Báo Mới

'Tôi bị bắt tập cầm dao, bê xác'

(Techz.vn) Ông Nguyễn Thanh Chấn, người bị án oan chung thân phải thụ án đến 10 năm mới được trả tự do nhờ nghi can vụ giết người ra đầu thú, đã kể câu chuyện oan trái tù tội của mình bắt nguồn từ những lời khai bị ép cung như thế. 

Ngày 5-11, ngày thứ hai kể từ khi ông Nguyễn Thanh Chấn từ trại giam trở về gia đình ở thôn Me (xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang), người thân, bạn bè của ông Chấn vẫn tiếp tục đến nhà để chia sẻ niềm vui với gia đình. Trong số đó có một vị khách đặc biệt: luật sư Nguyễn Đức Biền, người đã bào chữa cho ông Chấn ở cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm cách đây 10 năm.

Gặp lại thân chủ của mình, ông Biền nói: “Hồi đó chú hỏi cháu sao không làm mà lại nhận, cháu bảo họ bắt cháu phải làm thế, đúng không?”. Câu chuyện của họ suốt buổi chiều 5-11 xoay quanh những tình tiết chưa được làm rõ nhưng tòa vẫn kết tội trong các phiên xử 10 năm trước.

Dấu chân “gần giống” cũng thành chứng cứ

Theo luật sư Biền, trong những lần bào chữa cho ông Chấn, nhiều lần ông đã bày tỏ quan điểm không đồng thuận với những chứng cứ buộc tội mà ông cho là không thuyết phục, lỏng lẻo và chủ yếu là suy đoán.

Cụ thể, ông Biền kể: Cáo trạng, các nhân chứng đều khai thấy Chấn bắt đầu đi khoảng 7 giờ tối và thời gian thấy ông Chấn về khoảng 7 giờ 30. “Tòa đặt nghi vấn là việc múc nước chỉ mất khoảng 15 phút, vậy 15 phút nữa bị cáo làm gì rồi cho rằng thời gian đó là thời gian gây án. Tuy nhiên, các mốc thời gian đó cũng chỉ là suy đoán mà thôi” -  ông Biền nói. 

Thêm vào đó, luật sư Biền nói việc định tội cho bị cáo cũng được tòa dựa trên những chứng cứ như ông Chấn khai báo biết được vị trí, cách sắp xếp trong nhà chị Hoan hay dấu bàn chân để lại “gần giống” với kích thước bàn chân ông Chấn. “Chưa nói, nhà ông Chấn gần với nhà nạn nhân, bản thân nạn nhân lại là người buôn bán nên việc ông Chấn biết cách sắp xếp của căn nhà cũng là dễ hiểu. Còn dấu chân ở hiện trường, ngoài việc khẳng định chỉ là “gần giống” (khái niệm gần giống khác hoàn toàn với giống) thì với những người có khổ bàn chân na ná nhau, ướm vào nhau vẫn vừa nên chứng cứ này cũng không thuyết phục” - ông Biền nói thêm.

Cũng theo ông Biền, cáo trạng của VKS có tình tiết phát hiện lưỡi một con dao tại hiện trường gây án, chuôi dao đã được bị cáo Chấn đem vứt ở nhà Thanh Phượng làm nghề buôn đồng nát. Nghi ngờ chứng cứ này, đích thân ông Biền đã đến nhà Thanh Phượng để tìm hiểu. Tại thời điểm đó, luật sư Biền khẳng định nhà Thanh Phượng cho biết không có cái chuôi dao nào được vứt ở đây và chuôi dao cũng không được cơ quan điều tra thu thập. “Nếu chuôi dao đó được thu thập về, lắp vào hợp với lưỡi dao thì đã thành một nhẽ, tuy nhiên thực tế là chiếc chuôi dao đó không tồn tại” - ông Biền kể.

“Họ làm mọi cách để tôi phải nhận”

Trả lời câu hỏi của luật sư Biền cũng như nhiều người khác rằng tại sao không giết người mà vẫn nhận tội, vẫn miêu tả được hành vi đúng như thế, ông Chấn đáp: “Không nhận không được! Họ làm mọi cách để tôi phải nhận”.

