Blog công nghệ

Sự nguy hiểm đằng sau đồ công nghệ "Made in China"

Sự nguy hiểm đằng sau đồ công nghệ

Trong những năm trở lại đây, ngoại trừ các sản phẩm công nghệ đến từ những thương hiệu lớn như Apple, Sony, Dell ... được sản xuất tại Trung Quốc, thì hầu hết mặt hàng còn lại có mác "Made in China" đều khiến người dùng phải dè chừng bởi ẩn chứa sau đó là nhiều mối nguy hiểm khó lường.

Không khó để liệt kê ra những "cú phốt" mà đồ công nghệ đến từ Trung Quốc đã gây ra tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Để đổi lấy mức giá rẻ mạt cho những mặt hàng này, người dùng phải đối mặt với các nguy cơ như mất thông tin cá nhân, bị theo dõi hoặc cuốn theo những mưu đồ chính trị bất chính.

Đồ gia dụng gắn chip gián điệp

Hồi cuối năm 2013 vừa qua, dư luận thế giới hết sức xôn xao về vụ việc các mẫu ấm đun nước và bàn ủi Trung Quốc bị phát hiện có vi mạch gián điệp được gắn bên trong. Các vi mạch này có khả năng khai thác các mạng Wi-Fi không đặt mật khẩu ở phạm vi lên tới 200m. Nhờ đó chúng có thể phát tán mã độc và gửi dữ liệu tới máy chủ nước ngoài.

Mẫu ấm đun nước và bàn ủi Trung Quốc bị phát hiện có vi mạch gián điệp được gắn bên trong.

 
 

Có nhiều cách để chip gián điệp chia sẻ thông tin đã ăn cắp được đến kẻ chủ mưu. Phổ biến nhất là qua kết nối WiFi công cộng, nhất là những mạng không cài đặt mật khẩu sẽ giúp việc truyền thông tin được dễ dàng hơn rất nhiều.

Tuy nhiên nguy hiểm nhất phải kể đến cách truyền dữ liệu sử dụng sóng 3G. Phương thức này sẽ rất khó bị phát hiện bởi nó hoàn toàn độc lập và gần như không thể bị ngăn chặn so với kiểu "câu" trộm WiFi. Ngoài ra nếu dùng 3G thì thiết bị sẽ không bị giới hạn bởi không gian và thời gian như với WiFi.

Việc phát hiện ra đồ gia dụng của mình đang sử dụng có gắn chip gián điệp hay không là gần như không thể với người dùng cá nhân. Bởi các loại chip này có khối lượng rất nhỏ, chỉ vài gram nên không đủ nặng để tạo ra sự khác biệt so với đồ không gắn thiết bị theo dõi.

Nghi án gián điệp viễn thông

Hồi tháng 4/2013, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật yêu cầu các cơ quan chính phủ không được phép sử dụng các thiết bị công nghệ do các công ty được “sở hữu, chỉ đạo hoặc tài trợ bởi Trung Quốc” “sản xuất, chế tạo, lắp ráp” nếu không được sự cho phép của cơ quan thực thi pháp luật liên bang.

Mục tiêu chính của đạo luật này nhằm vào công ty viễn thông Huawei và ZTE đến từ Trung Quốc. Hai công ty trên bị nghi ngờ đã cung cấp các thông tin mật của các hệ thống liên lạc nước ngoài cho chính phủ Trung Quốc.

Nghi án các công ty công nghệ Trung Quốc cung cấp các thông tin mật của các hệ thống liên lạc nước ngoài cho chính phủ.

 
 

Trước đó, chính phủ Úc cũng đã ban hành lệnh cấm sử dụng các thiết bị của Huawei cho Hệ thống Băng thông Rộng Quốc gia của nước này. Đồng thời không cho phép Huawei tham dự đấu thầu dự án xây dựng đường truyền băng thông rộng trị giá gần 38 tỉ USD. Các nước khác như Canada, Ấn Độ cũng hết sức đề phòng trước những hiểm họa an ninh mà phía công ty Trung Quốc có thể mang lại.

Tại Việt Nam, các mẫu điện thoại cố định, di động, USB 3G .... đến từ các thương hiệu Huawei và ZTE hiện đang khá phổ biến. Không chỉ có thế, đây cũng là đối tác chính trong việc cung cấp thiết bị hạ tầng cho nhiều nhà mạng như Viettel, VinaPhone, MobiFone hay Vietnamobile.

Mặc dù chưa ghi nhận được các hoạt động gián điệp nào của các công ty viễn thông Trung Quốc tại Việt Nam, tuy nhiên với những động thái đề phòng rõ rệt của các quốc gia khác, vấn đề này cũng cần có sự quan tâm đặc biệt trong thời gian tới.

Xem thêm:  Huawei: "Sặc mùi" Trung Quốc

WeChat có “đường lưỡi bò”

Tại thời điểm đầu năm 2013, WeChat, đến từ hãng phần mềm Trung Quốc - Tencent, là một trong những ứng dụng chat và gửi tin nhắn miễn phí có lượng người dùng thuộc vào hàng lớn nhất thế giới. Ở Việt Nam, WeChat luôn nằm ở vị trí dẫn đầu so với các phần mềm chat, nhắn tin miễn phí qua Internet khác, thậm chí có thời điểm ứng dụng này đã đạt mốc 2 triệu người dùng tại nước ta.

WeChat phiên bản tiếng Trung Quốc có sự xuất hiện của cái gọi là “đường lưỡi bò”.

 
 

Mặc dù phía WeChat từng không ít lần khẳng định, việc họ tiến vào thị trường Việt Nam chỉ đơn thuần là hoạt động kinh doanh và không có động cơ chính trị, tuy nhiên thực tế diễn ra loại hoàn toàn trái ngược.

Cuối tháng 1/2013, người dùng Việt Nam đã phát hiện WeChat phiên bản tiếng Trung âm thầm đưa "đường lưỡi bò" vào bản đồ thế giới. Còn đối với bản tiếng Việt và tiếng Anh, tính năng bản đồ trên WeChat không có sự hiện diện của 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Ngay sau đó, làn sóng tẩy chay WeChat đã bùng lên mạnh từ phía người dùng Việt. Cũng từ thời điểm này WeChat dần biến mất khỏi bảng xếp hạng các phần mềm chat, nhắn tin miễn phí được ưa thích nhất tại nước ta.

Xem thêm:  WeChat: Công cụ xâm lược thời đại số của Trung Quốc?

Theo: ĐSPL