Tại Việt Nam hiện có tới 5 hãng hàng không cùng tham gia thị trường vận tải hành khách gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vasco, Vietjet Air và Bamboo Airways. Tuy nhiên, chỉ có một công ty hoạt động trong lĩnh vực cho thuê máy bay là Công ty Cổ phần Cho thuê Máy bay Việt Nam (VALC).
Việc là doanh nghiệp duy nhất kinh doanh trong lĩnh vực cũng giúp VALC trở thành bạn hàng lớn của các hãng hàng không Việt.
Thực tế, ông chủ lớn nhất tại đây cũng chính là hãng hàng không Vietnam Airlines. Ngoài ra, các cổ đông lớn của VALC hiện nay còn có BIDV, PVN, Tổng công ty Phong Phú…
Hoạt động cho thuê máy bay mang về khoản lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng cho các ông chủ công ty. Ảnh: H.An.
Hiện tại, Vietnam Airlines cũng chính là khách hàng lớn nhất thuê lại các máy bay của công ty.
Trong hai năm trở lại đây, nhờ việc thị trường hàng không trong nước tăng mạnh, và các hãng đua nhau gia tăng số máy bay khai thác cũng như đội bay mà VALC thực hiện được nhiều hợp đồng lớn, giá trị.
Tính đến cuối năm 2018, VALC có vốn điều lệ đạt 1.318 tỷ đồng, theo báo cáo của cổ đông lớn - BIDV, sau hơn 10 năm hoạt động, VALC đã triển khai thành công 2 dự án mua và cho thuê máy bay lớn gồm 5 máy bay ATR 72-500 và 10 máy bay Airbus A321-200 cho các hãng hàng không trong nước.
Bên cạnh đó, công ty cũng đang nghiên cứu đầu tư cho thuê máy bay thương gia, máy bay trực thăng và phương án đầu tư cho thuê động cơ, trang thiết bị hàng không khác.
Cùng năm, hãng cho thuê máy bay này ghi nhận hơn 2.000 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 4% so với năm 2017. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế công ty thu về lại giảm nhẹ, chỉ đạt xấp xỉ 600 tỷ đồng.
Nếu so với mức doanh thu và lợi nhuận trước năm 2016, kết quả kinh doanh của VALC đã tăng gấp hàng chục lần nhờ việc có thêm các hợp đồng cho thuê máy bay.
Ngoài VALC, hiện tại Vietjet Air cũng đang sở hữu 5 công ty con hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh và cho thuê máy bay tương tự.
Cả 5 công ty này đều do Vietjet sở hữu 100% vốn, tuy nhiên chủ yếu được thành lập tại các “thiên đường thuế” nổi tiếng thế giới như British Virgin Islands; Cayman Islands; hay Ireland…
Vietjet cũng cho biết ở thời điểm hiện tại hãng chưa hề góp vốn vào các công ty con này nhưng giữ vai trò hỗ trợ chính trong việc vận hành hoạt động. Năm 2018, hãng cũng thành lập thêm 3 công ty cho thuê máy bay tại Ireland nhưng sau đó đã thanh lý và thu về 16,2 tỷ đồng.
Không công bố kết quả kinh doanh cụ thể của từng công ty con, nhưng báo cáo tài chính hàng năm của Vietjet đều thể hiện doanh thu hợp nhất từ các công ty con này.
Cụ thể, năm 2018, trong tổng số 53.577 tỷ đồng doanh thu hợp nhất của Vietjet Air, có tới 19.798 tỷ đồng (37%) doanh thu đến từ hoạt động bán máy bay từ các công ty con. Trong khi đó, các công ty con cho thuê tàu bay của hãng cũng mang về 437 tỷ đồng doanh thu, tăng 4,5 lần năm trước đó.
Số doanh thu nói trên đều được hợp nhất từ kết quả kinh doanh của các công ty con tại nước ngoài của Vietjet, trong khi công ty mẹ chỉ hoạt động vận tải hàng không.
Nhiều năm gần đây, Vietjet Air đều thu hàng chục nghìn tỷ từ việc mua máy bay của các hãng sản xuất rồi bán lại cho các công ty cho thuê, bao gồm cả công ty con do mình sở hữu.
Hoạt động cho thuê máy bay không ghi nhận doanh thu và lợi nhuận lớn trong một thời điểm, nhưng đều đặn mang về cho công ty hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Đây cũng là lý do trong nhiều năm, Vietjet Air đã thành lập liên tiếp các công ty con cả trong lĩnh vực kinh doanh và cho thuê lại máy bay. Một số trong đó nhằm phục vụ chính hãng hàng không mẹ.
Theo: Zing.vn
Cận cảnh máy bay A321neo đầu tiên của Vietnam Airlines vừa được bàn giao tại Đức
(Techz.vn) Hãng hàng không Vietnam Airlines vừa tiếp nhận chiếc máy bay Airbus A321neo đầu tiên được bàn giao tại Đức. Đây là dòng máy bay hiện đại có thiết kế 203 chỗ ngồi, được chia thành hai hạng ghế riêng biệt với 8 ghế hạng thương gia và 195 ghế hạng phổ thông.