Nhịp sống số

Tham vọng của Google bộc lộ thông qua I/O 2014

Từ máy tính đến thiết bị di động, Apple tự kiến tạo cho mình một vương quốc “đóng” từ giao diện thiết bị cho đến hệ điều hành. Ngược lại, Google từ một dịch vụ online đi vào thế giới offline, lợi dụng sức mạnh “mở” để xâm nhập vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Nếu số liệu và đo đạc là bản chất của Google, thì thiết kế và trải nghiệm lại là mục tiêu mà Apple hướng đến.

Thông qua các kỳ đại hội hàng năm WWDC và Google I/O, toàn thế giới đều có thể nhìn thấy Google và Apple không chỉ đang cạnh tranh nhau trong giới hạn smartphone và tablet, mà xu hướng đang bước vào những lĩnh vực khác như nhà cửa, xe hơi và các thiết bị có thể đeo trên người.

Thiết bị đeo tay

Mới đây nhất, trong đại hội I/O 2014, Google vừa công bố hệ thống Android Wear dành cho các thiết bị đeo tay. Đồng thời giới thiệu ba chiếc smartwatch đang vận hành trên hệ thống này là Samsung Gear Live, LG G Watch và Moto 360. Ba thiết bị này có thể kết nối với những smartphone đang chạy Android để đưa những thông báo như tin nhắn, cuộc gọi, email lên cổ tay. Trước đó đã có một số thương hiệu lớn như Sony, Pebble và ngay cả Samsung cũng từng đưa ra những sản phẩm đeo tay, nhưng chưa có sản phẩm nào phổ biến được rộng rãi. Ngoài ra, iWatch của Apple cũng đang chờ đến ngày ra mắt vào cuối năm nay.

Android Wear được xem là chiếc chìa khoá đưa Google tiến quân vào lĩnh vực thiết bị đeo tay. Hệ thống này có giao diện và thao tác sử dụng tiếp cận với hệ thống Android, cho nên người dùng Android sẽ nhanh chóng quen thuộc cách dùng và các tính năng của nó. Lợi thế của Google là lượng người dùng Android trên toàn thế giới chiếm tỉ lệ cao nhất, nên tiền đồ của Android Wear không thể ước lượng.

Rắc rối lớn nhất mà Google gặp phải hiện giờ là vấn đề phân mảnh thị trường. Trong khi Android Wear đòi hỏi thiết bị kết nối với nó phải chạy trên Android phiên bản mới nhất, thì trên thị trường phần lớn smartphone vẫn đang chạy trên nhiều phiên bản Android cũ.

Smartphone

Nói về smartphone, có lẽ ai cũng biết iPhone chính là chiếc điện thoại nhận được nhiều sự hoan nghênh nhất, nhưng Google lại chiếm phần lớn thị trường dựa vào lượng tiêu thụ smartphone Android hiện nay đã vượt mốc 1 tỉ máy. Mặc dù vậy, về phía ứng dụng có thể thấy thông qua Instagram, Snapchat, WhatsApp,... một điều không thể không thừa nhận là các nhà phát triển ứng dụng luôn đặt iOS lên vị trí thứ nhất khi thiết kế ứng dụng của mình.

Hơn nữa, dù Android chiếm lĩnh vị trí thống trị trong thị trường smartphone, nhưng Google lại chưa hề trực tiếp nhận được doanh thu dựa trên hệ điều hành này. Google cung cấp hệ điều hành Android miễn phí cho các nhà sản xuất phần cứng, mục đích là để có nhiều smartphone và table sử dụng Android, từ đó mở rộng phạm vi ứng dụng công cụ tìm kiếm và quảng cáo của Google. Trong những năm gần đây, Google dường như luôn đi trước một bước so với Apple về mặt kỹ thuật, ví dụ như hệ thống tìm kiếm bằng giọng nói của Google phát triển trước Siri của Apple.

