Từ chuyện Bống chè bưởi, thần đồng Đỗ Nhật Nam, đến khái niệm về một "tuổi thơ" đúng nghĩa của trẻ con
- Shark Hưng: Muốn vợ hết kêu ca khi đi làm về muộn, các anh chồng hãy sử dụng thủ thuật đưa phong bì!
- Quan điểm đầu tư của shark Việt: Chia tay nhau trong thành công, 'giống như Thánh Gióng thắng lợi rồi cởi áo giáp mà đi, ở lại chia phần mệt lắm!'
- Bất đồng quan điểm với shark Linh về quy luật tự nhiên và chữ "duyên", shark Phú khẳng định shark Linh chỉ mới hơn 30, sau 50 tuổi sẽ nghĩ lại!
Còn nhớ cách đây mấy năm, thiên hạ nhao nhao lên bàn cãi về phát biểu của thần đồng Đỗ Nhật Nam: “Truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn”. Cậu bé thần đồng với khả năng thần kì chia rẽ mạng xã hội ấy, 8 tuổi đã đạt 940/990 điểm TOEIC, 8 tuổi đạt 617 điểm TOEFL ITP, 10 tuổi đạt 107 điểm TOEFL IBT, 11 tuổi đạt 8.0 IELTS với điểm reading tuyệt đối 9.0. Người ta nói, bé Nam không có tuổi thơ. Tuy nhiên, để hiểu cho đúng, thế nào gọi là “có tuổi thơ”?
10 tuổi, bạn làm được gì? Bạn đã nấu được cho bố mẹ một bữa cơm hoàn chỉnh chưa hay vẫn để "các cụ" lo lắng từng bữa ăn giấc ngủ? Bạn được bố mẹ cho bao nhiêu tiền tiêu vặt mỗi tháng? Nó có đủ cho những "giấc mơ" quần áo và đồ chơi đắt tiền?
10 tuổi, là lứa tuổi quá nhỏ để các bé có thể sống độc lập về tinh thần chứ chưa nói đến vấn đề tài chính hay có thể tự mình quán xuyến những công việc khác. Vậy mà ở Tuyên Quang, có một cô bé mới chỉ lên 10 tuổi đã có kinh nghiệm bán chè bưởi 3 năm và cửa hàng kinh doanh online của em rất thành công. Trong ví em lúc nào cũng có hơn 1 triệu đồng, em tự mua sắm đồ hiệu, chi tiêu cho những sở thích cá nhân của mình.
Mới đây, cô bé Bống chè bưởi đã trở thành ngôi sao Nhí của game show đình đám Thương vụ bạc tỉ - Shark Tank Việt Nam. “Thần đồng kinh doanh” đến từ Tuyên Quang đã gọi được số vốn gần 1 tỉ đồng bao gồm 300 triệu từ Shark Hưng và Shark Thuỷ cùng học bổng 500 triệu đồng. Từ câu chuyện của bé Bống và thần đồng Đỗ Nhật Nam, chúng ta cần đặt ra một câu hỏi: những em bé này thật sự là những ngôi sao xuất chúng hay chỉ là những đứa trẻ không có tuổi thơ?
“Thơ” mang nghĩa là nhỏ, là ngây ngô, là vô lo vô nghĩ. “Tuổi thơ” được người lớn áp đặt cho một định nghĩa là khoảng thời gian được sống trong vòng tay bao bọc của bố mẹ, tạm thời chỉ cần “biết ăn, biết ngủ, biết học hành” là ngoan. Tuổi thơ là được chơi đùa, được nghịch ngợm, được mắc sai lầm và được người thân chỉ bảo.
Tuổi thơ là một quãng đời người khi chưa bị cuốn vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền; khi con nhà nọ được so sánh với cháu nhà kia bằng những thang bậc như “ngoan hơn”, “xinh hơn”, “thông minh hơn”.
Người ta hay dùng những từ ngữ như “ông cụ non”, “bà cụ non” để miêu tả những đứa trẻ có suy nghĩ “vượt tuổi”. Tò mò quá nhiều về các vấn đề vĩ mô: ông cụ non. Hiểu biết quá nhiều về các doanh nhân, nhà khoa học: bà cụ non. Có ý tưởng kinh doanh, bán hàng, rành mạch về tiền nong: “nguy hiểm”. Phải chăng chúng ta đang quá áp đặt suy nghĩ của bản thân vào tiến trình phát triển của con trẻ? Những thứ mà hồi đó ta chưa quan tâm, chẳng nhẽ con trẻ không được quan tâm?
