Smartphone

Tại sao Apple không bao giờ sản xuất thiết bị tại Mỹ?

Một ẩn ý mà các chính trị gia không muốn đề cập tới: Trung Quốc có nhiều kỹ sư trình độ hơn Mỹ.

  
Vào cuối buổi tranh luận trong chiến dịch bầu cử tổng thống đêm hôm thứ Ba ngày 16/10, nhà báo Candy Crowley của CNN đã hỏi cả hai ứng cử viên tổng thống về đã đặt ra cho Apple kể từ đầu năm nay.

“IPad, Macs, iPhones, đều được sản xuất ở Trung Quốc, và một trong những lý do chính là lao động ở đây rẻ hơn nhiều. Làm thế nào bạn thuyết phục một công ty lớn của Mỹ đưa việc sản xuất quay lại Mỹ?”, Crowley hỏi.

Ứng cử viên Mitt Romney cho biết giải pháp là “rất thẳng thắn”. Mỹ phải gây sức ép Trung Quốc để ngừng thao túng đồng tiền của mình, và chính quyền liên bang cần “biến Mỹ trở thành nơi hấp dẫn cho các doanh nghiệp” bằng cách giảm thuế. Ứng cử viên Mitt Romney ủng hộ thuế công ty giảm xuống 25% từ mức 35% hiện nay.

Tổng thống Obama đưa ra một câu trả lời quả quyết: “Candy, có một số công việc sẽ không nên quay lại Mỹ, vì các công việc đó là những công việc lương thấp, không đòi hỏi trình độ cao”.

Phát biểu thẳng thắn về Apple, đánh giá của Obama có thể đúng đắn. Apple cho biết công ty này đã trực tiếp tuyển dụng hàng ngàn lao động riêng ở Trung Quốc, và khoảng 700.000 lao động dây chuyền tại các đối tác sản xuất như Foxconn sản xuất các sản phẩm Apple.
 
Do vậy việc đưa các công việc này trở lại nước Mỹ hầu như là không thể.

Foxconn - công ty tư nhân lớn nhất Trung Quốc và là nhà sản xuất khoảng hơn 40% các thiết bị điện tử tiêu dùng của thế giới - chi trả cho các lao động ít hơn nhiều so với các luật lao động của Mỹ cho phép. Mức lương tối thiểu trung bình là 2500 nhân dân tệ (400 USD), khoảng 18 USD/ngày.

Nhưng lương không phải là trở ngại lớn nhất. Nhiều nhà kinh tế học đã dự báo chi phí toàn bộ cho một lao động người Mỹ sẽ làm tăng chi phí cho một iPhone là bao nhiêu và con số là khoảng từ 65 - 100 USD/thiết bị.

Trở ngại thực sự là tốc độ. Không giống như các nhà máy ở Mỹ, Foxconn và các nhà máy sản xuất khác ở Trung Quốc giữ các lao động trong các khu nhà tập thể và có thể đưa hàng trăm ngàn lao động đến các dây chuyền sản xuất chỉ cần một thông báo.
 
Trong dây chuyền, lao động phải làm việc theo cách mà phần lớn người Mỹ cho là giờ lao động kéo dài và điều kiện lao động khắc nghiệt không thể chịu đựng.
 
Hệ thống này giúp các công ty công nghệ đạt được hiệu quả cần thiết để đưa sản phẩm ra thị trường. Thêm vào đó, các nhà cung cấp linh kiện cho Apple và các hãng công nghệ khác cũng ở Trung Quốc và các nước châu Á khác.
 
Yếu tố địa lý cũng giúp cho các công ty năng động thay đổi một thiết kế sản phẩm vào phút chót và vẫn kịp thời xuất hàng.

Một ẩn ý khác mà các chính trị gia không muốn đề cập tới: Trung Quốc có nhiều kỹ sư trình độ hơn Mỹ.

Steve Jobs, cựu CEO của Apple, đã đưa vấn đề này ra trong một cuộc gặp với tổng thống Obama tháng 10/2010. Jobs đã gọi hệ thống giáo dục lờ đờ của Mỹ là một rào cản cho Apple, công ty cần tới 30.000 kỹ sư công nghiệp để hỗ trợ các lao động nhà máy tại chỗ.

“Bạn không tìm được nhiều kỹ sư này tại Mỹ để tuyển dụng. Nếu tổng thống có thể đào tạo các kỹ sư này, chúng tôi có thể chuyển nhiều nhà máy về Mỹ”, Jobs cho Tổng thống Obama biết, theo cuốn tiểu sử về Jobs do Walter Isaacson chắp bút.

Trong một trả lời phỏng vấn AllThingsD, CEO Tim Cook cho biết ông nhất trí với đánh giá của Jobs.

“Phải có một sự thay đổi căn bản trong hệ thống giáo dục Mỹ để đưa công việc sản xuất trở lại Mỹ”, Cook cho biết.

Khi được hỏi nếu ngày đó có thể đến khi một sản phẩm Apple được sản xuất ở Mỹ, Cook cho biết “Tôi muốn điều đó xảy ra… và tôi có thể đánh cược rằng chúng tôi sẽ sử dụng toàn bộ ảnh hưởng của chúng tôi đối với việc này”.

Cook đã phát biểu lạc quan hơn nhiều với người tiền nhiệm. Trong cuộc gặp hồi năm 2010, Tổng thống Obama đã hỏi Jobs làm thế nào để đưa các công việc sản xuất iPhone trở lại Mỹ, theo New York Times.

Jobs đã trả lời: “Những công việc này sẽ không trở lại ”.

Theo QM
ICTPress