Cộng đồng mạng vẫn thường đùa nhau rằng, việc sinh ra làm con tỷ phú đã là một “thành công” lớn. Có người còn dùng cụm từ “ngậm thìa vàng”, “sinh ra ở vạch đích” để chỉ những thiếu gia, tiểu thư con nhà giàu. Làm sao để các tỷ phú có thể hướng con mình đi đúng hướng, không sa ngã, không bị ỷ lại vào tài sản gia đình?
Người ta thường nói, nghèo vượt khó là chuyện đáng khen ngợi, song nhà giàu vượt cám dỗ lại còn đáng học tập hơn cả. Bởi không phải ai cũng có thể để đôi chân chạm đất khi sinh ra trong một môi trường quá thuận lợi, tốt đẹp.
Trong trường hợp là con của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thì sao? Liệu người giàu nhất Việt Nam có cách gì để rèn luyện, dạy dỗ con? Trong một bài phỏng vấn với báo Tuổi Trẻ vào đầu năm 2019, ông Phạm Nhật Vượng thẳng thắn chia sẻ: “Quan điểm của tôi là các cháu phải chịu khó lao động, yêu lao động và phải rèn luyện. Như cậu con trai đầu, ngày xưa ở bên Ukraine sân nhà tôi rất rộng, đến mùa hè tôi mua một xe gạch về đổ xuống sân, cháu và mấy đứa bạn cứ chở từ đầu này đến đầu kia, sắp xếp xong là được 100 đô. Cứ vậy mà làm miệt mài cả mùa hè. Ngay bây giờ cũng thế, cũng phải lao động. Như con bé út nhà tôi, ăn cơm xong là phải đi dọn bát, làm việc nhà”.
Nhiều người không nghĩ rằng con của vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam lại phải động tay động chân làm việc nhỏ nhặt. Những tưởng sẽ như phim ảnh, mỗi thiếu gia, tiểu thư đều được cơm bưng nước rót, phục vụ từng tí một. Nhưng không, ông Phạm Nhật Vượng dạy con phải biết lao động, có làm mới có ăn, không để họ ỷ lại vào những gì bố mình đã gầy dựng được.
Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi nếu người thừa kế của cả một tập đoàn lớn mà không có thực tài thì vô cùng nguy hiểm. Dĩ nhiên bố mẹ nào cũng muốn con mình sẽ phát huy, tiếp nối sự nghiệp của gia đình, song với điều kiện là phải có năng lực.
“Quan điểm của tôi là không bắt sau này các con phải ôm công việc của bố. Các con yêu thích và có năng lực đến đâu thì làm đến đấy, không thì thôi, không thể hủy hoại cái sự nghiệp mà bao nhiêu người tâm huyết xúm lại làm mới ra được”, người đứng đầu tập đoàn Vingroup cho biết.
Ông cũng đưa ra dẫn chứng ngay từ cậu con trai cả của mình. Bước chân vào tập đoàn của bố, cậu không một bước vào phòng máy lạnh, ngồi ghế xịn ngay được, ngược lại là đi công tác, xuống cơ sở thực tế. Theo ông Vượng, “Không thể khệnh khạng được. Đây là cơ hội để anh ấy học hỏi. Nghe xem các chú các bác, rồi bố làm việc như thế nào. Chứ bình thường bạn ấy toàn tiếp xúc với đội trẻ hơn mình thì khó vươn lên được”.
Quả thật chẳng có ai vốn đã sinh ra ở vạch đích cả, xuất thân càng cao thì cái đích người ta hướng đến lại càng cao mà thôi.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng và nước cờ đúng đắn khi quyết định bỏ Vinpearl Air
(Techz.vn) – Nếu nhìn lại quyết định dừng dự án Vinpearl Air của ông Phạm Nhật Vượng, có thể thấy đây là bước đi sáng suốt và có phần may mắn với vị tỷ phú. Trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp thì điều đó càng rõ ràng hơn.