Doanh nghiệp

Shark Lê Đăng Khoa và áp lực “con nhà giàu khởi nghiệp”: Dùng tiền túi lập công ty riêng, ba mẹ luôn nghĩ “Nó sẽ thất bại và phải trở về”

Gặp Lê Đăng Khoa - người thường được gọi là Shark Khoa sau chương trình Shark Tank Việt Nam - tình cờ đúng một ngày sau sinh nhật mẹ anh. Những xúc cảm về gia đình, về ba mẹ, về chuyện khởi nghiệp dường như với Khoa, dễ để chia sẻ hơn.

Trở về từ Mỹ, Khoa gắn bó với Ba Lá Xanh, công ty phân bón do ba anh điều hành. Anh đảm nhiệm vai trò hỗ trợ ba trong việc ra sản phẩm mới, phát triển kinh doanh…. Sau này, anh "trả" lại công ty cho ba và đi theo con đường riêng của mình.

"Trong mắt ba mẹ, dù tôi có 40 tuổi thì vẫn như 15 tuổi. Sẽ vẫn là những câu hỏi kiểu như: Con ăn cơm chưa? Con ngủ ngon không?", Khoa nói. "Nhưng giờ ba đã thấy tôi 'dữ dằn' hơn, qua những gì mắt thấy tai nghe, dù còn rất nhỏ bé".

Shark Lê Đăng Khoa và áp lực “con nhà giàu khởi nghiệp”: Dùng tiền túi lập công ty riêng, ba mẹ luôn nghĩ “Nó sẽ thất bại và phải trở về” - Ảnh 1.

Chàng trai sinh năm 1983 cho biết, anh đã trải qua những giai đoạn khủng hoảng, mất niềm tin vào chính mình và cảm thấy mình “vô dụng”. Đó là khi làm ở Ba Lá Xanh được 4 năm thì Khoa bắt đầu khởi nghiệp mở công ty bao bì vì thấy thị trường lớn rất lớn. 6 tháng sau thì công ty khởi nghiệp đóng cửa.

“Cú tát” đầu đời khiến Khoa chiêm nghiệm được nhiều điều và giúp Khoa xây dựng hoặc đầu tư vào nhiều startup như hoa, bánh, quán cafe, bóng rổ… như ngày hôm nay.

Bắt đầu làm việc ở công ty của ba khi mới 22 tuổi và mới trở về Việt Nam, áp lực mà Khoa gặp phải lúc đó như thế nào?

Áp lực lúc đó rất nhiều. Đó là áp lực của một người chưa có kinh nghiệm và làm việc trong công ty phân bón truyền thống. Nhân viên toàn từ 40 - 50 tuổi. Để thay đổi rất khó.

Tôi học bên Mỹ và chuyên ngành tâm lý. Khi trở về nước và dấn thân vào kinh doanh thì thấy thiếu hụt kiến thức mảng này nên đã đi học fulltime.

Tôi quan niệm, cái gì không biết thì phải học. Phải có căn bản, nền móng trước sau đó mới biết mình cần tham khảo thêm tài liệu gì, học cái gì.

Tôi rất stress trong những thời gian đầu làm ở Ba Lá Xanh vì trẻ tuổi, lại phải giữ trọng trách lớn nhưng đó lại là động lực rất lớn. Tôi thấy mình cần tập trung, nói ít làm nhiều để người ta thấy được bản lĩnh, khả năng của mình.

Nghe nói, anh đã khởi nghiệp trong thời gian làm ở Ba Lá Xanh?

Đó là khoảng năm thứ 4 làm ở Ba Lá Xanh. Tôi đã khởi nghiệp với một công ty bao bì. Lý do vì thấy thị trường quá lớn, do hàng ngày, Ba Lá Xanh phải nhập số lượng lớn các loại bao bì. Tuy nhiên công ty chỉ hoạt động được 6 tháng thì phải đóng cửa.

Tôi rút ra rằng thất bại hồi đó là vì kinh nghiệm không có, về cả sản xuất, mua máy móc, xây dựng đội ngũ. Tôi sản xuất ra sản phẩm mà giá còn cao hơn là mua bao bì của đối tác. Tôi trắng tay. Buồn hơn nữa là ba mẹ mắng chẳng ra gì.

Phải 5 năm sau, tôi mới dám khởi nghiệp tiếp. Và đó là những công ty như hoa, bánh, quán cafe, nail, công ty thiết kế… ngày hôm nay.

Khoa đã vượt qua những cảm giác thất bại đó như thế nào?

Khi đó, cảm giác mất niềm tin vào bản thân thật kinh khủng. Không phải tự kỷ mà mình nghĩ, chắc có thể do mình quá tự tin vào bản thân, mình không giỏi như mình nghĩ.

Cá nhân tôi nghĩ, giờ tôi vẫn là học sinh và vẫn còn phải học quá nhiều. Và hiện tại, vẫn đang phải sống với áp lực kinh khủng. Áp lực làm thế nào để các công ty của mình mạnh lên, vẫn sống sót trên thương trường.

Shark Lê Đăng Khoa và áp lực “con nhà giàu khởi nghiệp”: Dùng tiền túi lập công ty riêng, ba mẹ luôn nghĩ “Nó sẽ thất bại và phải trở về” - Ảnh 3.

Gia đình Khoa có khuyến khích khởi nghiệp không?

