Nhịp sống số

Trung Quốc là thị trường béo bở cho các công ty công nghệ của Mỹ

Hiện nay, một điều rất dễ thấy ở các công ty làm về mảng Internet mới thành lập của Mỹ là họ đều phát triển mảng di động và mạng xã hội (MXH) gắn liền với thương hiệu và doanh nghiệp của mình. Đây là quy trình hoạt động chung của các doanh nghiệp trong năm 2011. Nhưng bên cạnh đó, cũng có ngày càng nhiều các công ty khác ở Mỹ bắt đầu đặt mối quan tâm của mình vào một chiến lược phát triển khác được xem là cực kỳ béo bở, đó là Trung Quốc (TQ).

 
Dưới đây là bài phân tích của anh Jeff Richards (Mỹ) và cô Jenny Lee (Thượng Hải) về tiềm năng phát triển cho các công ty Internet của Mỹ tại TQ. Họ là những hội viên của công ty đầu tư mạo hiểm GGV có số vốn 1 tỷ USD, nơi đã và đang có những hoạt động đầu tư ở cả hai thị trường Mỹ và Trung Quốc từ năm 2000.

Khuynh hướng "qua TQ làm ăn" bắt đầu nhen nhóm ở các công ty mới mở hồi đầu năm 2010 và sau đó nó đã tạo ra một động lực đáng kể. Theo số liệu nghiên cứu của McKinsey & Company cho biết thì TQ đang có khoảng 400 triệu người dùng Internet và con số đó sẽ tăng lên thành 750 triệu vào năm 2015. Qua đó cũng dễ hiểu tại sao các công ty chuyên về Internet lại muốn nhảy vào thị trường giàu tiềm năng này. Tuy nhiên, trào lưu này rộ lên không phải vì các doanh nghiệp nắm được bí quyết thành công tại TQ mà là vì thị trường này nó quá béo bở, tiềm năng phát triển lớn nên các công ty Mỹ không thể bỏ qua cơ hội trên. Thậm chí họ đặt nặng thành quả sẽ gặt hái được tại TQ còn hơn cả những rủi ro tiềm tàng có thể xảy ra. Trong khi đó thị trường Mỹ với những bất ổn gần đây không còn là miếng bánh thơm cho các công ty này nữa.


Một góc mua sắm đông đúc ở Hồng Kông

Tiềm năng lớn của TQ rất dễ thấy khi bạn đặt chân đến các đường phố đông đúc với dòng người qua lại nhộn nhịp và hối hả ở Thượng Hải hoặc Bắc Kinh. Dưới đây là 3 nguyên nhân mà GGV nghĩ rằng TQ sẽ nhanh chóng trở thành chiến lược cốt lõi của các công ty Internet phát triển cao hiện nay:
  • Sự tăng trưởng của 1000 công ty trong danh sách Fortune 1000 của Mỹ là từ TQ, không phải tăng trưởng từ Mỹ hoặc châu Âu. Ví dụ, số xe hơi 4 chỗ S-Class mà Mercedes bán được ở TQ trong năm ngoái còn nhiều hơn cả doanh số bán ở Mỹ và Đức gộp lại. Doanh số bán tại TQ của hãng xe này tăng trưởng 60% trong năm 2010, trong khi mức độ tăng trưởng ở các nơi còn lại trên thế giới chỉ đạt 9%. Thậm chí ngay cả khi bạn sở hữu một lượng vốn cổ phần lớn trong danh mục đầu tư của mình, các quỹ tương hỗ hoặc quỹ hưu trí 401K thì phần nhiều doanh thu của những công ty đó rất có thể là đến từ TQ, còn sự tăng trưởng kinh tế ở Mỹ hầu như không được đảm bảo vào thời điềm này.
  • Thu nhập của người dân TQ đang tăng lên còn của Mỹ thì lại không có sự thay đổi. Theo công ty Credit Suisse Group, hiện TQ có khoảng 100-300 triệu người thuộc giới thượng lưu, thu nhập hộ gia đình của họ tăng khoảng 98% so với năm 2004. Ngay cả khi xét đến 20% số hộ gia đình có thu nhập đứng chót bảng cũng có sự tăng trưởng đến 50% về tổng thu nhập của mình. Còn thu nhập của mỗi hộ gia đình ở Mỹ thì đang chững lại và khó có thể thay đổi sớm được, đặc biệt là trong tình hình kinh tế đầy thử thách như hiện nay.
  • Người TQ kiếm ra tiền và họ cũng muốn xài tiền. Họ đã mua khoảng 12% tổng số hàng xa xỉ phẩm của toàn thế giới, con số này tăng trưởng khoảng 30% mỗi năm, thống kê của Barclays Capital cho biết. Cứ thử dành một ngày đi dạo ở Bắc Kinh, Thượng Hải hoặc Hồng Kông đi, bạn sẽ cảm thấy choáng ngợp trước rất nhiều các cửa hàng bán đồ cao cấp và xa xỉ ở các khu trung tâm thành phố và chúng luôn đông nghẹt người mua.
Vậy những điều này có ý nghĩa như thế nào đối với các công ty Internet của Mỹ? Thật ra nó cũng tương tự như đối với các hãng Mercedes, Apple hoặc P&G mà thôi, là họ không thể làm ngơ trước TQ được. Tính đến nay, có rất nhiều hãng công nghệ nằm trong danh sách Fortune 1000 như HP, Microsoft, Cisco, Intel... đều gặt hái thành công tại TQ. Các công ty này đều có cơ sở riêng trị giá hơn 1 tỷ USD tại TQ và họ phải mất hàng thập kỷ để làm được điều đó. Danh sách Fortune 1000 liệt kê 1000 công ty lớn nhất của Mỹ dựa theo doanh thu.

