Ngôi đình lịch sử được xem là điểm tựa tâm linh giữ yên biên ải, ở nơi thượng nguồn của 4 con sông
Đình Lập là một huyện thuộc tỉnh Lạng Sơn hiện tại, ở đây có hệ thống sông ngòi tương đối dày đặc, nơi thượng nguồn của 4 dòng sông chính: sông Lục Nam, sông Đồng Khuy, sông Kỳ Cùng và sông chảy qua huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh). Hợp lưu cùng với các dòng sông chính ấy là hệ thống các suối khe dày đặc, kết hợp với những rừng cây bạt ngàn trùng điệp và những thảm cỏ thực vật xanh mướt.
Tại đây có một địa điểm mang ý nghĩa lịch sử to lớn là khu di tích Pò Háng, mơi mang trong mình hồi ức về những kỷ niệm khu căn cứ Nà Thuộc.
Nằm cách thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn chừng 14km theo hướng ngược quốc lộ 31 là một khu di tích lịch sử văn hóa đặc biệt – đình Pò Háng. Đây là ngôi đình nằm trên ngọn đồi nhỏ, thuộc địa phận thôn Pò Háng, xã Bính Xá, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn.
Đình có từ rất lâu về trước, thờ vua Đinh Tiên Hoàng và phối thờ vị thành hoàng làng có tên Hoàng Lang. Đình xây theo kiến trúc truyền thống với tường gạch chỉ, mái lớp ngói âm dương. Đây là địa điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân. Ngày 3/3 âm lịch và ngày 14/4 âm lịch hàng năm dân làng lại mở hội ăn mừng, nhằm kỷ niệm chiến thằng trận đầu trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Nhìn ngôi đình giản dị, nhỏ bé, ít ai ngờ nơi đây từng diễn ra rất nhiều sự kiện trọng đại. Trong đó đáng nói nhất có lẽ phải kể đến lần các thanh niên trong làng tổ chức ăn thề để lên đường đánh giặc, bảo vệ quê hương vào thời kỳ chống Pháp. Lịch sử Đảng bộ huyện Đình Lập cho biết, ngày 14/4 âm lịch ở Đình Pò Háng có 9 thanh niên thuộc xã Bình Xá, Bắc Xa và Kiên Mộc tổ chức cắt máu ăn thề. Sự kiện đó khiến cả khu căn cứ kháng chiến Nà Thuộc và nhân dân các xã bên cạnh cũng phải chú ý. Sau này, 9 thanh niên tham gia buổi lễ là hạt nhân tích cực tuyên truyền, vận động dân làng đi theo Đảng, theo Bác Hồ, tham gia chiến đấu chống giặc.
Giờ đây nhắc lại người dân 3 xã Bình Xá, Bắc Xa, Kiên Mộc vẫn không khỏi tự hào. Ông Bế Văn Túc (thủ từ của đình Pò Háng) kể lại với VOV: “Trước khi xảy ra các trận đánh, tại đình Pò Háng, các cụ cao tuổi dựa vào uy linh của đình Thành Hoàng, làm lễ cầu nguyện, phất cờ gõ thanh la, động viên, cổ vũ bộ đội, du kích. Theo lời mách của Thành Hoàng, đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu kháng chiến Nà Thuộc nổi lửa, đốt rơm và cũng thật linh nghiệm, khi đó trời xuất hiện mây mù cùng các cơn gió thổi rất mạnh làm những đám khói khổng lồ bốc cao lên trời, hướng đến khu vực quân Pháp. Kẻ thù bị khói làm cay xè mắt, nhiều tên bị gió xô ngã. Đám địch khóc rống lên, bỏ chạy toán loạn”.
Đình Pò Háng nay. Ảnh tư liệu
Chiến trường Việt Bắc và cả nước hay tin quân dân Nà Thuộc thắng trận mà vui lây. Đầu năm 1948, lãnh đạo tỉnh Hải Ninh (nay là Quảng Ninh) được Bác Hồ mời đến báo cáo. Nghe chuyện Thành hoàng cũng tham gia kháng chiến, Bác cười vui rồi nói: “Vậy phải khen thưởng cả Thành hoàng làng”.
Ngay sau đó Bác ký lệnh trao tặng quân và dân khu căn cứ kháng chiến Nà Thuộc huân chương chiến công hạng Ba, may một bức trướng đặc biệt để phong tặng Thành hoàng đình Pò Háng.
Giữa bức trướng thêu dòng chữ Hán màu vàng, dưới có phiên âm chữ quốc ngữ: “Chiến kháng hộ ủng” (đọc theo lối văn tự cổ là Ủng hộ kháng chiến). Bên phải bức trướng thêu dòng: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tam niên” (Năm thứ ba niên hiệu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Bên trái thêu dòng chữ: “Chính phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàng dự” (Chính phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng).
Hàng chục năm trôi qua, bức trướng vẫn được cất giữ trang trọng ở Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh. Bức đang được dân làng giữ chỉ là bản sao. Nhờ những giá trị lịch sử của mình mà đình Pò Háng được Chủ tịch UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2002.
Đình Pò Háng đã và đang là điểm kết nối các dân tộc anh em sống quanh khu vực thôn Pò Háng nói riêng, tỉnh Lạng Sơn nói chung. Nơi đây là pháo đài, điểm tựa tâm linh giữ vững sự bình yên của miền biên ải Tổ quốc.