Để không phải đi nhanh, hãy đi sớm. Để không phải vội vàng rồi va vấp, hãy chuẩn bị thật kĩ. Cố tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đã từng nói: nếu cho tôi 5 tiếng để chặt cây, tôi sẽ dành 4 tiếng để mài rìu. Mỗi con người có khoảng 70 năm để sống, để tận hưởng, để cống hiến và gặt hái, chẳng có gì sai nếu chúng ta bước vào đường đua sớm hơn những người khác. Con trẻ cũng vậy, tuổi thơ đâu nhất thiết cứ phải là nghịch ngợm nô đùa, vô lo vô nghĩ.
Tuổi thơ là khoảng thời gian đẹp đẽ nhất của đời người, khi ta còn được chở che, được bao bọc trong tình yêu thương của ông bà, cha mẹ; khi mọi mối quan hệ xã hội đều chỉ gói gọn trong gia đình, bạn bè, thầy cô, trong sáng và hoàn toàn không vụ lợi. Tuy vậy, mỗi con người là một cá thể riêng biệt với những quan điểm riêng biệt; không thể đem đánh đồng tuổi thơ của người này với người khác. Đặc biệt, không nên so sánh tuổi thơ của chúng ta - những người trưởng thành với tuổi thơ của con trẻ; nhất là khi chỉ trong vòng 20 năm trở lại đây thôi, cuộc sống đã thay đổi, hiện đại hơn cả vài trăm năm trước cộng lại.
Không có một khuôn mẫu chính xác nào cho tuổi thơ, chỉ có một công thức chung cho nó: đó chính là sự tận hưởng. Tuổi thơ của bố mẹ là những niềm vui giản dị khi đi chăn châu cắt cỏ, chơi chắn, chơi chuyền. Tuổi thơ của chúng ta là nhảy dây, đá cầu, sinh sau đẻ muộn hơn chút nữa sẽ biết nghịch điện thoại, ipad. Con cháu của chúng ta có thể chơi búp bê, bán đồ hàng, nhưng bé trai nhà hàng xóm đã đi học tiếng Anh và đọc tiểu sử về doanh nhân, nhà khoa học nổi tiếng.
Con trẻ có thể làm bất kì thứ gì chúng muốn, miễn là chúng cảm thấy thoải mái, những người xung quanh thấy thoải mái, và sẽ tuyệt vời hơn nữa khi từ những việc đó, chúng tìm ra năng khiếu và định hướng cho tương lai của mình. Không bao giờ là quá muộn nhưng càng sớm càng tốt.
Điều duy nhất người lớn có thể làm để một đứa trẻ không “đánh mất tuổi thơ” đó là giữ chúng tránh xa những cảm xúc tiêu cực vốn chỉ có ở người trưởng thành như: thói sân si, ganh đua, tị nạnh và tính toán. Chúng có thể kiếm ra tiền nhưng đừng quá coi trọng đồng tiền. Chúng có thể tham gia các cuộc thi, nhưng đừng đố kị với các bạn đạt thành tích cao hơn. Đồng thời, là người lớn, chúng ta phải giữ cho con trẻ một niềm tin ở tương lai. Một người trưởng thành có thể mất cả tháng trời mới “bình tâm” trở lại sau một thất bại, nhưng với con trẻ, có cha mẹ và người lớn ở bên, chúng hoàn toàn có thể ngã ở đâu, đứng dậy ở đó, nụ cười tươi tắn trên môi và tiếp tục vững bước; bởi khác với người trưởng thành, trẻ em không bao giờ cô độc.
Tập toẹ đánh vần hay nói tiếng Anh như gió, xin tiền mẹ mua đồ chơi hay tự kinh doanh chè bưởi, đó đều là những trải nghiệm đáng quý của tuổi thơ, được gắn dấu ấn riêng của mỗi người, làm nên sự đa dạng, đầy màu sắc của xã hội. Trong ngàn vạn những ngôi sao ắt phải có vài vì sao sáng chói, chúng ta hãy nhìn những tấm gương như bé Bống, thần đồng Đỗ Nhật Nam để không chỉ dạy con trẻ, mà còn nhắc nhở chính bản thân mình: ta có thể không xuất chúng, nhưng chắc chắn phải là một người cố gắng và cố gắng hết mình.
Bất đồng quan điểm với shark Linh về quy luật tự nhiên và chữ "duyên", shark Phú khẳng định shark Linh chỉ mới hơn 30, sau 50 tuổi sẽ nghĩ lại!
(Techz.vn) Bản năng chiếm tới ít nhất 95% quyết định còn 5% bị tác động bởi giáo dục, môi trường. Nhưng 5% đó vô cùng quan trọng