Doanh nghiệp

Sở hữu 65 nghìn tỷ, cặp đôi Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang vào danh sách tỷ phú Forbes?

Với khối tài sản khoảng 40.000 tỷ và 25.000 tỷ, nhiều khả năng, hai đại gia này sẽ có tên trong bảng danh sách xếp hạng tỷ phú USD vào tháng 3 tới đây.

Forbes, tạp chí nổi tiếng với bảng xếp hạng tỷ phú USD, mới đây đã có những thông tin cập nhật liên quan tới ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Masan và ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank.

Forbes cập nhật thông tin về 2 đại gia Nguyễn Đăng Quang, Hồ Hùng Anh

Tuy chưa cập nhật con số tài sản cụ thể mà 2 doanh nhân này sở hữu, những những thông tin cá nhân cũng như hoạt động kinh doanh đầu tiên của cả 2 đã được tạp chí này thống kê.

Theo mô tả ban đầu của Forbes về 2 vị doanh nhân này có điểm chung đều là doanh nhân tự thân, làm giàu từ ngành hàng tiêu dùng và ngân hàng.

Việc thông tin về 2 đại gia này được xuất hiện cạnh 4 tỷ phú USD Việt Nam trong danh sách trước đó của Forbes gồm ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch HĐQT Vingroup), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO Vietjet), gia đình ông Trần Bá Dương (Chủ tịch HĐQT Thaco) và ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Hòa Phát), kỳ vọng sẽ giúp nâng tổng số tỷ phú Việt lên con số 6 trong bản danh sách tỷ phú USD của Forbes.

Trước đó, trong 2 năm trở lại đây, Việt Nam đều có thêm nhiều gương mặt mới gia nhập những tỷ phú USD của Forbes. Đơn cử như CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo vào năm 2017; Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long và Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương vào năm 2018.

Dự kiến, đầu tháng 3 tới, danh sách tỷ phú thế giới năm 2019 sẽ chính thức công bố.

Được biết đến là một trong những gương mặt thành công nhất của nhóm những doanh nhân "khởi nghiệp tại Đông Âu", bộ đôi doanh nhân Nguyễn Đăng Quang - Hồ Hùng Anh đã thành công với lĩnh vực mì gói, tương ớt tại thị trường Nga.

Sau khi về nước, 2 doanh nhân này đã tiến hành xây dựng Masan Group với khởi đầu là Masan Food cũng như đầu tư vào ngân hàng Techcombank.

Tính đến cuối tháng 2.2019, cả Masan Group và Techcombank đều nằm trong Top 10 doanh nghiệp lớn nhất sàn HoSE với vốn hóa thị trường trên dưới 100.000 tỷ đồng. Vốn hóa thị trường của cả 2 doanh nghiệp này chỉ kém Vingroup của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.

Về giá trị tài sản, hiện tại ông Hồ Hùng Anh cùng mẹ, vợ, con trai và em dâu đang nắm giữ 17,02% cổ phần của Techcombank, trị giá hơn 16.000 tỷ đồng cùng với khoảng 1.000 tỷ đồng cổ phiếu Masan Group. Tính cả phần sở hữu gián tiếp qua Masan Corp, tương ứng trên 22.000 tỷ đồng, ông Hồ Hùng Anh và gia đình đang sở hữu cả khối tài sản trị giá gần 40.000 tỷ đồng.

Trước khi lên sàn, tổng tài sản của gia đình ông Hồ Hùng Anh tại Techcombank ước tính lên tới 25.401,1 tỷ đồng. Như vậy, ông Hồ Hùng Anh hiện đang là vị đại gia gốc Đông Âu giàu có nhất ngành ngân hàng.

