Scorpius

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang giàu hơn tổng tài sản 23 tỷ phú Việt cộng lại

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (18/01), cổ phiếu VIC tăng nhẹ 1% so với cuối tuần trước khi đóng cửa tuần ở mức giá 102.200 đồng/cổ phiếu. Với mức tăng này, tỷ phú Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Vingroup) có thêm 1.492 tỷ đồng chỉ sau 1 tuần.

Hiện tổng giá trị cổ phiếu VIC do ông Vượng nắm giữ là 190.622 tỷ đồng, tương đương 8,23 tỷ USD, và giữ vững bởi không có đối thủ ở vị trí tỷ phú USD giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Khoảng cách mà Chủ tịch Vingroup tạo ra với vị trí người giàu thứ hai trên sàn chứng khoán Việt Nam là ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Techcombank, Phó Chủ tịch Masan Group – lớn đến mức khoảng cách này bằng với tổng tài sản của 23 người giàu nhất trên sàn chứng khoán cộng lại, tính từ vị trí thứ hai là ông Hồ Hùng Anh đến vị trí thứ 24 là bà Vũ Thị Quyên (mẹ của Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng).

Hiện tổng tài sản của ông Hồ Hùng Anh thông qua sở hữu cổ phiếu TCB của Techcombank và MSN của Masan Group cũng đã đạt xấp xỉ 1 tỷ USD (21.083 tỷ đồng).

Trong tuần giao dịch vừa qua, cổ phiếu TCB tăng 900 đồng khi đóng cửa tuần ở mức giá 26.750 đồng/cp; MSN tăng 300 đồng lên 81.000 đồng/cp đã khiến cho tổng tài sản của ông Hồ Hùng Anh tăng thêm 109,568 tỷ đồng.

Với mức tăng giá như trên của TCB và MSN, tài sản của người giàu thứ ba trên sàn chứng khoán là ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Masan Group, Phó Chủ tịch Techcombank – cũng đã tăng thêm 84 tỷ đồng. Hiện tổng tài sản thông qua hai mã cổ phiếu này do ông Quang sở hữu là 20.678 tỷ đồng, “chỉ” kém ông Hồ Hùng Anh gần 200 tỷ đồng.

Khoảng cách giữa ông Nguyễn Đăng Quang với bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Phó Chủ tịch HDBank, TGĐ Vietjet Air – lại còn ngắn hơn khi bà Thảo đang có khối tài sản 20.459 tỷ đồng từ việc sở hữu cổ phiếu VJC và HDB.

Sự trồi sụt của cổ phiếu HPG, VJC, ROS khiến ông Phạm Nhật Vượng trở nên "cô đơn" trên đỉnh bảng xếp hạng. Hiện những người có khả năng gia nhập CLB tỷ phú USD cùng với ông Vượng chỉ có thể là ông Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang.

Tuy nhiên, tuần qua là một tuần giao dịch buồn đối với VJC và HDB. Trong khi HDB giảm nhẹ 100 đồng khi đóng cửa tuần ở mức giá 29.100 đồng/cp, VJC có chuỗi 4 phiên giảm giá liên tiếp và đóng cửa tuần ở mức giá 115.200 đồng/cp, giảm 1.800 đồng/cp so với cuối tuần trước.

Mức giảm này khiến cho tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo “bốc hơi” 307 tỷ đồng sau 1 tuần giao dịch. Hiện bà Thảo đang đứng ở vị trí thứ tư trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, “nữ tướng” của Vietjet Air còn bỏ xa người đứng vị trí kế tiếp là ông Trần Đình Long – Chủ tịch Hòa Phát Group (HPG) – với khoảng cách lên đến gần 5 nghìn tỷ đồng.

Cổ phiếu HPG giảm 1% trong tuần qua, hiện đang ở mức giá 29.200 đồng/cp. Mức giảm này cũng khiến giá trị cổ phiếu HPG do ông Long nắm giữ giảm theo 80 tỷ đồng. Hiện tại, ông Trần Đình Long đang sở hữu hơn 500 triệu cổ phiếu HPG, tương đương khối tài sản trị giá 15.598 tỷ đồng.

Mặc dù kết quả kinh doanh năm 2018 rất khả quan nhưng diễn biến không thuận lợi của thị trường thép nói chung đã khiến cổ phiếu HPG mất giá trong thời gian gần đây. Tính từ đầu năm 2019 đến nay, khối tài sản của ông Trần Đình Long đã giảm 935 tỷ đồng so với cuối năm 2018.

Bám sát Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát là bà Phạm Thu Hương (Phó Chủ tịch Vingroup, vợ ông Phạm Nhật Vượng) khi giá trị tài sản của bà Hương đang ở con số 15.438 tỷ đồng, chỉ cách ông Long 160 tỷ đồng. Đóng góp đáng kể vào việc thu hẹp khoảng cách này là do trong tuần qua bà Phạm Thu Hương có thêm 120 tỷ đồng nhờ việc cổ phiếu VIC tăng giá.

Trên đây là diễn biến giao dịch cổ phiếu của 6 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam trong tuần. Nhưng gây chú ý nhất tuần qua lại là người đứng ở vị trí thứ 7, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch FLC Group và FLC Faros – với việc hãng hàng không Bamboo Airways của Tập đoàn FLC chính thức vận hành thương mại.

Có lẽ việc hãng hàng không thứ 6 của Việt Nam tham gia vào thị trường hàng không đã tạo hiệu ứng phần nào cho cổ phiếu FLC khi cổ phiếu này tăng 2,4%, đóng cửa tuần ở mức giá 5.450 đồng/cp.

Mức tăng nói trên của FLC giúp tỷ phú họ Trịnh có thêm 19,5 tỷ đồng, nhưng mức tăng này không đủ “bù đắp” cho sự sụt giảm đối với cổ phiếu ROS.

Cụ thể, ROS giảm 400 đồng (1,1%) so với tuần trước đó, còn 35.400 đồng/cp, qua đó khiến tài sản của ông Trịnh Văn Quyết giảm 153 tỷ đồng. Hiện tổng giá trị cổ phiếu của ông chủ Bamboo Airways là 14.350 tỷ đồng, giảm hơn 1.200 tỷ đồng tính từ cuối năm 2018.

Theo: infonet.vn 

 

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lần đầu tiết lộ chuyện phá sản thời sinh viên

(Techz.vn) Trong cuộc phỏng vấn được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ mới đây, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã lần đầu tiên tiết lộ chuyện kinh doanh khi ông còn là sinh viên học tập tại Moscow, Nga.