Doanh nghiệp

Thực hư quanh chuyện nhà mạng Việt Nam chặn Google mở đường cho Cốc cốc

Mấy hôm nay trên cộng đồng mạng Việt Nam xôn xao về thông tin về việc các nhà mạng Việt Nam chặn Google và các trang web của công ty này để dẹp đường cho sự phát triển của Cốc cốc,  một trang tìm kiếm mới được phát triển bởi đội ngũ kĩ sư người Việt.


 

Đọc thêm : Có hay không việc bóp băng thông Google, mở đường cho Cốc cốc

Sở dĩ có thông tin này là do trong vài ngày gần đây, đã c&oaoacute; rất nhiều lời than phiền trong cộng đồng mạng về việc họ rất khó khăn khi muốn truy nhập vào Gmail, Google hay Youtube và khi truy cập được vào những trang này thì tốc độ xử lý  trong trang cũng rất chậm. Ban đầu, sự khó khăn khi truy cập các trang này chỉ xuất hiện từ các thuê bao của VNPT nhưng chỉ không lâu sau các thuê bao sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ khác như FPT hay Viettel cũng gặp tình trạng tương tự. Tuy nhiên, khi những người này thử chuyển sang sử dụng “Cờ Rôm+”, một trình duyệt mới được phát triển bởi công ty TNHH ITIM, đơn vị chủ quản của công cụ tìm kiếm cho người Việt Coccoc.com thì việc truy nhập vào Google và những dịch vụ khác của công ty này lại bình thường và thậm chí còn nhanh hơn trước. Chính những điều đó cùng với việc thời gian gần đây, Coccoc.com – một công cụ tìm kiếm được phát triển bởi người Việt đang được quảng cáo rầm rộ đã dẫn đến những nghi ngờ về việc có một sự móc nối nào đó giữa các nhà mạng Việt Nam với đơn vị chủ quản của Cờ Rôm+ và công cụ tìm kiếm này. Và liệu có hay không việc các nhà mạng Việt Nam cùng nhau bắt tay lại trong việc chặn hoặc gây khó dễ với người dùng trong việc truy nhập Google và các dịch vụ của công ty này để mở đường cho sự phát triển của Cờ rôm+ và Cốc cốc.

Cộng đồng mạng mấy ngày hôm nay đang bàn tán rất sôi nổi quanh chủ đề Google bị chặn

Ngày hôm nay, sau khi phóng viên Techz của chúng tôi có sự tiếp xúc với một vài nhân viên trực thuộc VNPT, đơn vị sở hữu thị phần về cung cấp các dịch vụ mạng và Internet lớn nhất tại Việt Nam, những nghi ngờ trên đã phần nào được hóa giải. Theo lời các anh này, hoàn toàn không có chuyện VNPT hay bất kì một nhà cung cấp dịch vụ internet nào khác tại Việt Nam thực hiện việc chặn hoặc hạn chế người dùng truy cập vào các dịch vụ của Google để mở đường cho Cốc cốc.

Cũng theo những người này, việc người dùng gặp khó khăn trong việc truy cập Gmail, Youtobe hay các dịch vụ khác của Google là do trong vài ngày qua là do sự cố về mạng lưới khi đường truyền giữa Việt Nam đi quốc tế mấy ngày vừa qua đang gặp trục trặc. Lý giải cho việc tại sao chỉ có những trang dịch vụ của Google như Gmail hay Youtobe gặp phải những sự cố trên còn việc truy cập vào các trang web quốc tế khác vẫn bình thường, các anh này đưa ra lời giải thích rằng, sở dĩ có việc đó là do Gmail, Youtube, Google Drive hay các trang dịch vụ khác của Google đều là những trang có số lượng người dùng cùng lúc truy nhập dịch vụ là rất lớn và thường xuyên, những điều này cộng với việc đường truyền Internet kết nối giữa Việt Nam và quốc tế đang gặp trục trặc đã gây nên nghẽn mạng cục bộ và tạo ra sự khó khăn cho người dùng khi truy cập vào những trang này.

Chỉ sau hơn 1 tháng chính thức phát hành, số lượng tải Cờ rôm+, một trình duyệt do người Việt tự sản xuất đã lên tới hơn 600.000 lượt tải

Như vậy, lời đồn đại về sự bắt tay của các nhà mạng Việt Nam với đơn vị điều hành Cốc cốc nhằm dìm hàng Google để tạo điều kiện cho trang mạng Việt Nam này phát triển đã có lời giải đáp. Và điều này, cộng với việc người dùng sử dụng Cờ rôm+, một trình duyệt do người Việt tự phát triển vẫn truy nhập vào những dịch vụ của Google bình thường dù cho có sự cố đường truyền xảy ra là một tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển của ngành công nghệ thông tin Việt Nam, khi mà các ứng dụng do người Việt tự sản xuất là có chất lượng thực sự. Và tin rằng, với những tín hiệu đáng mừng như thế, ngày mà các trang tiện ích mạng do người Việt tự sản xuất có thể đứng vững trên thị trường bằng chính đôi chân của mình sẽ không còn quá xa vời nữa. 

Đọc thêm : Có hay không việc bóp băng thông Google, mở đường cho Cốc cốc