Thế hệ tiếp theo của vi xử lí di động do NVIDIA sản xuất đã ra mắt với tên gọi Tegra 3. Đây là vi xử lí bốn nhân đầu tiên được áp dụng cho một chiếc máy tính bảng thương mại: Asus EeePad Transformer Prime. Trước đây, chúng ta đã nghe nói nhiều về CPU này với tên mã là dự án Kal-El. Tegra 3 sẽ là sản phẩm chủ đạo được sử dụng trong các máy tính bảng và điện thoại trong năm 2012, thay thế cho thế hệ Tegra 2 được ra mắt vào đầu năm nay. Tegra 3 là vi xử lí bốn nhân dành cho các thiết bị cầm tay với sức mạnh to lớn nhưng mức độ tiêu thụ điện lại tương đối thấp. Vậy Tegra 3 có gì đặc biệt và liệu nó có thể trở nên phổ biến được hay không? Mời anh chị em theo dõi bài viết sau.
Sức mạnh của vi xử lí bốn nhân
Theo NVIDIA, Tegra 3 nhanh hơn Tegra 2 năm lần trong các thao tác tổng quát, bốn lần trong việc lướt web, ba lần trong khả năng xử lí hình ảnh nhờ vào bộ xử lí đồ họa (GPU) 12 nhân GeForce. GPU này có thể đảm nhiệm việc dựng và phát hình 3D, sau đó thiết bị có thể xuất hình ra màn hình lớn nhờ cổng HDMI. Còn với những tác vụ đòi hỏi CPU phải xử lí nhiều, Tegra 3 mạnh chỉ hơn hai lần so với Tegra 2. Tegra 3 có sức mạnh tương đương với CPU Intel Core 2 Duo T7200 ra mắt cách đây 4 năm. Một sự so sánh hơi khập khiễng nhưng ý của NVIDIA đó như sau: Tegra 3 là vi xử lí di động đầu tiên đạt được đẳng cấp của vi xử lí cho máy tính thật sự." Khi chạy cùng lúc bốn nhân, chúng sẽ có xung nhịp là 1,3GHz, còn nếu chạy từng nhân đơn lẻ, tốc độ tối đa có thể đạt được là 1,4GHz.
So sánh tốc độ duyệt web và tốc độ chạy ứng dụng của Tegra 3 với một số đối thủ khác
Tiết kiệm điện hơn Tegra 2
Tegra 3 được NVIDIA giới thiệu là một CPU có 4 nhân, nhưng thực ra nó có đến 5 nhân. Nhân thứ năm này có tên là Companion Core, tạm dịch là "Nhân phối hợp", do đó nó chỉ đảm nhiệm các tác vụ cần ít tài nguyên hệ thống, chẳng hạn như để máy ở chế độ nghỉ, nhắn tin, nghe nhạc và để cho các nhân khác được nghỉ ngơi nhằm tiết kiệm điện năng tiêu thụ. Tuy nhiên, nhân thứ năm này vẫn là lõi ARM Cortex A9 tương tự như bốn nhân còn lại nên nó vẫn có thể phát được phim HD 1080p mà không cần sự hỗ trợ nào khác. Điều này được giới thiệu cùng với chiếc Asus Transformer Prime. Bốn nhân còn lại sẽ chỉ được bật lên khi dùng các tác vụ nặng nề như chơi game 3D chẳng hạn. Nhờ vậy, Transformer Prime có thời gian dùng pin liên tục lên đến 12 tiếng và mở rộng thành 18 tiếng khi dùng với đế bàn phím. Khi dùng các phần mềm benchmark, máy sẽ không thấy được nhân thứ năm này.
Bên cạnh đó, một công nghệ mới của NVIDIA có tên Variable Symmetric Multiprocessing (vSMP) cho phép đồng bộ hóa xung nhịp hoạt động giữa các nhân vi xử với nhau. Tùy theo nhu cầu của người dùng mà một, một số hoặc tất cả các nhân sẽ được kích hoạt. Thời gian chuyển nhân bên trong CPU, tính luôn cả thời gian để ổn định điện áp cho nhân là nhỏ hơn 2 giây nên không gây hiện tậm chậm, giật. Trong khi đó, CPU Tegra 2 luôn dùng 100% năng lượng trong mọi hoạt động, có nghĩa là khi bạn chơi một tập tin MP3 thì nó cũng tốn năng lượng bằng với khi chơi phim HD 1080p, thật sự rất phí phạm.
Hiệu năng xử lí hình ảnh cao
Nhờ có NVIDIA Tegra 3, lập trình viên có thể đưa thêm hiệu ứng hình ảnh (mặt nước, lỗ đạn, mờ do chuyển động,...) vào trong trò chơi của mình để giúp trải nghiệm của người dùng trở nên thực hơn. Trong một số game, số khung hình trong một giây của Tegra 3 cao gấp hai lần hoặc thậm chí là hơn so với cũng những game đó nhưng chạy trên nền tảng Tegra 2. Tegra 3 còn hỗ trợ cả việc thể hiện hình ảnh 3D hai bên, đúng theo xu hướng 3D mà rất nhiều nhà sản xuất nội dung đang hướng đến. Thật đáng tiếc khi màn hình của chiếc Asus Transformer Prime không cho phép xem 3D trực tiếp mà ta cần phải có một màn hình 3D chuyên dụng để có thể xem được. Tuy nhiên có thể dễ dàng dự báo rằng trong tương lai sẽ có thêm nhiều máy tính bảng dùng màn hình 3D không cần kính.
So sánh hiệu năng chơi game của Tegra 2 và Tegra 3
Các hiệu ứng nâng cao có được khi chạy game trên nền tảng Tegra 3
Video trình diễn trò chơi Glowball 2 chạy trên Android Honeycomb
Cũng trong dịp này, NVIDIA đã tiết lộ lộ trình ra mắt các vi xử lí thế hệ tiếp theo của Tegra 3, đó là Wayne (xuất hiện vào 2012), Logan (2013) và Starkt (2014).