Cũng trong đại hội I/O năm nay, Google cho ra mắt Android One là hệ thống nhắm vào phân khúc thị trường smartphone tầm trung và thấp. Phân khúc này vốn đang được chia với Windows Phone và BlackBerry. Rõ ràng, chiến lược của Google là dàn trải sức ảnh hưởng của mình trên khắp chiến trường, không chỉ cạnh tranh với Apple ở phân khúc cao cấp trong thị trường smartphone. Đồng thời, cũng có thể hiểu rằng động thái này của Google là phản ứng lại việc Nokia xây dựng một dòng sản phẩm chạy Android (Nokia X) và thiết kế một hệ thống ứng dụng mở cho dòng sản phẩm này.

Các tính năng trên dòng máy cấu hình thấp được Android One hỗ trợ

Hệ thống hỗ trợ xe ô tô

Ngoài lĩnh vực thiết bị di động, cả Google và Apple đều đang xâm nhập vào lĩnh vực xe ô tô, cung cấp các dịch vụ và ứng dụng cho người dùng sử dụng cùng lúc đang lái xe.

Tháng 3 năm nay, Apple vừa đưa ra hệ thống CarPlay, hệ thống này có thể giúp iPhone liên kết với xe, cho phép người lái thông qua giao diện được thiết lập sẵn để điều khiển, truy cập vào bản đồ trong máy, nghe nhạc hoặc tra tìm thông tin. Hiện nay, CarPlay đã được nhiều hãng xe như Mercedes-Benz, Ferrari, Honda, Volvo đưa vào sử dụng. BMW và Ford cũng đang xem xét về việc này.

Màn hình điều khiển trong xe ô tô sử dụng Android Auto

Trong kỳ hội I/O vừa qua, Google cũng đã chính thức công bố hệ thống Android Auto có chức năng tương tự CarPlay, có thể đưa màn hình ứng dụng Android vào màn hình điều khiển của xe, cũng có thể sử dụng chức năng điều khiển bằng giọng nói để thực hiện nhiều thao tác. Google cho biết đến năm 2015 sẽ có 25 thương hiệu xe ô tô sử dụng Android Auto.

Truyền hình

Người dùng Apple ắt hẳn không còn lạ gì với Apple TV, tính riêng doanh thu phim điện ảnh và phim truyền hình đưa lên kênh tải của Apple đã vượt qua mức 1 tỉ USD, trong đó Apple TV đã tiêu thụ được 20 triệu máy.

Android TV liên kết với smart-tivi

Năm 2010, Google cũng đưa sản phẩm Google TV của mình ra thị trường, nhưng do phần mềm không đạt yêu cầu nên Google TV không nhận được hưởng ứng từ phía người dùng. Năm nay, Google lại một lần nữa giới thiệu đến người dùng một nền tảng tivi thông minh mới hoàn toàn, Android TV. Nền tảng này đưa giao diện Android quen thuộc vào màn hình tivi với công dụng chính là giúp người dùng kết nối tín hiệu truyền hình theo các tiêu chuẩn hiện hành, điều khiển chiếc tivi thông minh đáp ứng các nhu cầu giải trí theo sở thích của người dùng.

Thiết bị Chromecast chuyển nội dung giải trí lên màn hình tivi

Google cho biết mùa thu năm nay sẽ chính thức đưa Android TV vào thị trường với một số thương hiệu smart-tivi, trong đó có cả Sony. Ngoài ra, Google còn có Chromecast là sản phẩm khá được ưa chuộng, ưu điểm của sản phẩm này là giá thành thấp nhưng lại có thể chuyển các nội dung giải trí từ mạng sang tivi, và hiện tại đang có nhiều kênh hợp tác hỗ trợ.

Bên cạnh đó, Google Cast là một dịch vụ nội dung cũng mới được Google đưa ra, chức năng chính của dịch vụ này là cho phép người dùng nghe nhạc xem phim trên smartphone và tablet, hoặc có thể thông qua Chromecast để đưa những nội dung này lên chiếc smart-tivi.

