Nền công nghệ của thế giới đang phát triển từng ngày. Các tín đồ công nghệ ngày càng đông đảo. Cùng với xu thế đó là nhu cầu update thông tin về công nghệ ngày một nhiều, từ đó các chuyên trang về công nghệ xuất hiện như nấm mọc sau mưa, phong phú về nội dung, đa dạng về tiêu đề. Tuy nhiên chất lượng các bài viết thì lại không hoàn toàn tương xứng với số lượng. Trên thực tế thì vẫn cón khá nhiều bất cập trong lĩnh vực này.
Nhắc đến chuyên trang công nghệ ngày nay, chúng ta thường nghĩ ngay đến Tinhte.vn, Sohoa.net, Genk.vn,… những trang có thời gian hoạt động khá lâu và rất uy tín. Ngoài ra, còn đến hàng chục các trang công nghệ, các diễn đàn công nghệ lớn nhỏ khác. Tuy nhiên, có một tình trạng chung hiện nay rất dễ nhận thấy đó là các báo có vẻ “na ná nhau”, thậm chí là cả phong cách trình bày cũng như giao diện. Chưa kể bây giờ báo nào cũng có thêm tiểu mục công nghệ. Thứ mà các báo hiện nay thiếu rất nhiều đó là: tin độc quyền (tin tự sản xuất) và phong cách.
Có nhiều lí do cho sự na ná nhau về mặt nội dung tin tức giữa các báo: Đa số các báo đều lấy nguồn tin từ các báo nước ngoài (không được sự đồng ý của các báo này và các báo này cũng không biết là có người dịch bài của họ) rồi về dịch lại, xào xáo thêm chút là được tin. Đây là cách làm tin của đa số các báo công nghệ ngày nay. Không tin, bạn có thể truy cập các wed: Cnet.com, gsmarena.com,Engadget.com… các bạn sẽ thấy các tin ở đây trùng với các tin báo trong nước đưa (hay là họ trích nguồn báo ta???). Các tin tức liên quan đến công nghệ trong nước thì rất nghèo nàn. Số lượng các bài phân tích lại càng ít hơn, chỉ có Pandora.com, Techz.vn, Tinhte.vn là thường xuyên có các bài phân tích. Tại sao lại có tình trạng này xảy ra? Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề này.
1. Khách quan.
Kinh Phí: Các sự kiện lớn về công nghệ đều diễn ra ở nước ngoài, trong khi đa số các báo công nghệ hoạt động ở Việt Nam hiện nay chủ yếu tồn tạu dưới hình thức trang tin hay diễn đàn, nên dễ hiểu tại sao không có đủ kinh phí cho các phóng viên đi săn tin. Kinh phí luôn là vấn đề đau đầu, “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, các báo của chúng ta không thiếu ý tưởng nhưng lại không có điều kiện để trải nghiệm, ví như muốn viết bài về loạt sản phẩm mới ra mắt nhưng các sản phẩm hot thường có giá trên trời, việc liên hệ để mượn sản phẩm không phải luôn dễ dàng, kinh phí eo hẹp thì sao có sản phẩm mà viết bài. Thế là lại nhìn hình viết bài hoặc tham khảo qua các bài đánh giá của các trang nước ngoài.
