Blog công nghệ

Tại sao Samsung đầu tư hàng tỷ đô xây dựng nhà máy ở Việt Nam?

Samsung đã đổ bao nhiêu tiền vào dự án ở Việt Nam ?

Hiện tại, Samsung có 3 nhà máy được xây dựng ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 7 tỷ USD. Đi vào hoạt động từ năm 2009, khu phức hợp Samsung Electronics Việt Nam (SEV) ở Bắc Ninh với số vốn đầu tư 2,5 tỷ USD (2014), hiện là một trong những nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất và hiện đại nhất của Samsung trên toàn cầu. Hằng năm cho doanh số xuất khẩu hàng chục tỷ USD. Đây cũng là một trong những dự án có vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của nước ngoài thành công nhất tại Việt Nam hiện nay.

Từ những thành tích có được tại SEV Bắc Ninh, tập đoàn Samsung đã quyết định tiếp tục đầu tư thêm một tổ hợp công nghệ mới tại Thái Nguyên (SEVT) với vốn đầu tư là 3,2 tỷ USD. Nhà máy này vừa đi vào vận hành hồi đầu tháng 3/2014. Và chỉ sau 20 ngày đi vào hoạt động, SEVT đã xuất khẩu được 90 triệu USD.

 SEVT - Dự án đầu tư được coi là thần tốc của Samsung bởi thời gian được cấp chứng nhận đầu tư và đi vào thi công chỉ trong vòng một tháng (Ảnh - Internet)

Nhà máy thứ ba có lịch sử lâu đời nhất, Samsung Vina Electronics (SAVINA) hoạt động từ năm 1996, được đặt tại Linh Trung, Thủ Đức, TPHCM, chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm điện tử dân dụng và gia dụng. Dự án này được điều động số vốn 11,8 triệu USD, tuy có quy mô nhỏ hơn các dự án trên, nhưng đây là tiền đề cho những đầu tư "khủng" của Samsung vào Việt Nam sau này.

Hiện tại, Samsung có 3 nhà máy được xây dựng ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 7 tỷ USD.

Được biết, vào ngày 1/10/2014 vừa qua, dự án Samsung CE Complex (SECC) với tổng vốn 1,4 tỷ USD đã được phê duyệt. Theo dự kiến, dự án được khởi công vào tháng 1-2015 và sẽ đi vào hoạt động trong quý 2-2016.

Với 3 dự án nhà máy đã được xây dựng và hàng loạt những dự án tỷ đô trong tương lai. Samsung đã thành công trong việc biến Việt Nam trở thành "tập đoàn cứ điểm" sản xuất với quy mô lớn nhất toàn cầu.

Những nhà máy quy mô lớn, trị giá hàng tỷ USD của Samsung ở Việt Nam ( Ảnh - Internet )

Vậy lý do gì khiến một tập đoàn công nghệ lớn nhất nhì thế giới như Samsung lại mạnh tay "rót" hàng tỷ USD cho những dự án xây dựng nhà máy ở Việt Nam ?

Sự bùng nổ của nền kinh tế Trung Quốc

Bước chân vào Trung Quốc từ năm 1992, Samsung đã có trong tay 13 địa điểm sản xuất và 7 phòng nghiên cứu, cùng 45.600 nhân công ( chiếm 19% tổng nhân lực toàn cầu của Samsung )

Tốc độ tăng trưởng kinh tế kỉ lục đã biến Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Hệ quả là giá nhân công tăng cao và những chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài bị cắt giảm. Trung Quốc hiện đủ lớn để có thể đem lại rủi ro cho các tập đoàn làm ăn ở đây bởi phải cạnh tranh với chính sản phẩm tương tự trên thị trường nội địa.

Một nhà máy của Samsung tại Trung Quốc ( Ảnh - Internet ) 

Hơn nữa, các tập đoàn lớn ngày càng có xu hướng phân tán rủi ro, thay vì dồn quá nhiều vốn vào Trung Quốc. Năm 2007, khi bắt đầu tìm kiếm vị trí cho dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV), Samsung đã mất rất nhiều thời gian khảo sát, cân nhắc lựa chọn giữa các quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia… nhưng cuối cùng tập đoàn này đã chọn Việt Nam để đặt nhà máy.

Chế độ chính trị, xã hội, kinh tế ở Việt Nam

Từ thời kì đổi mới đến nay, cùng với những chính sách tích cực của Đảng và Nhà nước, Việt Nam luôn là một trong những Quốc gia giữ được nền chính trị ổn định nhất trên thế giới. Bởi lẽ đó, Việt Nam luôn được các công ty, tập đoàn nước ngoài quan tâm, chú ý đầu tư.

Cùng với quan điểm trên, Ông Nguyễn Văn Đạo - Phó tổng giám đốc Samsung Vina  chia  sẻ lý do Samsung chọn Việt Nam làm nơi đầu tư mạnh là bởi sự ổn định, nhất quán về chính trị ở nước ta, tránh được tình trạng nhiêu khê, sách nhiễu, "trên bảo, dưới không nghe". Điều đó chính là lý do Samsung đầu tư hàng tỷ USD cho các dự án ở Việt Nam.

Chính sách ưu đãi lớn của Chính phủ

Đối với những nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam luôn có những chính sách hỗ trợ cũng như các chế độ ưu đãi rất lớn từ Chính phủ. Nếu như ở Hàn Quốc, mỗi năm Samsung phải đóng thuế ở mức 22%, thì khi vào đến Việt Nam, Samsung không phải trả một đồng nào trong suốt 4 năm liền cho thứ gọi là thuế doanh nghiệp. Sau 4 năm, số tiền thuế doanh nghiệp mà Samsung phải nộp cho ngân sách nhà nước cũng rất ít ỏi, 5%/năm cho kỳ hạn 12 năm tiếp theo và 10%/năm cho kỳ hạn 34 năm sau đó.

