Flappy Bird và niềm tự hào mang tên Việt Nam
Từ Flappy Bird nghĩ về bài học “Đơn giản là hoàn hảo”
"Tất cả những gì mà người ta học tập được trong thời đại công nghiệp này là phải cố công sáng tạo càng lúc càng phức tạp. Tôi nghĩ là người ta càng lúc càng cần phải là đơn giản đi chứ không phải là nên phức tạp lên. Tính đơn giản là tri thức đặc biệt."
Đi từ con số 0…
Ngày 24/5/2013, Nguyễn Hà Đông, tác giả của Flappy Bird, chính thức đăng tải ứng dụng lên App Store với tên gọi Flappy Bird. Trước khi trở thành một “hiện tượng”, Flappy Bird đã có một thời gian dài “chìm nghỉm”. Ngày 14/11/2013, Flappy Bird bất ngờ vươn lên vị trí thứ 393 trong danh mục trong những game dành cho gia đình được tải nhiều nhất. Đầu năm 2014, Flappy Bird mới trở nên nổi tiếng và trở thành một “hiện tượng” trên toàn cầu như chúng ta đã biết.
Đơn giản là hoàn hảo
Giờ đây, khi tất cả mọi ánh mắt đều nhìn về sự thành công của Flappy Bird, rất nhiều người vẫn chưa hiểu vì sao Flappy Bird lại thành công đến như vậy. Có ý kiến cho rằng, tác giả Flappy Bird dùng thủ thuật cheat làm game leo lên top. Lại có ý kiến cho rằng sự thành công của Flappy Bird nhờ đóng góp lớn của mạng xã hội. Lại cũng có người cho rằng Flappy Bird thành công như “chuyện trúng số độc đắc”, không thể lý giải được.
Nhưng dưới góc nhìn của người viết, Flappy Bird thành công là nhờ bản chất của nó: đơn giản trong từng chi tiết. Đơn giản trong đồ họa (không kém phần dí dỏm) nên mới tạo ấn tượng ghi nhớ cho người chơi; đơn giản trong cách cài đặt (game cực nhẹ) nên game dễ tải; đơn giản trong cách chơi nhưng lại cực khó để được điểm cao; đơn giản trong việc so sánh “trình độ” người chơi thông qua điểm số… tất cả những sự đơn giản ấy đã góp phần tạo nên một game có 48.000 lượt người đánh giá, bình luận (tương đương ứng dụng Gmail), …
Vậy đó, tất cả sự tinh tế của Flappy Bird chỉ nằm trong 2 chữ “đơn giản”. Nhưng có rất nhiều chi tiết tinh tế, đặc biệt là sự tinh tế của người làm game, được ẩn dấu dưới vỏ bọc của sự đơn giản. Đặc biệt nhất là sự tinh tế khi đánh trúng tâm lý của người chơi bởi khi mới nhìn qua trò chơi, ai cũng nghĩ nó đơn giản và mình có thể chơi tốt. Nhưng thực tế, để chơi được Flappy Bird là không dễ và khi người ta thất bại, người ta vẫn nghĩ trò chơi đơn giản và mình thất bại chỉ là không may mắn. Do vậy, người ta vẫn cứ lao vào trò chơi với đầy đủ sự háo hức, đầy đủ sự kiên trì, “dễ thôi, mình sẽ chơi tốt”. Có thể, Nguyễn Hà Đông nổi tiếng là nhờ may mắn, nhưng chắc chắn, Flappy Bird thành công là nhờ bản chất đơn giản mà tinh tế của nó.
Những ai từng đọc qua cuốn sách “Đơn giản là hoàn hảo” của Jack Trout có lẽ sẽ còn nhớ đến câu chuyện của Apple. Lúc đó, John Sculley vẫn còn là đầu não của Apple Computer, ông đã từng nói: "Tất cả những gì mà người ta học tập được trong thời đại công nghiệp này là phải cố công sáng tạo càng lúc càng phức tạp. Tôi nghĩ là người ta càng lúc càng cần phải là đơn giản đi chứ không phải là nên phức tạp lên. Tính đơn giản là tri thức đặc biệt". Và thành công của Flappy Bird ngày hôm nay đã chứng minh sức mạnh của sự đơn giản. Nói như vậy không có nghĩa là Flappy Bird không có sự tinh tế, ngược lại, với người viết thì sự tinh tế của Flappy Bird được tác giả (dù vô tình hay cố ý) ẩn dấu dưới một hình thức đơn giản. Và thành công đã đến…
Startups Việt và những bài học đơn giản?
Flappy Bird đã chính thức bị khai tử vào ngày 10/02/2014, để lại nhiều bài học cho giới khởi nghiệp ở Việt Nam. Không ít người tỏ ra tiếc nuối cho “chú chim Việt”. Trong hoàn cảnh thị trường khởi nghiệp Việt Nam được đánh giá là có số lượng nhưng chưa có chất lượng thì chú chim Flappy Bird đã để lại không ít bài học vừa thú vị.
Bài học đầu tiên, đó là các startups Việt là cứ cố gắng làm cho sản phẩm mình khác biệt bằng cách thêm thắt nhiều chi tiết và điều này vô tình làm cho sản phẩm trở nên rắc rối. Họ quên đi rằng, trong thời đại công nghệ bùng nổ như hiện nay, người dùng ngày càng ưa thích sự đơn giản và tiện lợi. Đơn giản hóa sản phẩm, đó là cách để các startup tạo dựng những giá trị tiềm năng cho sản phẩm của mình, từ đó thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư và của người sử dụng sản phẩm. Bởi lẽ, trong thời buổi internet bùng nổ như hiện nay, người sử dụng không đủ thời gian và kiên nhẫn để tìm hiểu sự tinh tế một cách trọn vẹn nhất vì thế mà họ yêu thích sự đơn giản.
Nếu bảo bạn phải tìm ra một hạt nếp trong một rá gạo tẻ thì không dễ, nhưng nếu bạn chỉ phải tìm ra một hạt lúa trong rá gạo đó thì rõ ràng nhiệm vụ này dễ hơn nhiều. Hạt lúa đó chính là hình ảnh của sự đơn giản. Startups Việt giờ đây cần hiểu ra rằng, nên xác định tiềm năng của sản phẩm mình là gì, được tạo nên từ sự phức hợp hay từ sự đơn giản, hướng đến bộ phận nào của thị trường để có thể có một hướng đi đúng. Vì suy cho cùng, “Đơn giản là hoàn hảo”!
Đọc thêm: Người Mỹ 'thỉnh cầu' tổng thống Obama để hồi sinh Flappy Bird
IDG ASEAN