Kinh phí còn có ảnh hưởng quyết định đến các trang, thiết bị tác nghiệp. Trong khi các báo nước ngoài được hỗ trợ máy ảnh, máy quay chuyên nghiệp, xe nghiệp vụ,… thì các báo công nghệ trong nước ngày nay vẫn phải chịu cảnh “dùng chung”. Sự phát triển của công nghệ chính là sự sáng tạo và cải thiện trong phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề. Các báo làm về công nghệ, nhưng lại không có đủ thiết bị công nghệ để làm báo. Ví dụ như muốn tường thuật trực tiếp 1 sự kiện của Samsung Vina đòi hỏi phải được trang bị đầy đủ trang thiết bị như máy quay, máy phát tín hiệu, các bộ phận xử lí,… thế nhưng không phải đơn vị chủ quản báo nào cũng có thể “vẽ vời” như thế. Nhớ lại sự kiện CES 2012, khi Cu Hiệp của TinhTe.vn được Viettel,HP và một số các hãng khác tài trợ sang tận Las-Vergas, đây là lần đầu tiên phóng viên Việt Nam được đưa tin trực tiếp từ 1 triển lãm công nghệ tầm cỡ thế giới đã thu hút được lượng độc giả lớn chưa từng có và nâng tầm TinhTe.vn thành một trong những trang tin công nghệ lớn nhất Việt Nam ( trước đó họ chỉ nổi tiếng trong giới công nghệ với hình thức diễn đàn thuần túy), và cho đến bây giờ TinhTe.vn vẫn được tài trợ tham gia trực tiếp tại các triển lãm, những đơn vị báo chí ở Việt Nam làm được như này cũng không quá 1 bàn tay. Trong khi đối với báo chí nước ngoài thì việc đến triển lãm trực tiếp là chuyện quá đỗi bình thường hay thậm chí còn bắt buộc. Không phải các báo không muốn đi, mà muốn đi thì tiền đâu? Nói thế để thấy tiền là vấn đề đau đầu như thế nào, hơn nữa trong thời đại khủng hoảng kinh tế bây giờ việc duyệt chi từ 100.000 vnd trở nên đã phải xem xét rồi thì việc cử phóng viên ra nước ngoài làm tin có vẻ hơi không thực tế.
Cộng đồng công nghệ của Việt Nam phát triển mạnh, nhưng chưa đông đảo:
Xét cho cùng, các tín đồ công nghệ đông đảo nhất tại Việt Nam vẫn là sinh viên, một bộ phận giới văn phòng (những người được tiếp xúc với internet hàng ngày). Tỉ lệ sử dụng internet của dân số Việt Nam là 33%, quá nhỏ khi đặt cạnh các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu là 90%, Hàn Quốc ,Nhật Bản là 88%,…trong khi đó, 90% các báo công nghệ phát hành theo hình thức online nên dễ hiểu tại sao các báo của ta vẫn còn thua kém xa các báo nước ngoài. Thêm vào đó là cách tiếp cận thông tin của người Việt Nam, rất lười tổng hợp tin, thay vào đó là “thói quen”: chỉ vào 1 trang ruột là đủ. Người Việt rất ít quan tâm đến các bài phân tích, cái họ cần là những gì mới nhất, nên dễ hiểu tại sao các báo lại điên cuồng đi tìm tin mới bằng mọi giá (translate báo chí nước ngoài bằng Google rồi đăng luôn cho mới). Đúng hơn là trình độ người đọc chưa cao dẫn đến tình trạng các báo không tập trung đầu tư chất xám để phục vụ, có cầu thì ắt sinh cung, người đọc Việt Nam thì chỉ muốn sành điệu, trong khi quá lười suy nghĩ về bản chất. Tin tức thì hữu hạn (mỗi ngày chỉ khoảng 100 tin đáng đưa), dễ hiểu sự trùng lặp là tại sao. Cũng vì trình độ mà ở Việt Nam có đội ngũ Fan cuồng công nghệ đông đảo: iFan, Bbfan,… các bài viết phân tích, nhận định, đánh giá mà có động chạm đến mấy fan này thì nhận được đủ loại “gạch đá”, chưa kể những nhận xét khiếm nhã, thiếu lịch sự thì thử hỏi tại sao các nhà báo ngại viết. Khi mà bạn đọc chưa có khả năng nhìn nhận, đánh giá thì việc đưa quan điểm cá nhân dựa trên ý thức hệ đại chúng vào sẽ không được thấu hiểu rõ ràng. Các bài phân tích trên Techz.vn hay Pandora.vn chưa bao giờ có lượng views vượt qua các bài nói về sản phẩm mới của Apple. Đừng hỏi tại sao các báo không định hình được phong cách.
Đặc biệt là trào lưu “ngại đọc” và “sợ chữ”, cứ thấy bài nào dài là đã có tâm lí không muốn xem,chỉ muốn xem ảnh. Một bài phân tích mà không đủ dài thì chi tiết và sâu sắc thế nào được.