Dù 10 năm trôi qua nhưng ông Chấn vẫn có thể gọi tên họ đầy đủ những điều tra viên, kiểm sát viên mà ông cho rằng đã bức cung ông trong thời gian ông bị giam giữ. “Trực tiếp là Nguyễn Hữu T., rồi Trần Nhật L. Khi L. hỏi thì T. cầm con dao đe dọa, khi T. hỏi thì L. lại cầm cái búa. Còn điều tra viên Ngô Đình D. thì khóa tay tôi lên cửa sổ và đọc rồi bắt tôi chép lại cái đơn tự thú và đọc cho thuộc” - ông Chấn kể, giọng vẫn còn phẫn uất.

Luật sư Biền cho biết tại phiên tòa phúc thẩm, một trong những chứng cứ được tòa lấy làm căn cứ buộc tội đó là lá đơn thư chính tay ông Chấn viết gửi vợ, trong đó có thừa nhận mình đã thực hiện hành vi phạm tội. Lá đơn mở đầu có dòng chữ: “Kính gửi vợ”. “Tòa lập luận rằng chữ kính gửi chỉ có của bị cáo chứ không điều tra viên nào lại có thể nghĩ ra cái này để mà bắt viết”. Tuy nhiên, theo ông Chấn, lá thư đó ông cũng bị ép viết theo yêu cầu của các điều tra viên.

Ông Chấn cũng cho biết thêm quá trình bức cung của các điều tra viên kể trên kéo dài từ ngày 20 đến ngày 28, sau đó ông Chấn được chuyển lên trại kế. Tại đây, ông Chấn miêu tả trong một đêm ông bị yêu cầu chuyển 3-4 buồng giam, trong đó có một buồng giam có phạm nhân Phạm Duy Hồng. “Vừa vào buồng, tôi đã bị Hồng dùng dép đánh vào hai mang tai, bắt tôi phải hát nhưng tôi không hát được” - ông Chấn nhớ lại.

Tập như tập kịch

Vẫn theo lời kể của ông Chấn, sau khi đã có đơn tự thú và lời khai nhận tội, ông lại trải qua quá trình… làm diễn viên. “Tôi bị buộc phải tập như tập kịch, phải đọc thuộc lòng các lá đơn tự thú được họ đọc cho ghi trước đó. Họ bắt tôi tập cái nọ cái kia, lấy một cái giả làm cái dao để học đâm, đâm bên phải, bên trái… rồi họ cho thằng Quang giả làm cô Hoan (nạn nhân) để tôi tập bế lên đặt xuống, họ cũng bắt tôi học thuộc cách thức gây án do họ nói cho, tôi cứ răm rắp làm theo. Vì tôi sợ!” - ông Chấn cho biết.

Ông Chấn kể sau khi ông đã khá thuộc bài và thành thạo các động tác, ông được yêu cầu thực nghiệm điều tra trong một căn nhà mượn tạm, diễn lại những cảnh đã tập để camera quay lại. “Tôi vốn chậm chạp nên cứ bị quên, phải diễn đi diễn lại nhiều lần để họ quay” - ông Chấn nói.

Ngoài ra, một cái tên khác cũng được ông Chấn nhiều lần nhắc tới trong câu chuyện oan trái của đời mình. Đó là kiểm sát viên Đặng Thái V. “Đây là người đã nhiều lần đưa giấy tờ vào bắt tôi ký, khi tôi không đồng ý ký thì dọa đánh”.

Chủ tịch nước yêu cầu minh oan, bồi thường cho ông Chấn

Văn phòng Chủ tịch nước vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu bộ trưởng Bộ Công an, viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao chỉ đạo giải quyết vụ việc theo đúng quy định pháp luật, khẩn trương minh oan, bồi thường, khôi phục quyền lợi hợp pháp cho ông Nguyễn Thanh Chấn.

Chủ tịch nước cũng yêu cầu lãnh đạo các cơ quan tố tụng chỉ đạo điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh người phạm tội; tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử oan đối với ông Chấn và báo cáo Chủ tịch nước kết quả giải quyết.

 

Mời bạn xem thêm: Gia đình ông Chấn: Vợ tâm thần, con bỏ học, mẹ già tủi nhục

Hồng Long  (PLTP)