Điện thoại

Tá hỏa vì những thứ bên trong chiếc iPhone X 2,3 triệu đồng

Trong chuyến đi công tác tại Thâm Quyến (Trung Quốc) vào đầu năm nay, nữ phóng viên của trang Motherboard - Sarah Emerson đã mua được một chiếc iPhone X với giá 100 USD (khoảng 2,3 triệu đồng).

Hộp đựng sản phẩm nhìn bên ngoài không khác gì hàng chính hãng được sản xuất bởi Apple. Thiết bị có thể thực hiện hầu hết các chức năng như một chiếc smartphone thông thường. Tuy nhiên, sau khi cô gửi chiếc điện thoại cho một công ty an ninh mạng độc lập để kiểm tra thì mới tá hỏa về những thứ nằm bên trong thiết bị.

Về ngoại hình, thiết bị có kiểu dáng và thiết kế không khác gì iPhone X, không có nút Home, nút tăng/giảm âm lượng được đặt ở cạnh bên, cổng Lightning và loa nằm ở cạnh dưới cùng của điện thoại. Thậm chí đi kèm theo đó là giấy hướng dẫn thiết lập Face ID, biểu tượng ứng dụng và phần menu giống hệt với giao diện trên iOS.

Tuy nhiên, chỉ cần tinh ý là bạn có thể nhận ra đây chỉ là một sản phẩm nhái iPhone X. Điểm đầu tiên chính là không có “tai thỏ”, quá trình chuyển đổi giữa các ứng dụng chậm chạp, camera mờ nhạt, thiết bị thường xuyên bị đơ khi mở một số tính năng nâng cao của Apple. Chưa dừng lại ở đó, khi bạn mở kho ứng dụng trên thiết bị thì Google Play xuất hiện, mở Podcasts thì ra YouTube, mở Apple Maps thì ra Google Maps… Khi tra cứu thông tin sản phẩm bằng số IMEI in sau hộp, kết quả trả về vẫn là một chiếc iPhone X, điều này cho thấy cả số IMEI cũng được làm giả tinh vi để đánh lừa người dùng.

Sau một ngày thử nghiệm, trang Motherboard đã mang thiết bị đến Trail of Bits, một công ty nghiên cứu và tư vấn bảo mật tại New York (Mỹ) để kiểm tra tất tần tật mọi thứ về chiếc iPhone X “Trung Quốc”. Vài tuần sau, nhà nghiên cứu Chris Evans của Trail of Bits đã gửi lại một bản báo cáo bảo mật chi tiết về mọi thứ bên trong chiếc iPhone X giá rẻ.

Theo Evans, thiết bị chạy trên nền tảng Android và được chắp vá từ nhiều nguồn khác nhau, ngoài ra, trên máy còn được cài sẵn nhiều phần mềm độc hại và backdoors (một loại phần mềm chuyên mở “cửa hậu” và đánh cắp dữ liệu người dùng). Đa số các ứng dụng này đều đến từ những nguồn không đáng tin cậy, những thiết lập bảo mật, sandbox (giữ lỗ hổng trong một ứng dụng không ảnh hưởng đến các phần khác trên điện thoại) hầu như không tồn tại.

Bên cạnh đó, nhiều ứng dụng còn yêu cầu quyền hạn không rõ ràng, đơn cử như ứng dụng la bàn, cổ phiếu, đồng hồ yêu cầu quyền đọc tin nhắn văn bản. Đây rõ ràng là một dấu hiệu cho thấy nhà sản xuất thiết bị đang cố gắng ăn cắp thông tin người dùng. Evans cũng tìm thấy rất nhiều bằng chứng về một loạt các backdoors, có lẽ được viết bởi nhiều nhà phát triển. Ứng dụng Safari giả sử dụng thư viện tùy chỉnh mở cửa hậu và cho phép tin tặc chạy mã trên điện thoại từ xa. Năm ngoái, Google đã xóa 500 ứng dụng có hơn 100 triệu lượt tải xuống trên Cửa hàng Play vì chúng bao gồm một trong các thư viện đó.

iPhone giả còn được cài sẵn backdoors AdUps, một phần mềm khét tiếng của Trung Quốc từng bị phát hiện trên 43 thương hiệu smartphone trước đó như Lenovo, ZTE, BLU, Archos… Ngoài ra còn có ứng dụng LovelyFont, được cấp gần như mọi quyền hạn và có khả năng thu thập dữ liệu gồm IMEI, MAC, serial của điện thoại và gửi đến máy chủ từ xa.

Về phần cứng, máy sử dụng vi xử lý MediaTek MT6580 thường xuất hiện trên các dòng smartphone Trung Quốc rẻ tiền. Evans cho biết thật khó để tìm ra ai đã là người phát triển chiếc điện thoại, nhưng chắc chắn nó đến từ Trung Quốc.

Có gì bên trong chiếc iPhone X 100 USD?

Giống như các mẫu iPhone khác, thiết bị này có hai đinh vít ở bên cạnh cổng Lightning (thực chất chỉ là những bu lông nhỏ). Cách bố trí nội thất tương tự như iPhone X, trong đó viên pin chiếm phần lớn diện tích bên trái của thiết bị, cổng sạc ở dưới cùng và bảng mạch nằm bên phải. 

CEO của iFixit, Kyle Wiens cho biết chiếc iPhone X giả có thiết kế khá giống với sản phẩm của Apple. Ốc vít được làm bằng nhựa, không có Face ID, pin điện thoại thông thường chứ không phải dạng kép như trên iPhone X.

Sarah Emerson cho biết cô không thấy nhiều thiết bị dạng này ở các thị trường đã đến trước đó. Nếu chỉ xét về thiết kế bên ngoài, chắc hẳn sẽ có không ít người bị nhầm lẫn với iPhone X của Apple trong khi mức giá chỉ bằng 1/10.

Ở Việt Nam, các sản phẩm dạng này tồn tại khá nhiều tại các cửa hàng nhỏ lẻ và thường xuất hiện dưới tên gọi điện thoại Đài Loan, đơn cử như iPhone X Đài Loan, Galaxy S9 Đài Loan… Tuy nhiên, thực chất đây đều là hàng giả đến từ Trung Quốc và được cài sẵn nhiều phần mềm độc hại nhằm mục đích đánh cắp thông tin quan trọng như hình ảnh, tin nhắn, đồng thời âm thầm trừ tiền trên điện thoại…

Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên Kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết, tránh ham rẻ và mua nhầm hàng giả đến từ Trung Quốc để thiệt hại vào thân.

Theo: plo.vn

 

iPhone X gặp lỗi "kỳ lạ" ở Việt Nam, không thể gọi đi lẫn gọi đến

(Techz.vn) Trong 2 tuần trở lại đây, nhiều iPhoneX tại Việt Nam bất ngờ gặp lỗi không thể thực hiện cuộc gọi đi và nhận cuộc gọi đến dù sóng điện thoại vẫn "tràn đầy".