Ứng dụng

Thấy gì ở thị trường ứng dụng OTT Việt năm 2014?

Ở thời điểm này, cụm từ OTT có lẽ đã  không còn lạ lẫm đối với nhiều người, đặc biệt là những người thường xuyên sử dụng smartphone và các thiết bị di động. Với những người chưa biết đến khái niệm OTT, có thể hiểu nôm na rằng OTT hay Over-the-top là tên gọi chung dùng để chỉ những ứng dụng/dịch vụ được phát triển trên dựa trên nền internet nhưng không phải do các nhà cung cấp dịch vụ vụ mạng (ISP) hay các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cung cấp.

Điểm quan trọng nhất của các ứng dụng OTT là việc người dùng sẽ không phải chi trả bất kỳ một khoản phí nào cho những dịch vụ mà họ sử dụng. Chính nhờ đặc điểm này mà trong vài năm gần đây, với tốc độ phát triển nhanh như vũ bão của các loại hình smartphone và máy tính bảng, những ứng dụng OTT đang ngày càng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.

Nhìn lại quá khứ, có thể thấy năm 2013 là thời điểm bùng nổ của các nhà cung cấp dịch vụ OTT tại Việt Nam. Ở thời điểm này, sự cạch tranh giữa các nhà phát triển trên thị trường là rất lớn với sự nổi lên của 5 tên tuổi chính gồm Wechat, Line, Viber, Zalo và Kakao Talk. Tuy nhiên do sự không may mắn và những sai lầm trong chiến lược kinh doanh, 2 trong số 5 tên tuổi kể trên là Wechat và KakaoTalk đã phải sớm nói lời từ giã thị trường. Đến cuối thời điểm năm 2013, thị trường ứng dụng OTT tại Việt Nam chỉ còn lại 3 tên tuổi chính là Line, Viber cùng với sự dẫn đầu của Zalo với hơn 7 triệu người sử dụng.

Sự xuất hiện của những nhân tố mới

So với năm 2013, thị trường OTT của năm nay đã dần đi vào ổn định với việc 3 cái tên cũ đã tạo được cho mình chỗ đứng. Theo những con số thống kê mới nhất, Zalo – kẻ dẫn đầu xu thế của năm 2013 đang có một vị thế vững chắc với trên 10 triệu người sử dụng thường xuyên.

So với các OTT còn lại, điểm mạnh nhất của Zalo nằm ở chỗ đây là ứng dụng được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư người Việt của Vinagame. Bên cạnh đó, nhờ việc mạnh tay chi cho quảng cáo, Zalo cũng đã xây dựng được một mạng xã hội riêng khá tốt với lượng người dùng đông đảo dựa trên nền tảng ứng dụng của mình. Tính đến thời điểm này, Zalo cũng được đánh giá là ứng dụng OTT có chất lượng cuộc gọi và nhắn tin ở mức nhanh và ổn định nhất trên thị trường.

Đối thủ chính của Zalo không ai khác là Viber với con số thống kê ước chừng lên tới hơn 12 triệu người sử dụng. So với thời điểm cùng kỳ của năm trước, Viber đã đạt được bước tiến lớn khi lượng người dùng của họ đã tăng trưởng đến 50% chỉ trong vòng chưa đầy một năm. Điều này không khiến quá nhiều người ngạc nhiên bởi đã bắt đầu có những dấu hiệu cho thấy, Viber đang đầu tư về mặt truyền thông nhằm cạnh tranh trực tiếp với đối thủ Zalo.

Xếp ở vị trí số 3 trong cuộc đua tam mã hiện nay là LINE với khoảng 4 triệu người sử dụng. So với Viber và Zalo, LINE không được đánh giá cao về chất lượng đường truyền khi thường xuyên xảy ra tình trạng trễ và kết nối. Điểm mạnh nhất của ứng dụng này so với 2 đối thủ cạnh tranh là việc phát triển thêm rất nhiều sticker ngộ nghĩnh đi kèm, qua đó đánh vào thị hiếu của những người dùng trẻ. Theo một nguồn tin không chính thức, việc bán các sticker cho người sử dụng cũng đem về một nguồn thu đáng kể và quan trọng cho sự tồn tại của LINE.

Bên cạnh những cái tên đã quá quen thuộc, thị trường OTT của năm nay còn chứng kiến sự gia nhập cuộc đua Btalk - ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí đến từ BKAV. Ứng dụng này được phát triển hướng đến việc tích hợp trình gọi điện thông thường và gọi điện miễn phí qua Internet trên cùng một giao diện. Btalk cũng tích hợp tính năng nhắn tin SMS, nhắn tin miễn phí và các phần mềm chat phổ biến. Tuy nhiên, với vị thế của một kẻ đến sau, lượng người biết đến Btalk ở thời điểm hiện nay là không thực sự phổ biến, đặc biệt là khi các ứng dụng còn lại như Zalo, Viber đã dần phát triển thành một cộng đồng người dùng với khả năng tương tác lớn.

Giải pháp nào cho xung đột giữa các nhà mạng và OTT?

Sự mâu thuẫn giữa lợi ích của các đơn vị OTT và các nhà cung cấp dịch vụ mạng viễn thông đã đẩy thị trường di động Việt Nam phát triển theo chiều hướng xấu khi từng có thời điểm, các nhà mạng họp nhau lại để tìm giải pháp kìm hãm sự phát triển của các loại hình cung cấp dịch vụ gọi và nhắn tín miễn phí. Tuy nhiên tính đến thời điểm này, thật may là vẫn chưa có giải pháp tiêu cực nào thực sự được các nhà mạng Việt Nam áp dụng.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông, việc áp dụng 4G ở Việt Nam trong tương lai sẽ là giải pháp hiệu quả nhất nhằm dung hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, các nhà phát triển ứng dụng OTT và những nhà cung cấp dịch vụ mạng.

Từ kinh nghiệm của các quốc gia đã triển khai và đưa vào sử dụng dịch vụ 4G, khi mạng 4G được triển khai, không phải cước phí thoại hay nhắn tin mà việc thu phí dành cho dịch vụ dữ liệu mới đem lại nguồn doanh thu chính cho các nhà mạng. Lúc này người dùng sẽ được hưởng chất lượng đường truyền và dịch vụ tốt hơn, các OTT có thể phát triển thoải mái các dịch vụ của mình và các nhà mạng cũng có thể thu phí từ việc cung cấp các gói dịch vụ dữ liệu. Chỉ có khi đó cả 3 bên mới thực sự có cảm giác hài lòng.

 

2013: Cuộc chiến tử thần của các OTT làng di động Việt

(Techz.vn) OTT có thể là một khái niệm xa lạ đối với nhiều người, tuy nhiên khi nhắc đến các đại diện tiêu biểu của nó như Zalo, Kakao Talk hay Viber thì chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng nghe đến.

 

Tag:

OTT