Theo tuyên bố của Samsung, nhờ vào "mối quan hệ đối tác chiến lược", Samsung sẽ giúp Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, đồng thời phát triển các ngành công nghiệp quan trọng như dầu khí và đóng tàu.

Lợi thế từ nguồn lao động 

 "Điều làm nên ngành sản xuất điện thoại là phải lắp ráp các linh kiện được sản xuất tốt. Yếu tố quan trọng nhất là nhân lực", đó là lời chia sẻ của ông Lee Seung Woo, một nhà phân tích tại IBK Securities, người đã từng theo dõi Samsung trong suốt hơn 1 thập kỉ qua.

Công nhân đang làm việc tại nhà máy Samsung Bắc Ninh (Ảnh-Internet )

Ở Việt Nam, nguồn nhân công lúc nào cũng là một thế mạnh thu hút những nhà đầu tư trong và ngoài nước, bởi giá lao động ở nước ta luôn được xếp ở mức rẻ so với các quốc gia khác. Theo một tính toán, trung bình mỗi tháng, Samsung sẽ chỉ phải trả cho một nữ công nhân Việt Nam bao gồm cả tiền lương và tiền làm thêm giờ vào khoảng 353 USD, con số này chỉ bằng 1/10 lương của một công nhân ở Hàn Quốc. Đây cũng là lời giải đáp cho việc tại sao trong năm 2012, Samsung lại tuyển đến 20.000 lao động Việt Nam vào làm trong các nhà máy, khu công nghiệp của mình, trong khi đó, con số này ở Gumi ( một nhà máy của Samsung ở Hàn Quốc ), lại chỉ khiêm tốn có 175 người. Bên cạnh đó, nguồn lao động của Việt Nam cũng được đánh giá là chăm chỉ, cần cù và thích ứng nhanh với với khoa học - kỹ thuật hiện đại.

Những nguyên nhân khác

Vị trí địa lý của Việt Nam gần với các nhà máy có sẵn của Samsung tại Trung Quốc và Hàn Quốc - nơi cung ứng những linh kiện, phụ kiện nhỏ mà Việt Nam chưa thể tự sản xuất được.

Bên cạnh đó, Việt Nam hầu như chưa có sự ràng buộc nào đối với việc di chuyển dây chuyền sản xuất từ các nhà máy nước ngoài vào trong nước. Giới phân tích nhận định Việt Nam tương đối “mở” so với một số nước khác trong vấn đề này.

Việt Nam đã và đang trở thành mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển của Samsung

Hiện nay, Việt Nam đang trở nên cạnh tranh hơn trước thềm hội nhập đầy đủ vào Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, bên cạnh tiến trình thương thảo Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến hoàn tất vào cuối năm nay. Từ đây, hàng xuất xứ từ Việt Nam sẽ tỏa đi nhiều thị trường trên thế giới.

Một dự án đóng tàu được Samsung đầu tư ( Ảnh - Internet ) 

Không chỉ đầu tư hàng tỷ đô cho lĩnh vực điện tử, công nghệ, tập đoàn Samsung đã và đang có mặt ở nhiều dự án trọng điểm thuộc các lĩnh vực như giao thông, điện lực, hạ tầng, bất động sản, ... tiêu biểu như Nhiệt điện Vũng Áng 3, nhà máy đóng tàu ở Khánh Hoà, Sân bay Long Thành, Lọc dầu Long Sơn. Theo như kế hoạch, đến năm 2017, tổng số vốn Samsung "đổ" vào Việt Nam lên tới 20 tỷ USD. Với những kế hoạch đầu tư thần tốc, Samsung đã đóng góp tới 30 tỷ USD cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (2014)

Theo Cục đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2014 Hàn Quốc đã đầu tư vào 54/63 tỉnh thành phố trên cả nước. Trong đó tập đoàn Samsung chiếm một phần không hề nhỏ.

Mức độ "phủ sóng" của Samsung nói riêng và Hàn Quốc nói chung ngày càng rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, văn hoá, xã hội. Đi đôi với đó là sự phụ thuộc của Việt Nam vào Hàn Quốc ngày một tăng. Nhất là trong tình hình chính trị khu vực và thế giới đang có nhiều biến động như hiện nay thì việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và tránh sự phụ thuộc về kinh tế là điều mà nhà nước ta nên xem xét thật kĩ trước những dòng vốn FDI từ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

 

Mức độ phủ sóng của Samsung đang ngày một lớn ( Ảnh - Internet )

Việt Nam đã và đang trở thành mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển của Samsung, và việc tập đoàn này liên tiếp đầu tư số tiền khổng lồ lên đến hàng tỷ USD cho những dự án xây dựng nhà máy ở Việt Nam đã khẳng định sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam so với các khu vực khác. Trong giai đoạn hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, bên cạnh những thời cơ để phát triển đất nước, Việt Nam còn phải đối mặt với không ít những thách thức, khó khăn.

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả. 

 

Âm mưu đằng sau vụ mua bán sát nhập của Samsung và BlackBerry

(Techz.vn) Đã có những tin tức chỉ ra rằng, đằng sau thương vụ tin đồn giữa Samsung và BlackBerry là những động cơ trục lợi bất tính của một cá nhân hay tổ chức nào đó.