Khoa học & Đời sống

Trung Quốc khiến thế giới bất ngờ khi thử nghiệm thành công “Mặt trời nhân tạo”

Các nhà khoa học Trung Quốc vừa đạt được bước tiến quan trọng khi duy trì thành công plasma từ lò phản ứng hạt nhân. Đây là một phần trong dự án của chính phủ Trung Quốc nhằm khai thác năng lượng từ “mặt trời nhân tạo”.

Quá trình thử nghiệm này được diễn ra tại một địa điểm được Trung Quốc gọi là Lò phản ứng hạt nhân Thực nghiệm Tiên tiến Siêu dẫn Tokamak (EAST). Lò phản ứng hạt nhân đặc biệt này được đặt tại Viện Vật lý Plasma (thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc).

Đây là nơi được xây dựng nhằm mục đích mô phỏng phản ứng tổng hợp hạt nhân diễn ra sâu bên trong lõi Mặt Trời. Quá trình này khác với sự phân hạch nguyên tử, tức là các nguyên tử bị tách ra thay vì kết hợp với nhau. Khi kết hợp các nguyên tử để sản xuất một nguồn năng lượng lớn, lò phản ứng EAST tạo ra loại khí nóng bị ion hóa mang tên plasma.

Nhiệt độ của plasma trong lò phản ứng hạt nhân đạt mức 49.999 triệu độ C. Do sản sinh ra nguồn năng lượng cực lớn, nguồn năng lượng tạo thành từ phản ứng này được ví von như là “mặt trời nhân tạo”. Mặc dù thế, mức nhiệt độ của plasma mà Trung Quốc tạo ra đã nóng đến gấp 3 lần nhiệt độ của mặt trời.

Với việc duy trì thành công “mặt trời nhân tạo” trong vòng một phút, Trung Quốc giờ đây đã chen chân vào top những quốc gia hàng đầu trong khai thác năng lượng từ "Mặt Trời nhân tạo". Công nghệ này chính là tương lai của ngành năng lượng thế giới khi mà nó có thể thay thế các lò phản ứng phân hạch và nhiên liệu hóa thạch thông thường.