Bên lề Hội nghị ngoại giao 28 vừa diễn ra ở Hà Nội, PV Lao Động đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên, Lê Quảng Ba về đời sống xã hội bên trong một đất nước Triều Tiên bị cấm vận, khép kín. Những thông tin được Đại sứ Lê Quảng Ba đưa ra đã hé mở hình ảnh về một đất nước Triều Tiên ít người biết đến, với cơ sở hạ tầng phát triển và thành phố được quy hoạch bài bản.
“Riêng tôi thấy rằng, khi đánh giá về đất nước Triều Tiên cần bình tĩnh xem xét và đặt câu hỏi: “Bao giờ ta có thể làm được như họ?” - Đại sứ Lê Quảng Ba nhận định.
- Thưa Đại sứ, hình ảnh của Triều Tiên hiện nay chủ yếu được biết đến như một quốc gia nhiều tiềm lực quốc phòng, nhưng cuộc sống xã hội còn nhiều khó khăn. Từ góc nhìn của Đại sứ, một Triều Tiên thực sự sẽ như thế nào?
- Đúng là nếu chỉ đọc báo chí bên ngoài thì tưởng như Triều Tiên rất đói khổ, kiệt quệ.
Song nhiều đoàn của Việt Nam và các nước khác sau khi thăm Triều Tiên về đều có chung cảm tưởng: Không ngờ Triều Tiên lại phát triển đến như vậy. Cơ sở hạ tầng của Triều Tiên rất phát triển, họ có tàu điện ngầm từ mấy chục năm trước, đường phố rộng rãi, sạch đẹp và có nhiều tòa nhà cao tầng hoành tráng.
Một góc của thủ đô Bình Nhưỡng
Họ quy hoạch thành phố rất bài bản. Triều Tiên có sân vận động to gấp gần 4 lần sân Mỹ Đình của Việt Nam. Đó là nói về bên ngoài. Còn những chương trình biểu diễn nghệ thuật của họ thì thực sự đáng khâm phục.
Tôi nghĩ ở đây có vấn đề về thông tin. Chẳng hạn như có 100 thông tin, hình ảnh đăng tải trên thế giới về Triều Tiên thì có đến 80% là từ báo chí phương Tây, hay các nước mà Triều Tiên gọi là thù địch - tức chỉ nói xấu, hay không có thì dựng ra là có. Bản thân Triều Tiên cũng ít đưa hình ảnh của mình ra ngoài, nên dễ dẫn đến bị nhìn nhận sai lệch. Riêng tôi thấy rằng cần bình tĩnh xem xét và đặt lại câu hỏi: “Bao giờ ta có thể làm được như họ?”
- Theo ông, đâu là những lĩnh vực mà Triều Tiên hiện vượt trội?
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
- Hoàn cảnh của họ hiện nay bị bên ngoài bao vây, cấm vận giống Việt Nam vài chục năm trước. Nhưng trong điều kiện đó, họ vẫn phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ và đặc biệt là nghệ thuật đến mức tinh vi như vậy thì rất đáng nể. Tôi cho rằng đó cũng là điều để suy nghĩ.
- Một bài viết mới đây trên Hãng thông tấn Anh Reuters bình luận, Triều Tiên dưới thời kỳ của nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un đã có tốc độ phát triển nhanh về xây dựng, không chỉ ở các khu vực thành thị mà cả ở vùng nông thôn. Đại sứ có chung nhận định?
- Ý kiến nhận xét này khá đúng. Tốc độ xây dựng đang lan nhanh không chỉ ở Bình Nhưỡng hay các thành phố lớn khác, mà cả ở các khu vực nông thôn. Những dịp tôi đi đến các tỉnh, địa phương của họ đều thấy các công trình công cộng từ cầu, đường cho đến nhà ở đang mọc lên khắp nơi.
Xây dựng mới từ năm 2012 trở lại đây nhiều hơn so với thời kỳ trước, gồm cả những công trình hoành tráng và tầm cỡ như khu công viên nước, khu đua ngựa. Nói thật là tôi chưa từng được nhìn thấy hay đến những khu vực đẹp và tầm cỡ hơn thế. Chúng rất rộng, to và hiện đại. Nếu thả bộ ở một khu phố của Bình Nhưỡng và không nhìn thấy chữ Triều Tiên thì ai cũng cứ nghĩ rằng họ đang ở một nước phương Tây nào đó.
- Thật đáng ngạc nhiên...
Các nhà lãnh đạo của Triều Tiên
Nam binh sĩ Triều Tiên tập trận
Nữ binh sĩ Triều Tiên tập trận
- Cảm nghĩ của bạn cũng giống nhiều người sau khi đến Triều Tiên. Trước khi đến, họ cứ nghĩ Triều Tiên là quốc gia vô cùng nghèo đói và khốn khổ, người dân thì hiếu chiến. Nhưng đó là bởi họ chưa trực tiếp tham quan Triều Tiên. Cha ông ta đã có câu "Trăm nghe không bằng một thấy". Nếu ta tiếp nhận thông tin qua nguồn gián tiếp, sự sai lệch sẽ rất nhiều.
Song, có một điều đặc biệt ở Triều Tiên là đi đến đâu sẽ chỉ biết đúng nơi đó, chứ không thể suy luận hết về mọi thứ. Nhất là về chính sách hay về quyết định của họ. Họ rất linh hoạt và có nhiều sự thay đổi. Trở lại với câu hỏi của bạn về nhận định của Reuters, thực ra Triều Tiên vốn đã có một mức phát triển như vậy, nhưng do họ không biết đến nên tưởng là mới.
- Trong một phân tích của phương Tây gần đây, có dự đoán nếu khả năng thống nhất bán đảo Triều Tiên diễn ra thì đây sẽ là đất nước vô cùng hùng mạnh, vì bản thân dân tộc Triều Tiên đã tiềm ẩn nhiều nội lực. Nhận định của đại sứ?
- Tôi nghĩ, có nhiều dân tộc bên ngoài làm được nhiều điều vĩ đại và Triều Tiên là trường hợp rất đáng nghiên cứu để tham khảo. Trước hết là để đánh giá được cho đúng họ và tìm ra được những lĩnh vực mà ta có thể hợp tác. Về công nghệ cao, Triều Tiên có nhiều thành tựu mà ta phải ngưỡng mộ.
Tiềm lực của người Triều Tiên chính là sức mạnh tinh thần và văn hóa, từ đó dẫn đến tiềm lực quốc phòng của họ. Còn về khả năng thống nhất thì đó là câu chuyện còn dài.
- Đâu là điều mà Đại sứ ấn tượng nhất về con người và đất nước Triều Tiên?
- Đó chính là sự chịu khó, chịu khổ và tinh thần lao động của họ. Bên cạnh đó là ý chí dân tộc và phải nói dân tộc Triều Tiên rất tài hoa. Nếu đi xem một buổi biểu diễn của họ thì mới thấy tinh hoa và chiều sâu văn hóa của họ lớn đến thế nào.
Cư dân mạng phản ứng sao trước sự thật này:
Đọc thêm: Triều Tiên: Dùng Điện Thoại Di Động Là "Tội Phạm Chiến Tranh"
Hiểu Phương