Dù không có kinh nghiệm “giắt lưng” trong sản xuất điện thoại và bị “dè bỉu” còn lâu mới sánh được với iPhone hay smartphone Android, điện thoại Facebook vẫn là quân bài tiềm năng cho mạng xã hội, đặc biệt tại phân khúc thị trường đang phát triển.
Không thể cạnh tranh với iPhone, Android?
Thời báo New York đưa tin Facebook đã tuyển dụng một số cựu kĩ sư Apple với hi vọng sản xuất smartphone Facebook cho riêng mình. Một số người tỏ ra lạc quan về triển vọng của chiếc điện thoại thiết kế chuyên biệt cho Facebook, song những người khác nghi ngờ - trên báo, blog, mạng xã hội - tại sao Facebook lại cần phải tham gia thị trường điện thoại.
Tác giả Henry Blodget của Business Insider đã viết bài báo có tên: “Nhà đầu tư sẽ khóc thét nếu Facebook thực sự kinh doanh điện thoại”. Những người không đồng tình với điện thoại Facebook tranh luận đơn giản: Nếu điện thoại Facebook có thật, nó sẽ không thể nào cạnh tranh với Apple iPhone hay smartphone chạy hệ điều hành Android.
Tuy nhiên, đó không phải là quan điểm của một chiếc điện thoại đặt Facebook làm hạt nhân. Thực tế, Facebook cần gia nhập thị trường điện thoại vì nó có cơ hội chạm tới phân khúc khán giả không mua được iPhone, điện thoại Android, Windows Phone hay bất kì smartphone chất lượng khác. Ngay cả khi đủ sức mua, gói cước dữ liệu đắt đỏ thường vượt ngoài tầm với của số đông cộng đồng. Cái giá của smartphone không phải chỉ là 250 USD cho thiết bị, mà còn là thêm 70-90 USD/tháng cho hợp đồng 2 năm (mua điện thoại kèm hợp đồng nhà mạng).
Ngoài ra, Facebook về cơ bản đã có trong tay hệ điều hành hội đủ mọi điều kiện cần thiết để đối đầu với iOS của Apple. Nó có danh bạ, video, Facebook Message cho email và cả cách giao tiếp giống Yahoo Messenger, ứng dụng ảnh Facebook Camera tiềm năng và thậm chí là kho ứng dụng App Center ra mắt chính thức hôm 8/6. Vì thế, điện thoại Facebook chỉ là “việc mở rộng hợp lí của một khu vườn đã quá chật chội”.
Tiềm năng ở thị trường đại chúng
Nghiên cứu của hãng tư vấn chiến lược Vision Mobile phát hành năm 2011 chỉ ra trong khi một nửa dân số các nước phát triển đã sở hữu smartphone vào cuối năm 2011 thì những thiết bị thông minh mới chỉ chạm tới 20% dân số các nước đang phát triển. Đây chính là điểm điện thoại Facebook có thể thu hút nhóm khách hàng lớn. Điểm đáng lưu ý nữa là thị trường đang phát triển cũng tương tự thị trường bản thân mạng xã hội Facebook muốn vươn tới để tiếp tục sức tăng trưởng mạnh mẽ. Cú hích ở đây sẽ là người dân các nước đang phát triển bỏ qua máy tính cá nhân (PC), dùng trực tiếp smartphone như máy tính.
Báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường Gartner chỉ ra Samsung và Apple bán ra 49% smartphone trên thế giới. Dù hàng trăm triệu smartphone được bán ra mỗi năm, nhiều người vẫn không có đủ tiền mua một chiếc. Nhóm người đông đảo này sẽ là chìa khóa cho điện thoại Facebook.
Carolina Milanesi, Phó chủ tịch Gartner nhận định: “Với điện thoại Facebook, bạn không nói về khách hàng cao cấp mà nói về thị trường đại chúng. Facebook có thể xâm nhập các thị trường nơi người dân tìm kiếm khoản chi phùugrave; hợp túi tiền. Facebook phải nghĩ xa hơn chi phí phần cứng, về cách làm thế nào sản xuất smartphone có gói cước dữ liệu giá rẻ cho mọi người”.
Nếu làm được điều này, Milanesi cho rằng sẽ có hàng trăm triệu người tình nguyện xếp hàng mua điện thoại Facebook. Milanesi nhấn mạnh Facebook tăng trưởng nhanh như vậy là do công ty tập trung nỗ lực mở rộng tại các lục địa khác, bao gồm châu Á và châu Phi. Facebook có thể trao smartphone giá rẻ vào tay những người dùng ở đây cũng như những người thuộc nền kinh tế phát triển nhưng không đủ khả năng chi trả cho gói cước dữ liệu đắt đỏ. Facebook sẽ không bám đuổi được Apple hay Google trên thị trường điện thoại, song có thể giành thị phần từ tay Nokia - ông vua điện thoại một thời.
Nếu Facebook sản xuất được điện thoại có giá bằng một phần nhỏ giá smartphone hiện nay và trợ cấp gói cước dữ liệu thông qua quảng cáo, công ty sẽ kiểm soát được phân khúc người dùng mới - những người chưa mua smartphone vì giá thiết bị và chi phí phát sinh hàng tháng.
Theo ICTnews/NYT