Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Phát triển và Hoạch định chính sách của Facebook ở Việt Nam hóm hỉnh mở đầu bài diễn thuyết của mình: Ban tổ chức chương trình có yêu cầu tôi trình bày lôi cuốn, ngắn gọn trong 10 phút, nhưng tôi e là chỉ khi tôi nhảy Gangnam Style thì mới hấp dẫn thôi vì vấn đề này khá khô cứng.
Và cả hội trường đã được chứng kiến một bài trình bày khá sinh động của ông Huỳnh Kim Tước sáng nay tại khách sạn Majestic, quận 1, TP.Hồ Chí Minh.
Ông Tước cho biết thời điểm này nếu khởi nghiệp nên bắt đầu từ online."Nếu chưa lập ra doanh nghiệp thì hãy lập doanh nghiệp trực tuyến. Và khi mô hình này thành công thì mở rộng ra thành doanh nghiệp vừa và nhỏ, sau đó thì phát triền thành doanh nghiệp lớn", ông nói.
Theo ông, không chỉ những doanh nghiệp mới tạo Fanpage để kinh doanh, mà ngay cả những đơn vị, những đối tượng chưa phải là doanh nghiệp có ý tưởng làm việc có thể tạo Fanpage để giới thiệu đến bạn bè, người thân,...Từ đó có thể nhân rộng ý tưởng.
Đại diện của Facebook cũng cho biết theo kết quả khảo sát thì 64% người tiêu dùng trước khi quyết định mua sắm có tìm hiểu thông tin, nghe lời khuyên, tham khảo các nhận xét của cộng đồng mạng. 64% người tiêu dùng nghe lời khuyên của bạn bè, người thân. Đây là những con số ấn tượng trong định hướng về thương mại nói chung và thương mại điện tử nói riêng.
Cũng tại hội nghị sáng nay, ông Mike Orgill, phụ trách về chính sách công và hợp tác chính phủ khu vực Đông Nam Á của Google, cũng có bài nhận xét về mô hình kinh doanh trực tuyến ở Việt Nam khá thú vị.
Ông nhận định Việt Nam là một thị trường tiềm năng, nhưng Internet chỉ mới đóng góp 0.9% cho GDP, trong khi đó Trung Quốc là 2.6%, Ấn Độ là 3.2%, Malaisia là 4.1%.Và trong khi nền kinh tế roan cầu khó khăn thì Internet tạo ra công ăn việc làm vì vậy nhà quản lý Việt Nam nên kiểm duyệt chứ không nên quá nguyên tắc, kiểm soát quá chặt chẽ.
Theo NCĐT