Những cú báo động đỏ
Sau những thông tin về tình hình kinh doanh có phần ảm đạm của HTC, ngành công nghệ toàn cầu lại đứng trước một cú sốc nữa khi mà mới đây, Sony là tên tuổi lớn tiếp theo rơi vào trạng thái báo động đỏ.
Sự tồn vong của Sony càng trở nên nguy cấp hơn khi cả Fitch Group và Moody’s, 2 trong số bộ 3 được xếp vào hàng ông lớn trong các cơ quan xếp hạng tín dụng của thế giới tỏ ra quan ngại về điều này. Trong thang bảng xếp hạng của Fitch Group và Moody’s, mức độ tín nhiệm của Sony đã được hạ xuống junk (tức là thấp hơn cả các tiêu chuẩn thông thường). Điều này đồng nghĩa với việc, Sony hiện không phải là một kênh đầu tư đem lại hiệu quả và đáng để các nhà đầu tư kỳ vọng.
Chưa bao giờ tình hình kinh doanh của Sony lại trở nên bi đát đến thế (Ảnh: Internet)
Sự tụt dốc không phanh về kết quả tín nhiệm đến từ tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa của Sony năm vừa qua. Theo các con số thống kê, trong quý thứ 2 của năm tài khóa (tính từ tháng 6 đến tháng 9, do năm tài khóa thường bắt đầu vào tháng 3 hàng năm), doanh thu của Sony đạt 17.4 tỷ đô la, tăng đến 7.2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại phải chịu khoản lỗ lên tới 1.2 tỷ đô la Mỹ.
Đáng buồn hơn khi phần thua lỗ này đến từ mảng kinh doanh điện thoại di động của Sony, bộ phận luôn được coi là lá cờ đầu của tập đoàn đến từ Nhật Bản. Các số liệu đã cho thấy chỉ trong vòng vài tháng vừa qua, mảng di động của Sony đã thua lỗ 1.6 tỷ đô la, và là nguyên nhân chính dẫn đến tình hình bi đát của Sony ở thời điểm hiện nay.
Dù chưa bao giờ thực sự được cho là một mảng kinh doanh thế mạnh, Dịch vụ mạng và Game chính là mảng đem lại lợi nhuận lớn nhất cho Sony trong quý 2 của năm 2014. Với doanh số bán ra kỉ lục của PlayStation 4, Dịch vụ mạng và Game đã đem về cho Sony khoảng 2.8 tỷ đô la, trong đó gồm 200 triệu đô la tiền lợi nhuận.
PlayStation 4 gây bất ngờ khi là sản phẩm đem lại lợi nhuận cao nhất sau 2 quý đầu của năm tài khóa này (Ảnh: Internet)
Mảng kinh doanh giải trí gia đình và âm thanh của Sony cũng có một quý làm ăn thắng lợi, với tổng doanh thu 2,6 tỉ đô la, đạt lợi nhuận ròng 73 triệu đô la. Bộ phận còn lại là mảng thiết bị nói chung của Sony, bao gồm dụng cụ bán dẫn, pin, thiết bị ghi âm đạt lợi nhuận kinh doanh 271 triệu đô la trong tổng tiền thu về là 2,3 tỉ đô la Mỹ.
Như vậy, có thể thấy về kết quả kinh doanh nói chung Sony đều gặt hái được những thành công nhất định. Riêng với mảng kinh doanh thiết bị di động, con số thua lỗ quá lớn của bộ phận trên đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tình hình kinh doanh chung của cả tập đoàn.
Kết cục nào đang chờ đợi Sony?
Theo những dự đoán của các tổ chức tín dụng hàng đầu khu vực Bắc Mỹ và châu Âu, triển vọng lợi nhuận thường niên trong cả năm 2014 của Sony càng tỏ ra bi đát hơn với số lỗ dự tính lên đến 2.1 tỷ đô la Mỹ.
Những sự thay đổi đã được đưa ra để vực lại Sony (Ảnh: Internet)
Trước tình hình kinh doanh xuống dốc quá bất ngờ của mảng thiết bị di động, giới lãnh đạo Sony đã ngay lập tức có sự điều chỉnh. Theo đó, người sẽ phải ra đi là Kunimasa Suzuki, chủ tịch và CEO của Sony Mobile kể từ tháng Tư năm 2012. Thay thế cho sự ra đi của người tiền nhiệm Suzuki sẽ là Hiroki Totoki, người hiện đang nắm vai trò phó chủ tịch cấp cao phụ trách mảng Chiến lược kinh doanh của hãng điện tử đến từ Nhật Bản.
Với sự thay đổi này, giới lãnh đạo Sony đang kỳ vọng Totoki sẽ giúp vực dậy mảng di động của Sony và biến nó trở thành một cỗ máy hái ra tiền như dự án Play Station 4. Tuy nhiên, con đường mà Totoki phải vượt qua sẽ không hề đơn giản. Liệu Totoki sẽ vực dậy được con tàu đắm Sony như những gì John Chen đã và đang làm với BlackBerry? Có lẽ chỉ có thời gian mới có thể tìm ra câu trả lời.