Những ứng dụng khác

Ngoài những ứng dụng hướng về thiết bị, Google đã xây dựng cả hệ thống hỗ trợ người dùng làm việc văn phòng. Trước kia, Google Documents cho phép người dùng lưu trữ và chỉnh sửa tài liệu trực tuyến, Google Drive ngày nay lại càng thể hiện tính năng này mạnh mẽ hơn. Tính đến nay, Google Drive đã có hơn 1 tỉ người dùng, mỗi ngày có hơn 20 tỉ tin nhắn các loại gửi qua các thiết bị Android.

Mô hình hệ thống Google Cloud

Google Cloud cung cấp cho các nhà phát triển ứng dụng những tính năng mới, bao gồm Cloud Save API, Cloud Debug, Cloud Trace và Cloud Monitoring. Google Cast cung cấp các ứng dụng về nội dung bao gồm Netflix, Google+, Hulu Plus, Pandora và Chrome. Google Cast thể hiện đúng bản chất “cởi mở” của mình là hỗ trợ luôn cả iOS và Chrome OS chứ không chỉ Android.

Google Play, một platform không thể thiếu trong hệ sinh thái của Google, chắc hẳn người dùng Android không còn xa lạ gì với cái tên này. Google Play là một nguồn kinh tế trực tiếp nhất đối với các nhà phát triển ứng dụng Android, nền tảng này cung cấp cho các developers những dịch vụ ứng dụng toàn diện và chu đáo hơn.

Ứng dụng Google Play Games

Nếu trước đây, dữ liệu của một số trò chơi được lưu trữ vào Google+, thì nay Google đã thêm một nền tảng tương tự như Game Center của iOS là Google Play Games, nền tảng này sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Game Center. Tất nhiên, nền tảng này cũng không tách rời khỏi việc hỗ trợ bộ Play Games API cho các nhà phát triển ứng dụng.

Dữ liệu mang lại từ Google Fit giúp người dùng theo dõi tình trạng sức khoẻ

Kế thừa tính năng theo dõi sức khoẻ đã xây dựng, lần này Google cung cấp một bộ API đơn giản của Google Fit để các nhà phát triển ứng dụng có thể phối hợp điều khiển tất cả cảm biến trên thiết bị Android, cho phép lấy được đầy đủ dữ liệu bao gồm cả số bước chân, nhịp tim, quãng đường di chuyển và năng lượng tiêu thụ để thực hiện các thông kê, chương trình giúp người dùng theo dõi sức khoẻ của mình tốt hơn. Google Fit được đưa ra cùng với Android L.

Kết luận

Thông qua Google I/O Developers 2014, Google đã cho thấy chiến lược của mình là rải quân khắp các mặt trận. Đồng thời đưa ra những giải pháp khả dĩ khắc phục những yếu điểm xuất hiện trên hệ thống của mình, nhằm làm chắc thêm nền tảng thúc đẩy những công nghệ mới của mình phát triển thuận lợi hơn.

Đối với vấn đề phân mảnh thị trường, Google đưa ra Android One để cải thiện hệ thống smartphone ở phân khúc tầm trung và tầm thấp, nhằm thay thế mảng thị trường đã bị phân mảnh bởi những phiên bản Android cũ mà đến nay vẫn còn người sử dụng. Song song đó, Android Wear sẽ phá huỷ những vách ngăn thương hiệu cho các thiết bị chạy Android, thiết bị đeo tay của hãng này sẽ có thể kết nối với smartphone hay tablet của hãng kia, không còn tình trạng 2 thiết bị phải cùng hãng sản xuất mới sử dụng chung với nhau được.

Nhiều nhà đánh giá cho rằng Google sẽ dễ đạt được thành công trong lĩnh vực truyền hình vì Google đang sở hữu một hệ sinh thái mở. Trong khi Apple vẫn kiên trì xây đắp cho vương quốc kín cổng cao tường của mình thì hệ sinh thái của Google ngày càng quy nạp nhiều tính năng thông minh của những thương hiệu khác, như tính năng đo nhiệt độ của Nest, đèn thông minh Hue của Philips,...

Google đang cho cả thế giới thấy một điều là bất kỳ hẻm hốc nào, Google cũng có thể tiến vào được.

Đọc thêm Những điều nên biết về Android Wear và đồng hồ thông minh

Khai Tân