Sự mất cân bằng giữa những gì độc giả muốn đọc và tác giả muốn viết luôn là vấn đề đau đầu. Xã hội bây giờ cũng tỏ ra thờ ơ với chất lượng của các bài viết về công nghệ, từ đó làm mất đi nguồn động lực và cũng là một sự thôi thúc trách nhiệm cho các nhà báo, phóng viên.
Sự thờ ơ của các hãng công nghệ:
Trong khi các báo nước ngoài được các hãng công nghệ,các nhà sản xuất “chăm sóc” khá tận tình thì các báo trong nước lại lang thang vất vưởng đi tìm tài trợ. Các hãng chỉ tập trung vào các báo lớn (không phải chuyên trang công nghệ), hay truyền hình và bỏ bê tất cả các phương tiện truyền thông khác . Hầu hết các hãng nổi tiếng trên thế giới đều đã có mặt ở Việt Nam, nhưng sự kiện các hãng tổ chức thì lại quá ít. Leo lắt chỉ có Samsung, Nokia hay Asus là hay tổ chức sự kiện, còn lại thì hầu như là nặn mất tăm. Rào cản giữa các hãng và các báo là quá lớn, việc liên hệ để mượn sản phẩm hay làm truyền thông gặp rất nhiều khó khăn.
Các hãng là thương hiệu quốc tế nhưng khi làm việc ở Việt Nam lại khá “ki-bo” sản phẩm, thiết bị chuyển qua cho các báo đánh giá rất nhỏ giọt. Hơn nữa các hãng ở Việt Nam cũng từ bỏ luôn hoạt động thông cáo báo chí, thay vào đó là “tẩm ngẩm tầm ngầm” ra mắt sản phẩm. Có lẽ ở Việt Nam có quá nhiều các báo công nghệ nên cảnh phải té khói đuổi theo các nhà sản xuất là tất yếu, có điều nó hơi ngược.
Các rào cản chính trị:
Tự do báo chí ở Việt Nam luôn không bằng các nước phương Tây. Có thể nhiều người sẽ bảo: làm báo công nghệ thì liên quan gì đến chính trị. Quá ngây thơ, ngày nay thì mọi kết cấu xã hội đều liên hệ mật thiết với nhau. Công nghệ ngày nay cũng được sử dụng nhiều vào động cơ chính trị, vì thế rất dễ dẫn đến động chạm. Chưa kể công nghệ cũng là kinh tế, kinh tế với chính trị thì thuộc phạm trù nhân quả rồi.Hãy nhớ lại vụ việc về các công ti viễn thông của Trung Quốc gần đây, các bạn sẽ rõ tầm ảnh hưởng của chính trị nên công nghệ. Khi mà viết một bài cứ có cảm giác bị “soi” quá kĩ từ các cơ quan chức năng thì không thể có sự sáng tạo, chính kiến hay sáng suốt được, đấy lại là những yếu tố cần thiết để phát triển. Các quy định, chế tài về báo chí vẫn còn quá mơ hồ, không rõ ràng dẫn đến việc các cơ quan kiểm duyệt làm việc rất cảm tính, thấy “nhạy cảm” là chỉ đạo phải “gỡ”, trong khi còn chưa có nhìn nhận, đánh giá một cách đầy đủ nhất bản chất vấn đề.
Chúng ta nói không với những luận điệu xuyên tạc, chống phá. Nhưng nên có quy định rõ ràng về “xuyên tạc, chống phá”. Còn không, sẽ vẫn còn tình trạng ấm ức nghề nghiệp của các nhà báo.
