Thông tin nóng nhất về phiên tòa xét xử vụ án Tịnh thất Bồng Lai khiến dư luận không khỏi xôn xao
Vào chiều ngày 29/6 vừa qua, xác nhận với PV Dân trí, lãnh đạo TAND huyện Đức Hòa cho biết vào ngày mai (30/6) , phiên tòa sơ thẩm xét xử 6 bị cáo ở Tịnh thất Bồng Lai vẫn sẽ diễn ra bình thường, theo đúng quy định pháp luật. Trước đó, thông tin hoãn phiên tòa là không đúng.
Các bị cáo trong vụ án đều bị xét xử vê tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo Điều 331 Bộ luật hình sự.
Trước đó, theo nguồn tin của Zing, 5 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo bao gồm luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, Ngô Thị Hoàng Anh và Đào Kim Lân (Đoàn luật sư TP.HCM) đã có đơn kiến nghị hoãn phiên tòa. Cụ thể, theo các luật sư, ngày 23/6, khi đến trụ sở TAND huyện Đức Hòa để tham khảo hồ sơ, họ mới nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 30/6.
Các luật sư cho biết đã kiến nghị hoãn phiên tòa để sắp xếp thời gian, tham khảo hồ sơ, chuẩn bị việc bào chữa cho phiên tòa.
Với những thông tin trước đó, phiên tòa dự kiện sẽ diễn ra vào ngày 30/6, do thẩm phán Nguyễn Khắc Linh Duy làm chủ tọa. Giữ vai trò công tố tại phiên tòa là kiểm sát viên Nguyễn Thành Đông, Đặng Hoàng Lưu.
HĐXX triệu tập 8 cán bộ công an huyện Đức Hòa làm nhân chứng. Trong đó, thượng tá Nguyễn Sơn, Trưởng công an huyện Đức Hòa, là đại diện bị hại.
Đại diện bị hại Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tỉnh Long An, là ông Trương Ngọc Toàn (pháp danh Thích Minh Thiện, là trụ trì chùa Thiên Châu).
Tòa cũng triệu tập 8 cá nhân với vai trò là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, trong đó có luật sư Lê Ngọc Luân. Theo đăng ký, 5 luật sư tham gia bào chữa cho 6 bị cáo.
Trong 16 nhân chứng được HĐXX triệu tập, có bà Trịnh Thị Định (67 tuổi, ngụ xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, Long An) và bà Phan Thị Phương Trang (41 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM). Trước đó, 2 người này có đơn gửi Công an huyện Đức Hòa tố cáo những người tại Tịnh thất Bồng Lai có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xâm phạm tự do tín ngưỡng, gây ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, an ninh trật tự xã hội.
Phiên tòa cũng triệu tập đại diện tổ giám định tư pháp của Sở Thông tin Truyền thông, Sở Văn hóa thể thao du lịch tỉnh Long An đã giám định vật chứng trong vụ án.
Theo kết luận điều tra, từ năm 2019, ông Lê Tùng Vân chỉ đạo Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Nhị Nguyên cùng đồng phạm khác tạo ra các tài khoản mạng xã hội, trong đó có hai kênh YouTube "5 Chú Tiểu - Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ" và "Nhất Nguyên - Hoàn Nguyên Official".
Những tài khoản này đăng tải các video clip chứa nội dung vi phạm pháp luật nhằm mục đích để cộng đồng mạng trong và ngoài nước xem, chia sẻ, bình luận, tạo sức lan truyền nhanh chóng gây thiệt hại đến uy tín, danh dự của Công an huyện Đức Hòa cùng một số tổ chức, cá nhân khác...
Về bị can Lê Thu Vân (63 tuổi, em gái ông Lê Tùng Vân), nhà chức trách chưa xác định được chỗ ở của bị can nên chưa thực hiện các thủ tục tố tụng theo quy định. Ngày 1/6, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Long An quyết định tách hành vi của bà Lê Thu Vân khỏi vụ án này để tiếp tục điều tra.
Ngoài ra, Công an tỉnh Long An vẫn đang truy tìm Võ Thị Diễm My (23 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) để phục vụ điều tra vụ án liên quan đến Tịnh thất Bồng Lai.
Những tình tiết phức tạp trong vụ Tịnh thất Bồng Lai, vạch trần tội ác của Lê Tùng Vân và đồng phạm
(Techz.vn) Hàng loạt tội ác của Lê Tùng Vân và đồng phạm đang dần được phơi bày ra ánh sáng và khiến dư luận không khỏi bất ngờ.