Nhịp sống số

Thế hệ những đứa trẻ lớn lên cùng tablet, smartphone

Thế hệ những đứa trẻ lớn lên cùng tablet, smartphone

Việc trẻ chơi máy tính bảngđiện thoại có thể ảnh hưởng đến trí não và khả năng giao tiếp hay không vẫn đang gây nhiều tranh cãi.

 

 

Nhà báo Nick Bilton của New York Times cho hay mới đây ông đã chứng kiến chị gái mình làm một điều kỳ diệu.

Khi đó, họ đang đi ăn tối và trò chuyện tại một nhà hàng, nhưng hai con của chị là Willow 4 tuổi và Lucas 7 tuổi không ngừng tranh giành nhau. Vụ so đo đơn giản là chiếc dĩa của ai đẹp hơn, cốc của ai nhiều nước hơn...

Như một ảo thuật gia làm đám trẻ con im phăng phắc khi rút một con thỏ khỏi cái mũ, chị của Bilton lặng lẽ lôi từ trong túi ra 2 chiếc iPad long lanh của Apple rồi đưa cho 2 đứa. Lập tức, Willow và Lucas ngừng cãi nhau. Chúng chơi game, xem video còn người lớn lại tiếp tục cuộc trò chuyện trong yên ắng.

Tablet và smartphone là những thiết bị thần kỳ giúp trẻ con giữ trật tự.

Sau bữa ăn, khi iPad đã được cất vào túi, người chị tỏ ra áy náy. "Chị không muốn bọn trẻ dùng máy tính bảng khi đang ăn tối. Nhưng nếu điều đó có thể giúp chúng ta có được một tiếng bình yên, và quan trọng hơn là không làm ảnh hưởng đến những người khác trong nhà hàng, thì chị sẽ làm. Cậu có cho là thói quen này sẽ ảnh hưởng xấu đến chúng? Chị lo điều này sẽ khiến chúng nghĩ việc sử dụng thiết bị điện tử trong bữa ăn là điều bình thường trong tương lai", người chị chia sẻ.

Đây thực sự là một câu hỏi khó. Giống như trước đây, những kết quả khảo sát rằng nhiều người đi ngủ còn mang theo cả điện thoại, laptop lên giường gây bất ngờ thì nay việc kè kè thiết bị bên mình khi ngủ đã trở thành chuyện không có gì phải bàn. Hay những người đang "yêu" nhau bỗng dừng vài giây kiểm tra điện thoại khi thấy có nhắc báo từng là chuyện đùa thì nay cũng không phải điều quá xa lạ. Mỗi người có cách nhìn nhận đánh giá khác nhau về thói quen sử dụng thiết bị và hiện cũng chưa có nghiên cứu khoa học nào về việc trí não của những con người lớn lên cùng thiết bị di động sẽ ra sao.

"Chúng ta vẫn chưa biết rõ những ảnh hưởng cụ thể lên hệ thống thần kinh của các công nghệ này", tiến sĩ Gary Small thuộc Đại học Los Angeles, California (Mỹ), nói. Nhưng ông cho rằng não vốn nhạy cảm với những thứ dễ gây kích thích, như màn hình tablet và smartphone. Nếu con người dành quá nhiều thời gian với công nghệ trong khi lại có quá ít thời gian trò chuyện với người thân tại bữa ăn thì việc phát triển các kỹ năng giao tiếp sẽ bị cản trở nhất định.

Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến câu hỏi tiếp theo: Vậy một đứa trẻ dùng bút sáp vẽ tranh trong bữa ăn (điều mà nhiều bậc cha mẹ xưa nay vẫn đồng ý cho con cái làm) sẽ là hòa đồng hơn đứa trẻ chơi ứng dụng vẽ tranh trên iPad?

Ozlem Ayduk, Phó giáo sư tại Đại học Berkelay, California thừa nhận những đứa trẻ vẽ tranh hay mở sách màu cũng không giao tiếp nhiều hơn so với khi dùng iPad. "Như vậy, vấn đề ở đây là những câu chuyện giữa bọn trẻ với người xung quanh chứ không phải là việc nên cho dùng iPad hay cho chơi đồ chơi", Ayduk nhận xét.

Như ví dụ về Willow và Lucas ở trên, dù chúng rất hài lòng khi nhìn vào màn hình sáng loáng, chúng không có cuộc trò chuyện nào cũng như cũng không ngồi yên suy nghĩ.

"Nói chuyện là cách bọn trẻ học để thực hiện các cuộc giao tiếp và học cách nói chuyện với chính mình, học cách ở một mình. Học cách ở một mình là một trong những cơ sở của sự phát triển giai đoạn đầu đời và không phụ huynh nào lại muốn bọn trẻ bỏ qua điều đó chỉ bởi vì chúng được lấp đầy khoảng trống bằng một thiết bị", Sherry Turkle, Giáo sư về khoa học, công nghệ và xã hội tại Viện công nghệ Massachusetts, cho hay.

Turkle đã hỏi nhiều vị phụ huynh và bọn trẻ về việc sử dụng thiết bị di động và bà lo ngại rằng những đứa trẻ không học tương tác ngoài đời thường dễ mắc khuyết điểm.

"Trẻ cần suy nghĩ độc lập mà không dựa vào một thiết bị nào hết. Chúng cần khám phá trí tưởng tượng, khám phá bản thân để một ngày nào đó chúng hình thành mối quan hệ với người khác mà không ngại việc phải ở một mình. Nếu không dạy bọn trẻ ở một mình (mà để chúng giết thời gian bằng việc chơi với thiết bị), rồi chúng sẽ chỉ luôn cảm thấy mình đơn độc", vị giáo sư này cho hay.

Bạn có cho con mình chơi tablet, điện thoại?

Đọc thêm: Bộ Y tế Ý: không nên cho trẻ em dưới 6 tuổi xem phim 3D

Theo Số Hoá