Nhịp sống số

Tên miền Viettel.com có trước khi Viettel gia nhập thị trường viễn thông

VNNIC cho biết tên miền quốc tế viettel.com trùng tên của tập đoàn Viettel được đăng kí từ tháng 5/1997, trước khi Việt Nam chính thức mở Internet (12/1997) và nhà mạng này cung cấp dịch vụ.


  • Tên miền Viettel.com được rao bán 1,5 triệu USD
  • Viettel.com bị rao bán: Rào cản tương lai của Viettel?
  • Tên miền .xxx trùng với tên báo Dân trí đã bị “chiếm hữu”

 

Tên miền quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam thường được đăng ký từ rất sớm trước khi Internet được phổ cập ở Việt Nam.

 

Do đó, nói doanh nghiệp Việt Nam không quan tâm đăng kí tên miền quốc tế là chưa hoàn toàn chính xác.

Trước thông tin một số tên miền của những doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Viettel, VNPT,... bị "chiếm mất" tên miền quốc tế, thậm chí tên miền Viettel.com còn được rao bán với giá hơn 30 tỷ đồng, đại diện VNNIC cho rằng, các thương hiệu Việt thường gặp bất lợi khi bảo vệ thương hiệu với tên miền quốc tế vì thực tế hiện tượng đầu cơ tên miền quốc tế đã có từ rất lâu trước khi các thương hiệu trở nên nổi tiếng, hoặc trước khi Internet trở nên phổ cập ở Việt Nam. Để minh chứng, VNNIC đã đưa ra một số trường hợp báo chí vừa đưa như tên miền viettien.com, vinaphone.com được đăng kí từ năm 2003, MobiFone.com được sở hữu từ năm 1998, thậm chí tên miền Viettel.com đăng kí từ 5/1997 thời điểm trước khi Việt Nam chính thức khai trương Internet (1/12/1997).

"Do đó nói các Doanh nghiệp VN không quan tâm đăng kí tên miền quốc tế chưa hẳn đã đúng bởi vì việc quan tâm bảo vệ thương hiệu với tên miền quốc tế thật ra thường là quá muộn, không thể hoặc sẽ rất tốn kém một cách khách quan", đại diện VNNIC cho biết thêm.

Ngoài ra, mặc dù việc bảo vệ thương hiệu bằng cách đăng kí các tên miền liên quan là việc cần thiết nhưng đối với tên miền quốc tế thì không phải lúc nào cũng khả thi và thường là rất tốn kém do số lượng đuôi tên miền dùng chung (.com, .net, .org…) hiện tại là khá lớn. Đó còn chưa kể tới đây ICANN sẽ tiếp tục mở rộng số lượng các đuôi tên miền dùng chung này, ngoài ra còn có hàng trăm tên miền cấp cao mã quốc gia của các nước khác như .cn, .fr, .jp, .uk, .la, .sg, .kr,.... Chính vì thế, các tập đoàn, công ty lớn thường phải bỏ một lượng kinh phí rất lớn để duy trì một đơn vị pháp lí thường xuyên theo dõi, đăng kí bao vây hoặc xử lí tranh chấp tên miền liên quan đến thương hiệu của mình.

Ví dụ, để bảo vệ thương hiệu của mình, những tập đoàn lớn như Wal-mart đã tiếp cận đăng kí hàng chục tên miền bao vây thương hiệu Walmart của họ dưới tất cả các đuôi tên miền .VN ngay từ khi tên miền này được cấp phát rộng rãi và thường xuyên duy trì trong suốt thời gian vừa qua, mặc dù cho tới thời điểm hiện tại, Walmart vẫn chưa chính thức có mặt trên thị trường Việt Nam. Với tất cả các đuôi tên miền khác họ cũng sẽ phải thực hiện tương tự như vậy. Tuy vậy, đây thực sự không phải là sự lựa chọn khả thi của phần lớn thương hiệu trong nước.

Cũng theo đại diện VNNIC, trong khi các tên miền quốc tế rất khó bảo vệ được thì tên miền .VN của Việt Nam hoàn toàn thể hiện được cả thương hiệu của Việt Nam lẫn nguồn gốc quốc gia Việt Nam. Thủ tục đăng kí tên miền .VN tương đối thuận tiện và có thể đăng kí dễ dàng để bảo vệ thương hiệu, được pháp luật bảo vệ; nhưng thực tế phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam cũng còn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này, nhiều doanh nghiệp không đăng kí tên miền .VN kịp thời, dẫn đến phải bỏ chi phí phải bỏ chi phí để thương lượng đăng kí lại hoặc hoặc rất mất thời gian và tiền bạc cho tiến trình xử lí tranh chấp chính ngay trong thị trường trong nước của doanh nghiệp như trường hợp tên miền samsungmobile.com.vn, ibm.com.vn....

"Có thể nói quan tâm đăng kí tên miền .VN liên quan đến thương hiệu của mình kịp thời là giải pháp đơn giản và hiệu quả nhất để bảo vệ thương hiệu ở VN hiện nay", đại diện VNNIC kết luận.