Ericsson ConsumerLab vừa công bố nghiên cứu về "Văn hóa sử dụng ứng dụng" dựa trên nghiên cứu trực tuyến thực hiện tại 3 nước Nga, Ấn Độ và Brazil.
<>
Nghiên cứu trên được thực hiện vào cuối 2011 với số người dùng điện thoại thông minh (smartphone) độ tuổi từ 15 đến 54, sử dụng smartphone để truy cập Internet ít nhất 1 tuần/lần.
1.220 người đã tham gia khảo sát bao gồm những người bắt đầu dùng smartphone nhưng tiếp cận nhanh chóng với các ứng dụng và những người dùng smartphone lâu năm. 69% người sử dụng smartphone trong khảo sát truy cập Internet sử dụng ứng dụng hàng ngày và 20% sử dụng các dịch vụ dữ liệu như video, TV, bản đồ và ứng dụng tọa độ.
10 hoạt động phổ biến nhất của người dùng smartphone là kiểm tra (check-in) địa điểm, sử dụng bản đồ định vị hoặc truy cập thông tin về giao thông, xem TV qua internet, xem phim, chơi game trực tuyến, xem video streaming, chơi game trên các trang mạng xã hội, xem tin trực tiếp, sử dụng Twitter và viết blog.
Việc sử dụng ứng dụng trên di động tại 3 quốc gia trong danh sách khảo sát có những đặc điểm khác nhau. Người Ấn Độ thích tải các ứng dụng mang tính cá nhân như màn hình chờ, màn hình chính và các trình duyệt của đối tác thứ ba ngoài những ứng dụng truyền thông và trò chơi trên mạng xã hội. Người Nga thích các ứng dụng tiện ích đối với cuộc sống như định vị, bản đồ, so sánh giá cả, máy quét ký hiệu hàng hóa, phần mềm chính tả và dịch thuật. Người Brazil sử dụng những ứng dụng để kết nối tương tác mang tính xã hội.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra đặc điểm sử dụng ứng dụng ở các nước đang phát triển có nét khác biệt với các nước phát triển. 2/5 người sử dụng hiếm khi hoặc không bao giờ vào chợ ứng dụng chính thức mà thường tải (download) ứng dụng từ các trang diễn đàn của bên thứ ba. Khoảng nửa số người tải ứng dụng trên máy tính PC trước, sau đó chuyển sang smartphone để tiết kiệm dung lượng dữ liệu.