Nhưng không phải công ty nào cũng thành công tại TQ, điển hình như Amazon, eBay, Yahoo và cả Google đều nhận lấy thất bại nặng nề khi đặt chân vào thị trường này. Hoạt động của những công ty trẻ hơn như Twitter và Facebook cũng bị cản trở khá nhiều bởi những quy định khắc khe của chính quyền sở tại. Một số điểm cần phải lưu ý khi muốn kinh doanh tại thị trường này:
  • Về nhân khẩu học: Khi trang tìm kiếm Baidu của TQ lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1999, cả nước chỉ có chưa tới 30 triệu người dùng Internet và trị giá thị trường quảng cáo trên Internet là dưới 50 triệu USD. Nhưng ngày nay, giá trị vốn hóa thị trường của Baidu đã lên tới 50 tỷ USD và CEO của hãng giờ đây cũng trở thành 1 tỷ phú. TQ đã có hơn 400 triệu người dùng Internet, nếu nhân với thu nhập đầu người được đề cập ở trên thì bạn sẽ thấy tiềm năng của nó là lớn cỡ nào đối với các công ty cung cấp dịch vụ Internet.
  • Về thị phần: Có hơn 70% các loại hàng hóa ảo của thế giới trong năm 2010 được giao dịch tại khu vực châu Á, Thái Bình Dương. Tencent là công ty đầu tiên của TQ tiên phong trong việc tạo ra thị trường hàng hóa ảo và sau đó Zynga của Mỹ cũng đi theo con đường đó, kết quả là họ kiếm được hơn 4 tỷ USD doanh thu hằng năm từ việc phát triển game và bán các hàng hóa ảo trong game đó, giá trị vốn hóa thị trường của Zynga cũng lên tới 45 tỷ USD. Còn thị trường quảng cáo trên Internet của TQ ước tính sẽ có mức tăng trưởng hằng năm vào khoảng 50% hoặc hơn.
  • Sự da dạng về nền tảng: Ở Mỹ, Facebook là một kênh tiếp thị xã hội lớn và chiếm tới 80% thị phần quảng cáo. Còn tại TQ, đảm bảo sẽ có những cái tên về mạng xã hội mà bạn chưa hề nghe tới nhưng lại có số lượng người dùng lên tới hàng trăm triệu, ví dụ như Sina Weibo (giống Twitter) có 140 triệu người dùng, mỗi tháng có hơn 50 triệu người dùng thường xuyên và cứ mỗi tháng, nó có thêm 10 triệu người dùng mới. Một trang xã hội khác là YY cũng có số lượng thành viên lên đến hàng triệu người, rất nhiều người trong số đó sử dụng mạng YY nhiều giờ mỗi ngày. Năm ngoái, số phút gọi điện thoại qua Internet của người dùng mạng YY còn nhiều hơn cả số phút gọi của Skype.
Trong vài tháng trở lại đây, có rất nhiều công ty Internet của Mỹ đã bắt đầu nhảy sang thị trường TQ. Điển hình như hãng game Zynga mới đây đã hợp tác với Tencent để phát hành game tại TQ. Trang mua chung Groupon cũng nhảy vào thị trường béo bở này thông qua hình thức đầu tư vào một công ty mua chung ở địa phương là GaoPeng.com. Cả 2 công ty này đều đi sau TQ từ 2 đến 3 năm sau khi ra mắt tại Mỹ, một điều chưa từng được biết tới cách đây vài năm.

GGV tin rằng trong thời gian tới, sẽ có hàng trăm công ty Internet khác của Mỹ sẽ bàn về việc "sang TQ làm ăn" trong vòng 2 năm nữa. Hơn 90% các hãng Internet nổi tiếng của Mỹ sẽ dành nhiều thời gian, tiền bạc và cả sức lực để gia nhập thị trường này, kể cả việc tự làm ăn hay thông qua hình thức hợp tác với một công ty địa phương khác. Chắc chắn sẽ có nhiều hãng thất bại, nhưng đối với số ít các công ty thành công thì TQ sẽ mang lại cho họ một nguồn lợi vô cùng lớn.