Doanh nghiệp

Thả nổi hàng giả, hàng nhái, Shopee, Lazada, Sendo đều có ý đồ riêng

Thả nổi hàng giả, hàng nhái, Shopee, Lazada, Sendo đều có ý đồ riêng

Trao đổi với chúng tôi, bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thừa nhận sau 5 năm triển khai Nghị định 52/2013 về hoạt động thương mại điện tử đã tồn tại nhiều bất cập mới, đặc biệt liên quan đến hoạt động của các sàn thương mại điện tử.

Khi phát sinh vấn đề mới kiểm tra hàng hóa

Lãnh đạo một sàn thương mại điện tử lớn hiện nay nói các sàn có lý do để “dễ dãi” trong việc cho cá nhân mở shop online bán hàng, cũng như trong khâu kiểm soát. Vị này cho biết bản chất các sàn hiện nay đều mong muốn có nhiều hàng hóa được bày bán, có nhiều người mua và người bán. Do đó, trên các sàn vừa có hàng tốt, vừa có bán hàng chất lượng cũng bình dân.

Với hàng tốt, sàn thường kiểm soát một cách chặt chẽ bằng các điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, thử sản phẩm mới cho rao bán. Tuy nhiên, với những mặt hàng bình dân, sàn thường tạo cơ chế thông thoáng để thu hút nhiều cá nhân mở shop.

Hàng hóa thượng vàng hạ cám đều có trên sàn thương mại điện tử. Ảnh chụp màn hình.

Khi các cá nhân có thể mở shop một cách dễ dàng, hàng hóa trên sàn sẽ nhiều hơn, phong phú hơn, từ đó hấp dẫn người tiêu dùng đến với sàn. Vị này cũng nhấn mạnh mở đường cho hàng bình dân cũng là cách thu hút lượng khách hàng bình dân, có nhu cầu mua sắm những mặt hàng giá rẻ, chất lượng không đòi hỏi cao.

“Cả người bán và người mua đều biết về chất lượng hàng hóa. Khách hàng biết và họ chấp nhận mua, nghĩa là họ chấp nhận đến với sàn”, vị này nói.

Vị này cũng thừa nhận những rủi ro khi tạo điều kiện dễ dàng trong việc mở shop online, tuy nhiên tùy vào định hướng của doanh nghiệp, từng sàn mà sẽ có chính sách thích hợp. Ngoài ra, việc các sàn tạo điều kiện thuận lợi cho người kinh doanh, cũng giúp nhiều khách hàng tìm được hàng giá rẻ, vừa túi tiền.

Nói về việc kiểm soát hàng hóa, vị này cho rằng các sàn hiện nay chủ yếu áp dụng khâu kiểm sau, nghĩa là khi hàng được đăng lên sàn, phát sinh vấn đề mới điều tra và xử lý. Việc hậu kiểm sẽ giúp doanh nghiệp đạt hiệu quả tối ưu, tạo điều kiện thông thoáng cho người bán hàng.

“Nếu kiểm soát quá chặt, gắt gao, sẽ không thu hút việc mở shop trên sàn, từ đó sàn lại kém hiệu quả hơn”, vị này chia sẻ.

Chiến thuật “tìm cái gì cũng có”

Ông Trần Công Thành, đồng sáng lập Công ty MediaZ, tác giả cuốn sách “Facebook marketing từ A đến Z”, cho rằng việc dễ dãi cho mở shop online chính là chiến thuật của các sàn thương mại điện tử.

Ông phân tích trong giai đoạn đầu mới gia nhập thị trường, các sàn thương mại điện tử thường muốn tìm kiếm người bán, khách hàng và xây dựng suy nghĩ "trên sàn cái gì cũng có”. Từ đó, sàn sẽ thu hút cá nhân mở shop online, vì lực lượng này mở shop đơn giản hơn nhiều những đơn vị chuyên nghiệp, có đăng ký kinh doanh.

