Nhịp sống số

Sẽ siết chặt hơn việc thu phí nhạc số

Theo bà Phạm Thanh Thuỷ, giám đốc khu vực phía Bắc của trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMP): "Việc tiến hành thu phí bản quyền âm nhạc đồng loạt ở tất cả các website sẽ là một trong những chiến dịch được ưu tiên hàng đầu của trung tâm trong năm 2013. Tất cả các đơn vị thành viên và đối tác của trung tâm đều đã kí kết và thoả thuận rất “rắn” trong nỗ lực tạo nên một văn hoá nghe nhạc có trách nhiệm hơn trong thời gian tới".


 

Bà Thủy cũng cho biết, việc thu phí này sẽ không trực tiếp do trung tâm đứng ra thu mà thông qua các chủ sở hữu trang web, các nhà mạng. Ví dụ qua dịch vụ SMS thì đã có phần mềm thanh toán với nhà mạng. Trung tâm chỉ hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện tốt nhất để các website thực thi quyền tác giả. Trung tâm sẽ cùng với MV Crop cung cấp những sản phẩm có bản quyền để tạo chất lượng tốt nhất cho các website.

  Bà Phạm Thanh Thuỷ, giám đốc khu vực phía Bắc - Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.

Tuy nhiên, việc thu tiền nghe nhạc online không phải dễ dàng, buộc tất cả các đối tác phải hạ quyết tâm và thực sự "rắn" bởi từ trước đến nay, người nghe nhạc Việt Nam thường có thói quen sử dụng sản phẩm âm nhạc "chùa". Để thay đổi thói quen này không phải một sớm, một chiều. Việc thu phí với mức như hiện nay mới chỉ ở mức thử nghiệm 1.000 đồng/1 bài hát/1 lần tải trước hết là để đánh vào sự tự giác của người nghe nhạc chứ không tính ở doanh số. Ban đầu, việc thu phí chắc chắn sẽ tạo nên những phản ứng trái chiều nhưng dần dần người sử dụng sẽ quen và có ý thức hơn trong việc sử dụng sản phẩm âm nhạc có trách nhiệm.

Con số 17 triệu, theo như thống kê không phải là một con số lớn, cũng không nói lên được vấn đề cơ bản ở đây nhưng đã tạo nên một hiệu ứng ban đầu cho người sử dụng sản phẩm nhạc số trên internet. Với kho nhạc Việt Nam và quốc tế khổng lồ như hiện tại, con số 100 album chọn lọc đưa ra thử nghiệm trong thời gian vừa qua chỉ như muối bỏ biển. Trong tương lai, nếu việc thực hiện thu được nghiêm, con số thu được sẽ không dưới tiền tỷ. Điều "được" nhất trong đợt thử nghiệm vừa qua chính là các website đã nhận ra những hạn chế và khó khăn để khắc phục về sau. Việc quy định phương thức chi trả sẽ do chủ website tính toán riêng thế nào cho hợp lý nhất để thoả mãn hầu bao của người sử dụng lẫn vấn đề kinh tế của website. Việc kiểm soát chi phí thì đã có phần mềm chuyên dụng được sử dụng hàng chục năm qua trên thế giới.

Để thực hiện tốt thì không chỉ các website mà cả các tác giả cũng phải thường xuyên cập nhập tác phẩm của mình cho cơ quan đại diện là trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả. Với mỗi tác phẩm âm nhạc bao gồm tên, nhạc phổ và lời sẽ được trung tâm cập nhập hàng ngày lên hệ thống của mình. Thậm chí cả việc cho và bán bản quyền các tác giả cũng phải "ới" lại cho trung tâm để tạo nên hiệu quả song song tốt nhất. Trong giai đoạn 2013 - 2014, trung tâm sẽ tiến hành kêu gọi sự hỗ trợ của các thành viên theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tạo dựng sự cam kết nghiêm túc

Người nghe nhạc thắc mắc về vấn đề bản quyền của các sản phẩm trên Youtube hoặc trên các thiết bị như Itune của Apple cũng được bà Thuỷ giải thích như sau: Với những website lớn này, việc kí kết thu phí bản quyền không kí trực tiếp với từng trung tâm bản quyền nhỏ mà thông qua các đại diện của khu vực. Ở khu vực châu Á, các hãng này đã có trụ sở giải quyết vấn đề bản quyền đặt ở Hồng Kông. Như vậy, bản thân các trang web này đã luôn thực thi trách nhiệm bản quyền đối với các sản phẩm âm nhạc bằng các nguồn thu khác nhau ví dụ như quảng cáo chứ không trực tiếp đánh vào túi tiền của người sử dụng.