiện.

<>Giao Cảm

Sài Gòn Tiếp thị<>

... nhưng bất cập trong thông tin bạo lực công quyền. Trong khi báo chí tỏ vẻ thái quá khi đưa tin về tội ác, thì những hành vi bạo lực trong một sự kiện cưỡng chế đất đai lại chỉ được phát lộ khi xuất hiện đoạn clip của một chứng nhân ẩn danh nào đó ghi lại đầy đủ cảnh nhân viên thừa hành công vụ đánh hội đồng những người không có hành vi phản kháng...

Một bên là hệ thống chính thống vô tình cổ xuý cho cái ác, còn bên vạch trần cái ác lại là một kênh thông tin... ẩn danh. Chưa hết, việc đến nay tác giả đoạn clip đó không dám ra mặt càng cho thấy sự đổ vỡ lòng tin vào tính công minh của luật pháp. Mà khi người ta không còn tin hệ thống pháp luật có thể bảo vệ mình, thì bạo lực, trong đó có bạo lực công quyền, càng dễ lộng hành.

<>Hồ Trần