“Trong giai đoạn đầu tiên, các sàn sẽ phải cạnh tranh với nhau về đa dạng hóa sản phẩm, phải có nhiều hàng, hàng có sẵn để đáp ứng nhu cầu của khách. Mở đường dễ dãi cho shop online là một chiến thuật nhằm hướng tới điều này”, ông Thành nói.

Chuyên gia cho rằng các shop dễ dãi với hàng hóa đăng bán là có chiến thuật riêng. Ảnh chụp màn hình.

Vị này cũng chỉ ra bản chất các sàn là một cuộc cạnh tranh về dữ liệu nội dung, bao gồm thông tin về những sản phẩm đăng lên, thông tin đăng lên, người bán tham gia… Thông qua cuộc cạnh tranh này, sàn sẽ thu thập được dữ liệu về hành vi người dùng, bán hàng nào chạy, hàng nào được ưa chuộng, bán hàng thế nào thì tốt nhất…

Ngoài ra, việc có nhiều hàng cũng giúp sàn có lợi trong cuộc cạnh tranh tìm kiếm và tối ưu hóa nội dung.

“Thứ hạng, thông tin mà người dùng tìm kiếm trên Google sẽ ưu tiên sàn nào có nhiều lượt truy cập, nhiều sản phẩm, nhiều link website liên kết…”, ông Thành chia sẻ.

Nói về cơ chế kiểm soát hàng hóa cũng dễ dãi như việc cho mở shop online, ông Thành cho rằng các sàn khó kiểm soát hơn là không muốn kiểm soát.

“Cơ chế hoạt động hiện tại của sàn là những quy trình mua bán liên tục, được mã hóa theo các luồng dữ liệu. Chủ shop chỉ cần đăng tin đáp ứng các yêu cầu là có thể bán hàng trên sàn. Khi là các luồng dữ liệu thì các sàn khó mà kiểm soát được xem nó có vấn đề gì hay không, chỉ khi nào có khiếu nại mới kiểm tra. Mỗi ngày có rất nhiều giao dịch, các sàn khó mà kiểm soát được”, ông Thành nói.

Vụ việc bán bản đồ có hình "đường lưỡi bò" của Shopee là một bài học của các sàn trong khâu kiểm soát hàng hóa. Ảnh: HC

Ông cũng khẳng định các sàn nếu không thay đổi, khi để sự việc xảy ra, có sự vào cuộc của cơ quan chức năng sẽ còn lộ ra nhiều vấn đề khác. Và sau giai đoạn cạnh tranh về dữ liệu, các sàn thương mại điện tử phải cạnh tranh về chất lượng và dịch vụ, tuân thủ quy định các chính sách của Nhà nước trong vấn đề hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại, từ đó mới phát triển bền vững và giữ chân được khách hàng.

Bà Lại Việt Anh nói rằng các quy định về cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử đã có nhiều bất cập.

“Nhiều cá nhân có nhu cầu chính đáng muốn kinh doanh, ví như những người có những đồ đạc không dùng đến. Tuy nhiên cần làm rõ việc bán vì mục đích kinh doanh và bán những mặt hàng một cách không thường xuyên của cá nhân. Vấn đề này cần xem xét, cần phải có ngưỡng”, bà Việt Anh nói.

Trên cở sở các bất cập hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ siết chặt hơn các quy định về thương mại điện tử đối với các sàn khi xây dựng dự thảo Nghị định mới. Tuy nhiên, bà Việt Anh nhấn mạnh cũng cần phải tạo điều kiện tự do kinh doanh và có chính sách hợp lý để phát triển thương mại điện tử.

Theo: zing.vn

 

Tay chân giả, kiếm Nhật rao bán trên Lazada, Shopee, Sendo

(Techz.vn) Nhiều phụ huynh hoang mang khi Lazada, Shopee, Sendo thoải mái bán những sản phẩm đao kiếm, mô hình bàn tay, bàn chân người dính đầy máu.