Ba mẹ tôi chưa bao giờ khuyến khích khởi nghiệp. Ba mẹ tin rằng con trai mình phải bỏ ra mười mấy tiếng/ngày để làm phân bón. Và ngày ấy, chắc chắn ba mẹ không cho phép như hiện tại. Phụ huynh không tin là cùng một lúc tôi có thể quản nhiều công ty. Nhưng nay thì ba mẹ đã tin rồi.

Shark Lê Đăng Khoa và áp lực “con nhà giàu khởi nghiệp”: Dùng tiền túi lập công ty riêng, ba mẹ luôn nghĩ “Nó sẽ thất bại và phải trở về” - Ảnh 4.

Giờ qua những gì mắt thấy tai nghe, niềm tin ấy ngày càng lớn. Tôi nghĩ, người lớn lúc nào cũng hoài nghi. Trong mắt ba mẹ, con cái lúc nào cũng bé nhỏ.

Ba mẹ đã thành công rồi thì áp lực khá lớn. Vấn đề là làm sao để bản thân đủ khả năng thì là câu chuyện không đơn giản.

Con đường khởi nghiệp ban đầu của tôi không nhận được sự giúp đỡ của ba mẹ. Ba mẹ nghĩ: Nó sẽ thất bại và sẽ trở về với Ba Lá Xanh.

Khoa có thấy cái bóng của ba mình quá lớn?

Tôi nghĩ khi nói đến cái bóng của ba, thì đó là lời khen. Nếu nói tôi không phải là đi từ Zero đến Hero thì ba mẹ tôi là số 0 đó. Tôi rất tự hào vì điều đó. Tôi cứ tự hào cái đã vì họ khen ba mẹ tôi giỏi.

Shark Lê Đăng Khoa và áp lực “con nhà giàu khởi nghiệp”: Dùng tiền túi lập công ty riêng, ba mẹ luôn nghĩ “Nó sẽ thất bại và phải trở về” - Ảnh 5.

Còn có vượt qua được cái bóng của ba mẹ hay không, tôi nghĩ chắc rảnh mới nghĩ đến chuyện đó. Tôi còn bận để bán bông, bán cafe, bán bánh…. Thời gian đâu mà ngồi đọc xem con hơn cha hay cha hơn con. Tôi còn phải lo nhiều thứ như áp lực để trả tiền công cho nhân viên, làm sao cho công ty phát triển. Chẳng có bóng lớn, bóng nhỏ gì hết. Nếu còn thời gian suy nghĩ bóng lớn, bóng nhỏ thì không thể phát triển được.

Thế hệ thứ 2 của một gia đình phải chịu áp lực, đó là điều đương nhiên. Người ta có quyền hoài nghi, có quyền đặt câu hỏi về năng lực của mình. Nhưng thứ mình cần làm là phải xứng đáng với những lợi thế đó. Mà suy nghĩ sinh ra đã được lợi thế nên đi chậm, đi từ từ là sai lầm. Đối với một số người, tôi có thể hơn họ về xuất phát điểm. Nhưng với nhiều người trên thế giới này biết bao nhiêu người làm tỷ phú, triệu phú, mình làm sao sánh với con của họ được.

Thương trường là chiến trường, giờ là cuộc chiến toàn cầu. Một ngày đẹp trời, tôi cũng phải đối đầu với những đối thủ quốc tế.

Shark Lê Đăng Khoa và áp lực “con nhà giàu khởi nghiệp”: Dùng tiền túi lập công ty riêng, ba mẹ luôn nghĩ “Nó sẽ thất bại và phải trở về” - Ảnh 6.

Thế về chuyện khởi nghiệp, anh vay tiền của ba mẹ hay tự kiếm ra?

Khởi nghiệp bao bì là tiền của tôi, tôi dành dụm được ít tiền và vay thêm ít nữa. Ba mẹ tôi có thích tôi làm riêng đâu mà cho mượn.

Tre Việt thì tôi dựng lên, nhưng là dành dụm làm từng chút một, chứ không làm hết một đợt. Có bao nhiêu thì đầu tư đến đó. Khai trương 2 tuần đầu không có khách, tôi muốn trầm cảm luôn.

Nhưng may mắn, Tre Việt đã phát triển tốt.

Nhiều người gọi Khoa là soái ca khởi nghiệp đó, Khoa thấy sao?

Tôi chưa bao giờ nghĩ mình khởi nghiệp. Cái tôi học được ở ba là tầm nhìn, khả năng quản trị. Còn bây giờ, tôi là nhà đầu tư, hay còn gọi là đối tác kinh doanh tiềm năng mà họ có thể muốn sở hữu. Thương trường là tìm đồng đội, chứ không phải kiếm lời khen nào đó.

Các bạn startup có những mô hình nào, Khoa có hợp với tính cách đội của các bạn không, bạn có gì để hấp dẫn Khoa… đó là điều tôi quan tâm.

Kinh doanh là phải biết sợ, con người đang hoang mang, đang sợ thì không còn quan tâm đến người ta đến những chuyện khác ngoài chuyện phát triển hệ sinh thái để đủ sức chống chọi với những tập đoàn quốc tế.

Xin cảm ơn anh!

Theo: Trí Thức Trẻ, Cafebiz

 

Shark Linh: Phần lớn mọi người đều hiểu sai câu 'Hôm nay tôi làm những điều không ai dám làm để ngày mai tôi nhận được những điều không ai có'

(Techz.vn) Mark Twain từng nói: 20 năm nữa, bạn sẽ cảm thấy hối tiếc vì những việc mình chưa làm hơn là những việc bạn đã làm. Tất cả những người thành công trên thế giới đều có một điểm chung là dám chấp nhận rủi ro để làm những điều khác biệt thay vì đi vào lối mòn.