Ứng dụng

'Số phận' lận đận của hệ điều hành Meego

Từng được coi là một trong những nền tảng tiềm năng nhất khi mới ra mắt, MeeGo sớm bị "cha đẻ" Nokia bỏ rơi trong khi vẫn chưa được khai thác tối ưu.


 

Maemo, tiền thân của MeeGo, được tạo ra bởi một nhóm phát triển vào năm 2005. Do sở hữu nguồn lực nhỏ và buộc phải mời các công ty khác thầu lại dự án nên nhóm phát triển phải "đau đầu" trước nhiều sự lựa chọn. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là phải chọn ra linh kiện rẻ nhất để giảm chi phí sản xuất, tiếp đến là tính đến không gian chứa linh kiện cần thiết, cuối cùng, nếu phần cứng cho hiệu suất thấp thì buộc phải tối ưu hoá bằng phần mềm.

Hơn nữa, mặc dù được phát triển với tốc độ nhanh chóng nhưng dự án này lại không có người lãnh đạo cũng như những sự hỗ trợ cần thiết từ các chuyên gia trong ngành. Việc này dẫn đến việc không có người giám sát và các nhà thầu phụ đua nhau "ăn chặn" bằng cách thay thế các chuyên gia bằng nhân sự có năng lực kém hơn. Sau một thời gian, quy mô của nhóm phát triển này ngày một mở rộng, tỷ lệ thuận với tệ quan liêu trong đó. Kết quả là sản phẩm cuối cùng không được hoàn chỉnh, thậm chí còn gặp nhiều vấn đề về chất lượng, từ lập trình cho đến các tính năng liên lạc.

N810 là một trong những "nạn nhân" của cuộc chiến giữa Symbian và Maemo. Ảnh:Flickr.

"Chính trị", hay mong muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của các lãnh đạo trong nội bộ Nokia, cũng là nguyên nhân khiến cho Maemo không được khai thác tối đa. Thậm chí điều này còn gây ra cảnh "gà cùng một mẹ đá nhau" của Symbian và Maemo. Nokia N810 là một trong những "nạn nhân" của cuộc chiến này. Theo Cnet, thời điểm model này ra đời đã khiến cho ban giám đốc Symbian không khỏi lo sợ về việc các mẫu điện thoại dòng Communicator bị N810 cạnh tranh. Cuối cùng, sản phẩm này loại bỏ đi tính năng đàm thoại không thương tiếc và trở thành "máy tính bảng Internet".

Tuy vậy, Maemo vẫn được phát triển cho tới khi sáp nhập vào dự án Moblin của Intel vào năm 2010 để trở thành MeeGo. Nhiều người cho rằng hệ điều hành mới sẽ thu hút được nhiều nhà sản xuất phần cứng và một số thiết bị chạy MeeGo sẽ sớm ra mắt vào thời điểm đó. Nhưng suy đoán ấy hoàn toàn sai lầm, nội bộ MeeGo vẫn gặp vấn đề, các thành viên trong nhóm dần mất phương hướng và quá trình phát triển hệ điều hành này ngày một chậm lại.

Nokia N9 ra mắt rầm rộ nhưng nhanh chóng bị giảm sức hút do nhà sản xuất không có kế hoạch phát triển lâu dài. Ảnh: Nokia.

Tại sự kiện CommunicAsia năm 2011, mẫu điện thoại MeeGo đầu tiên của Nokia là N9 cũng ra mắt người dùng. Mặc dù vậy, lãnh đạo hãng Phần Lan lúc này chỉ đơn thuần tung ra sản phẩm mới chứ không có bất kỳ chiến lược lâu dài nào cho dòng máy chạy MeeGo trong tương lai. Một thời gian sau, Stephen Elop, lúc đó mới lên chức CEO của Nokia, đã công bố bắt tay với Microsoft, "kết duyên" với hệ điều hành mới là Windows và bỏ lại MeeGo ở phía sau.

Để giải thích cho quyết định chuyển hướng nhanh chóng của mình, CEO của Nokia nói rằng cuộc chiến giữa các thiết bị giờ đã trở thành cuộc cạnh tranh giữa nhiều hệ sinh thái khác nhau. Những người tham gia vào cuộc chiến này không chỉ có nhà sản xuất thiết bị mà còn có các nhà phát triển phần mềm, công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm, marketing trực tuyến, địa điểm và mạng xã hội. Điều này buộc Nokia phải quyết định xem nên tự tạo ra một hệ sinh thái cho mình hay gia nhập vào một nhóm đã có sẵn. Nếu không làm được điều này, toàn bộ thị phần thuộc mọi lĩnh vực của hãng này sẽ bị ảnh hưởng.

Hệ điều hành MeeGo tiếp tục được phát triển tại công ty Jolla. Công ty này do một thành viên trong đội nghiên cứu cũ của Nokia sáng lập.

Dù bị bỏ rơi nhưng MeeGo vẫn chưa hoàn toàn chết hẳn. Sau khi Nokia bắt tay với Microsoft, một nhân viên của hãng Phần Lan đã xin nghỉ việc và thành lập nên một công ty phát triển MeeGo mới có tên Jolla. Hệ điều hành MeeGo sau đó đã được nâng cấp lên phiên bản mới mang mã hiệu là "Sailfish". Sản phẩm này được dựa trên nền tảng Qt. Theo dự kiến, Jolla sẽ cấp phép sử dụng "Sailfish" cho các nhà sản xuất phần cứng khác vào đầu năm 2013. Nhiều nguồn tin cho biết hệ điều hành MeeGo mới có thể sử dụng trên máy tính bảng và TV.

Trong thời gian tới, công ty Jolla sẽ ra mắt người dùng giao diện mới cũng như bộ SDK (bộ kit phát triển phần mềm) của "Sailfish" vào ngày 21 và 22/11 sắp tới.

Thanh Tùng/Số Hóa