2. Chủ quan.
Nghiệp vụ của nhà báo:
Đây là một vấn đề đáng báo động. Người viết bây giờ không có nhiều người có trình độ chuyên môn. Các báo hầu như chỉ sử dụng đội ngũ cộng tác viên đông đảo và hung hãn. Chưa bao giờ việc viết báo lại có thể dễ dàng như thế. Ngày nay, người ta không còn chú trọng đến nghiệp vụ báo chí nữa. Cũng không quan tâm tới tư duy nghề nghiệp. Thay vào đó là muốn những cây viết theo lối mì ăn liền. Khi một bài viết không được quan tâm, bản thân người viết bài phải tự đặt dấu hỏi lớn nhất về năng lực của mình. Sẽ không có chuyện viết hay mà không có ai quan tâm. Tuy xu thế bây giờ là xem hình, nhưng vẫn còn đó rất nhiều độc giả có chiều sâu tư duy. Nên nhớ rằng chúng ta là người dẫn dắt vấn đề, chúng ta là người gợi mở cho độc giả, độc giả không hiểu được thì chúng ta đã thất bại.
Báo chí ngày nay không có phong cách cũng phần nhiều vì bản thân những người làm báo không có chuyên môn, gặp vấn đề trong cách chọn chủ đề viết. Thử nhìn lại các bài viết của các nhà báo, có một số bài đề cập đến những vấn đề quá cao xa nhưng manh mún. Báo chí là phục vụ đại chúng, không phải hướng đến bộ phận nhỏ.
Hẳn mọi người vẫn còn nhớ đến thời kì báo in chứ. Khi mà độc giả lật giở từng trang, đọc kĩ từng chữ, những nhà báo thời đó thổi cả lương tâm nghề nghiệp và ý thức chuyên môn vào từng câu chữ. Qua rồi cái thời đó, cơ chế thị trường, các nhà báo ngày nay không còn để ý tới nghiệp vụ nữa, thay vào đó là tạo dựng quan hệ để có tin.
Việc trình độ chuyên môn của nhà báo ngày nay có vấn đề có nguyên nhân chủ yếu từ nền giáo dục. Thử hỏi ở Việt Nam có bao nhiêu trường đại học đào tạo chuyên ngành báo chí? Học viện Báo chí và Tuyên truyền giờ đây còn mở thêm khá nhiều ngành mới. Số lượng trang tin tăng vọt, nhưng hệ thống đào tạo thì lại xuống cấp. Thời đại tân tiến bây giờ mà vẫn không chịu cải cách giáo dục thì sao mà phát triển được nhân lực. Mô hình giáo dục bây giờ chỉ phù hợp với thời kì báo in, số lượng ít, nhu cầu tin mới là không nhiều còn bây giờ là thời đại của cả số lượng và chất lượng, hệ thống đào tạo đã lạc hậu; các tiền bối, cao nhân thì bắt đầu lui về hậu trường thì thì báo chí phát triển hỗn độn là đương nhiên.
Kĩ năng săn tin, viết bài của nhà báo ngày nay cũng bị đặt dấu hỏi. Thời đại công nghệ thông tin, con người ta có xu hướng ngồi trước màn hình nhiều hơn là đưa tay cầm lái. Có một bộ phận nhà báo ngày nay quá lười, không có ý thức nghề nghiệp. Đổ lỗi cho kinh phí, rào cản này nọ cũng được; nhưng con người được sinh ra với khả năng thích nghi, tại sao lại không nghĩ ra cách săn tin phù hợp? Giá trị của phóng viên là việc săn tin, năng lực của nhà báo là số lượng độc giả. Rõ ràng khả năng nắm bắt, nhìn nhận thực tế của đội ngũ phóng viên, nhà báo ngày nay có vấn đề. Họ bị thụ động hóa trong việc đưa tin, họ không thực sự hiểu độc giả muốn gì và độc giả phải thu được gì sau bài viêt.
Để những người không có chuyên môn, lại không có cả tinh thần cầu thị làm báo thì bây giờ việc đầu voi, đuôi chuột, giật tít câu views là đương nhiên. Đi sâu vào trang tin công nghệ, ngoài nghiệp vụ chuyên môn là làm báo, còn cần phải có kiến thức về công nghệ và một niềm đam mê thực thụ với công nghệ. Các trang công nghệ ngày nay hầu như chỉ có đam mê công nghệ, viết theo bản năng. Đấy chính là lí do vì sao các trang chưa có độ phủ rộng ra toàn cộng đồng mà chỉ phục vụ một bộ phận ham công nghệ. Hãy nhìn sang báo thể thao đi, nó cũng chuyên biệt hóa lĩnh vực hoạt động, nhưng cộng đồng vẫn quan tâm dù cho nó liên quan nhiều đến giải trí, còn công nghệ thậm chí còn phục vụ chính cuộc sống.
