Vietjet Air (VJC) của nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo vừa công bố một số kế hoạch quan trọng, gồm việc phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế; Phát hành cổ phiếu phổ thông để chuyển đổi trái phiếu tại ngày chuyển đổi; Niêm yết trái phiếu chuyển đổi trên sàn chứng khoán Singapore (SGX).
Thời gian thực hiện lấy ý kiến cổ đông từ ngày 25/9 đến ngày 5/10.
Trong đó, VJC dự kiến phát hành 3.000 trái phiếu với kỳ hạn 5 năm (trái tức 4%/năm), tương đương tổng giá trị là 300 triệu USD và niêm yết trên thị trường quốc tế. Dự kiến, vốn từ thương vụ trên sẽ được chi để phát triển kinh doanh, tăng cường khai thác năng lực vận tải hàng không.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo được biết đến là người thành lập và gầy dựng VietJet trở thành doanh nghiệp có vốn hóa 100.000 tỷ đồng và chiếm 43% thị phần tại Việt Nam.
Việc thu xếp thành công vốn hàng chục tỷ USD để mua hàng trăm máy bay với 2 thương vụ nổi bật: 100 máy bay Airbus và 100 máy bay Boeing vài năm trước đó, rồi hoạt động cho bán lại cho thuê tàu bay... mang về lợi nhuận khủng cho thấy những ước mơ của bà Thảo rất to lớn.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ tỷ phú USD duy nhất tại Việt Nam, tại Đông Nam Á và tiếp tục bứt phá mạnh mẽ trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Theo Forbes, bà Thảo có khối tài sản tính tới ngày 13/9/2018 đạt 3 tỷ USD.
Trước đó, rất nhiều doanh nghiệp lớn Việt Nam đã thành công trong việc huy động vốn từ các tổ chức nước ngoài. Vingroup hồi tháng 8 thu về 400 triệu USD từ phát hành cổ phần cho Hanwha của Hàn Quốc. Tập đoàn Hanwha là một trong 10 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc và nằm trong Top 500 tập đoàn kinh tế lớn nhất thế giới.
Một doanh nghiệp mới lên sàn Yeah1 Group cũng đã chứng kiến nhà đầu tư ngoại đã sở hữu tối đa 49% cổ phần.
Trong thời gian gần đây, mặc dù chịu ảnh hưởng của những bất ổn trên thị trường tài chính và thương mại thế giới, nhưng chứng khoán Việt Nam vẫn thu hút được sự quan tâm từ dòng tiền nước ngoài, nhờ vào nền tảng vĩ mô vững chắc.
Trong gần 9 tháng, mua ròng của khối ngoại trên HOSE đạt 1,4 tỷ USD. Các doanh nghiệp niêm yết vẫn đang hoạt động tốt và có kết quả kinh doanh tăng khá ấn tượng so với năm trước đó.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), mặc dù rung lắc nhưng khối ngoại vẫn mua ròng, với mã mua ròng nhiều nahats là VRE của Vingroup.
Áp lực chốt lời khiến nhiều cổ phiếu quay đầu giảm điểm, trong đó có nhóm dầu khí. Nhóm thủy sản và dệt may như Vĩnh Hoàn của nữ hoàng thủy sản Trương Thị Lệ Khanh hay Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh vẫn tiếp tục tăng điểm.
Một số công ty chứng khoán có cái nhìn tươi sáng hơn trong các dự báo.
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng thị trường sẽ sớm tăng điểm trở lại. Trong khi SHS dự báo VN-Index có thể sẽ tăng điểm trở lại để tiến gần hơn đến ngưỡng kháng cự 1.025 điểm (MA200). Nhà đầu tư ngắn hạn nên giữ tỷ trọng cổ phiếu ở trên mức trung bình trong giai đoạn này và quan sát thị trường để có quyết định hợp lý. Nhà đầu tư trung và dài hạn vẫn có thể tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và triển vọng tăng trưởng tích cực.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/9, VN-index giảm 1,13 điểm xuống 1009,61 điểm; HNX-Index tăng 0,06 điểm lên 115,58 điểm. Upcom-Index tăng 0,05 điểm lên 54,05 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 340 triệu đơn vị, trị giá 6,3 ngàn tỷ đồng.
Theo: Vietnamnet
Được gật đầu mở đường, tỷ phú Phương Thảo vào vụ thâu tóm lớn
(Techz.vn) CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo có cơ hội đánh cược mạnh hơn vào lĩnh vực mới sau khi đã thành công với lĩnh vực hàng không tại Việt Nam.