Doanh nghiệp

Trùng hợp thú vị: 2 tỷ phú USD người Việt đều khởi nghiệp từ mì gói

Tỉ phú Phạm Nhật Vượng và thương hiệu mì Mivina

Trước khi trở thành tỉ phú thế giới với khối tài sản khổng lồ, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn VinGroup từng có quãng thời gian khởi nghiệp từ kinh doanh nhà hàng, sản xuất mì ăn liền ở Kharkov, Ukraine.

Ông Phạm Nhật Vượng (thứ nhất từ trái qua) cùng ông Pilipchuk và nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ukraine - Đoàn Đức tại một sự kiện ở Kharkov. Ảnh tư liệu

Giai đoạn 1996-2002, khi khủng hoảng kinh tế, tài chính xảy ra và chế độ tem phiếu được áp dụng cho hàng loạt mặt hàng tại Ukraine, ông Phạm Nhật Vượng cùng các cộng sự bắt đầu sản xuất mì ăn liền với tên gọi Mivina.

Mivina nhanh chóng trở thành thương hiệu chiếm lĩnh thị trường Kharkov và sau này nổi tiếng trên toàn Ukraine. Khởi đầu với nhà máy chỉ 30 công nhân, ông Vượng liên tục mở thêm nhiều chi nhánh tại nhiều thành phố của Ukraine.

Ngoài Ukraine, thương hiệu mì ăn liền Mivina của ông Vượng còn được bán rộng rãi tại 30 quốc gia trên toàn thế giới như Estonia, Litva, Latvia, Moldova, Ba Lan, Đức, Israel...

Từ sản phẩm đầu tiên là mì ăn liền, nhà máy của ông Vượng bắt đầu sản xuất thêm mặt hàng mới là khoai tây nghiền. Các nhà máy "vệ tinh" sản xuất các mặt hàng từ gia vị cho tới bao bì sản phẩm... lần lượt được đưa vào hoạt động. Công ty Technocom cũng ra đời từ đó.

Sự xuất hiện của ông Phạm Nhật Vượng được truyền thông Ukraine ví như luồng gió thổi vào nền kinh tế nghèo nàn tại đây, làm thay đổi hoàn toàn diện mạo nơi đây.

Đầu những năm 2000 khi việc làm ăn đang thuận lợi, ông Phạm Nhật Vượng đã quyết định bán lại doanh nghiệp của mình tại Kharkov và trở về Việt Nam lập nghiệp.

Không dừng lại ở mì gói, doanh nhân Phạm Nhật Vượng đã chạm tay đến nhiều lĩnh vực, tạo một đế chế hùng mạnh và vững chắc như hiện nay.

Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch tập đoàn Masan.

Ông Nguyễn Đăng Quang sinh năm 1963 ở Quảng Trị, có bằng tiến sĩ Vật lý hạt nhân, có thời gian dài học tập và sinh sống ở Đông Âu. Ông Quang bắt đầu khởi nghiệp từ những năm 1990 sau thời gian học tập tại Nga thông qua việc bán mì gói cho những người Việt sinh sống tại đây.

Sau một thời gian, ông Quang đã xây dựng nhà máy sản xuất với công suất 30 triệu gói mì mỗi tháng và sau đó mở rộng đầu tư sang đậu nành, cá và tương ớt.

Đến thời điểm hiện tại, ông Quang đã gặt hái được không ít thành công với thương hiệu Masan Food đánh vào cả 4 nhóm hàng tiêu dùng đang nổi tại Việt Nam là nước tương, nước nắm, mì ăn liền và hạt nêm.

Ông chủ của VPBank Ngô Chí Dũng

Ông Ngô Chí Dũng

Tuy chưa phải là tỷ phú USD như ông Quang hay ông Vượng, nhưng tên tuổi của ông Ngô Chí Dũng tại Việt Nam cũng đã rất nổi tiếng.

Điều thú vị là trước khi trở thành Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank), ông Ngô Chí Dũng cũng từng khởi nghiệp tại Nga với mì tôm. Công ty mì tôm của ông có tên Rollton, khá nổi tiếng và được ưa chuộng tại Nga.

Đây cũng chính là thương hiệu mì ăn liền "đánh bại" Masan của ông Nguyễn Đăng Quang, khiến Masan phải rút về Việt Nam.

Không chỉ là thương hiệu mì ăn liền có tiếng trên đất Nga, Rollton còn tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn người Việt sinh sống và làm việc tại Nga, cũng như người dân Nga.

Năm 2012, tại Đại hội khóa VI, Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga, diễn ra tại Mátxcơva đã đánh giá cao và ghi nhận thành tích vượt trội của công ty Rollton, đặc biệt là về vấn đề tạo ra công việc lao động cho người dân.

(Theo Lao động)

 

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng chi bao tiền cho bóng đá?

(Techz.vn) Không thường xuyên xuất hiện truyền thông với vai trò là ông bầu bóng đá như Bầu Đức, Bầu Thắng, nhưng tỷ phú Phạm Nhật Vượng được trang Goal thống kê là ông bầu giàu châu Á đang đầu tư vào lĩnh vực bóng đá. Theo đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã xây dựng trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF nhằm phát triển bóng đá trẻ ở Việt Nam.