Nguy hiểm nhất chính là năng lực của các nhà quản lí, họ không có kiến thức và định nghĩa chuyên môn, họ nắm trong tay cả tờ báo và vạch ra đường lối chiến lược. Bất cập ở đây là để một người không có kiến thức đủ sâu về báo chí thì sao mà có thể vạch ra đường lối chiến lược đúng đắn chứ. Không có chiến lược phát triển đúng đắn, báo phát triển như nào?
Mục đích hoạt động của các báo là lợi nhuận:
Ngành báo công nghệ bây giờ đang dần trở thành một công cụ marketting thuần túy của các hãng, các nhà báo nhận hoa hồng theo tỉ lệ “khen”, có hiện trạng này trách nhiệm trực tiếp phải quy về chính là người viết bài, họ gạt qua một bên tiêu chí nghề nghiệp và lấp đầy nó bằng tiền. Các báo mạng ngày nay thì chỉ chú trọng đến lượng views để tăng giá treo baner. Khi mà kinh doanh được chú trọng quá mức thì chất lượng chuyên môn phải thuyên giảm. Còn đâu sự trăn trở nghể nghiệp hay trách nhiệm ngòi bút? Mà nói thật là chủ của các báo không quan tâm, cứ có tiền đi rồi hãy bày tỏ quan điểm cá nhân.
Không nắm bắt được xu thế chung của ngành báo chí thế giới:
Các báo công nghệ của Việt Nam bây giờ rất thực tế, nhưng lại không nắm bắt được xu thế. Chúng ta cứ mải miết chạy theo những quy chuẩn đã thành hiện thực trong khi rất lười tìm hiểu về các tham chiếu phát triển. Chúng ta cố gắng để giống các báo lớn chứ không có ý thức tạo ra cái gì thực thụ. Cách tiếp cận nguồn tin của các báo không có nhiều khác biệt đặc trưng và hầu như đang bị lạc hậu. Nhìn sang cách mà tờ The Sun moi móc thông tin thì sẽ thấy chúng ta đi sau xu thế bao lâu. Hay cái cách mà các báo làm lộ thông tin của Apple, chúng ta có đủ “trình”? Đến đây sẽ xuất hiện câu hỏi: báo chí ngày nay có còn tôn trọng quyền tự do? Câu trả lời phụ thuộc vào cái cách định nghĩa về tự do. Nhưng riêng đối với báo chí, có 1 quyền tự do tuyệt đối đó là : Quyền tự do được tiếp cận thông tin của độc giả. Đây là vai trò,trách nhiệm và cũng phải là xu thế của báo chí. Chúng ta phục vụ độc giả.
Tiên trách kỉ, hậu trách nhân. Chúng ta sống trong môi trường không có đủ điều kiện để báo chí phát triển, nhưng không làm tốt thì chứng tỏ chúng ta không đủ trình độ và mạnh mẽ thích nghi.Nói thế để mỗi người làm báo chúng ta hãy tự ý thức đúng đắn về nghề nghiệp của mình.
Thế đấy, một người làm báo nói về nghành báo, vẫn rất “nhiều chữ” và chắc chắn sẽ còn thiếu sót. Nếu bạn đã đọc đến đây rồi thì đã là một sự thành công của tôi, rất cám ơn các ban. Và đây cũng chỉ là một góc nhìn của người trong nghành, không phải một sự quy chụp, sự phán xét tối cao của chúng tôi chính là các bạn, những độc giả.
Nhân ngày Báo chí Cách Mạng Việt Nam, xin gửi lời chúc tới tất cả các cá nhân, tổ chức hoạt động trong nghành báo chí ngày một phát triển. Đặc biệt các anh em công tác trong nghành báo công nghệ như mình sẽ có nhiều bài được Cnet hoặc Engadget thông dịch lại.