Trong khi đó, ông chủ tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang gián tiếp nắm quyền kiểm soát Masan Group thông qua 2 pháp nhân là CTCP Masan (Masan Corp) và Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương, công ty do Masan Corp sở hữu 100% vốn. Masan Corp và Hoa Hướng Dương đang nắm giữ gần 45% cổ phần của Masan Group, trị giá hơn 46.700 tỷ đồng theo thị giá hiện tại (giá MSN chốt phiên giao dịch ngày 27.2 tại 89.900 đồng/cp).

Với 49,05% cổ phần của Masan Corp thì vợ chồng ông Nguyễn Đăng đang gián tiếp nắm giữ lượng cổ phiếu Masan Group trị giá 23.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Quang còn sở hữu 9.403.176 cổ phiếu TCB và 112.920 cổ phiếu tại công ty Cổ phần Tư vấn Công nghệ, Thiết bị và Kiểm định Xây dựng - CONINCO (CNN)

Cộng cả lượng cổ phiếu Masan Group và Techcombank đang trực tiếp nắm giữ thì vợ chồng ông Nguyễn Đăng Quang - bà Nguyễn Hoàng Yến đang trực tiếp và gián tiếp sở hữu khối tài sản trị giá trên 25.000 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của Techcombank và Masan

Trong năm 2018, Techcombank của đại gia Hồ Hùng Anh đã ghi nhận kết quả kinh doanh đạt kỷ lục với lợi nhuận trước thuế 10.661 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2017. Đây cũng là ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận trong khối ngân hàng tư nhân và trong cả hệ thống Techcombank đứng vị trí thứ 2 sau Vietcombank về con số lợi nhuận.

 

Techcombank của đại gia Hồ Hùng Anh "á quân" lợi nhuận năm 2018

Năm 2018, lợi nhuận trên tổng tài sản (ROAA) của Techcombank đạt 2,9%, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROEA) đạt 21,5%, tỷ lệ nợ xấu 1,8%. Vốn chủ sở hữu của ngân hàng đạt 52 nghìn tỷ đồng, cũng là mức cao nhất trong nhóm ngân hàng tư nhân.

Còn theo báo cáo tài chính quý IV.2018 của Masan, trong quý IV vừa qua, MSN đạt hơn 11.557,9 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, doanh thu tài chính giảm mạnh từ 1.045 tỷ đồng xuống còn 142,8 tỷ đồng, đồng thời chi phí tài chính cũng giảm 36%.

Các khoản chi phí khác gồm bán hàng, quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ từ 11-15%, ghi nhận tương ứng 1.404,7 tỷ đồng và 632 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận trước thuế của Masan trong kỳ đạt 1.439,5 tỷ đồng và sau thuế 1.285,4 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan

Lũy kế trong năm 2018, Masan của ông Nguyễn Đăng Quang ghi nhận hơn 38.187,6 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ so với năm trước.Trong đó, doanh thu thuần trong nước đạt 31.872,8 tỷ đồng, giảm 2,1% so với năm 2017 trong khi đó doanh thu thuần nước ngoài tăng trưởng 25%.

Lợi nhuận trước thuế của Masan đạt 6243,8 tỷ, tăng gần 51% so với năm liền trước, lãi ròng 5.622 tỷ đồng. Lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 4.916,5 tỷ đồng, tăng trưởng 58% so với năm trước và vượt kế hoạch gần 23%. Lãi cơ bản trên một cổ phiếu (EPS) lên mức 4.561 đồng.

Tại thời điểm 31.12, tổng tài sản của Masan đạt hơn 64.578,6 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu 34.079,7 tỷ đồng, tăng 68,5% so với đầu năm. Nợ phải trả tăng nhẹ từ 15.533 tỷ lên 15.795,5 tỷ đồng.

Theo: Dân Việt

 

TT Donald Trump, Chủ tịch Kim Jong-un gặp nhau: Tỷ phú Việt chốt luôn vụ lớn

(Techz.vn) Tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo và tỷ phú Trịnh Văn Quyết có thể sẽ là tâm điểm trong các thỏa thuận nhiều tỷ USD trong thời gian diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội.