Thương hiệu

Samsung và chiến lược tại Việt Nam

Samsung và chiến lược tại Việt Nam

Từ năm 2009 đến nay, Samsung luôn gây chú ý đặc biệt khi liên tục tăng vốn đầu tư cho dự án nhà máy sản xuất công nghệ cao tại Bắc Ninh lên 2,5 tỷ USD.
Tiếp đó, đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thứ hai ở Thái Nguyên có tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD. Samsung cam kết khi dự án tại Thái Nguyên đi vào hoạt động thì Việt Nam sẽ trở thành trọng điểm sản xuất thiết bị cầm tay xuất khẩu (XK) lớn nhất trên toàn cầu.
Cuối năm 2012, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị các ưu đãi đầu tư cho dự án mới của Samsung vào địa phương này.
Theo UBND tỉnh, Samsung muốn xây dựng nhà máy sản xuất, gia công lắp ráp điện thoại di động và các sản phẩm điện tử công nghệ. Đặc biệt, chú trọng sản xuất các dòng sản phẩm thế hệ mới, đang rất hút khách, như: Galaxy S3, Galaxy Tab, Galaxy Note…
"Con cưng" của tỉnh
Dự án 2 tỷ USD này sẽ là nhà máy thứ 9 của tập đoàn trên toàn cầu. Samsung cũng bỏ ngỏ khả năng có thể rót thêm hàng tỷ USD nữa để nâng cao hiệu quả của dự án.
Nếu nhìn vào những gì mà Samsung đã và đang làm tại Bắc Ninh, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên có thể hy vọng dự án của tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc này sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội cho địa phương. Đơn cử như tăng giá trị sản xuất công nghiệp, XK, tạo nguồn thu cho ngân sách, kéo theo các ngành công nghiệp phụ trợ khác phát triển…

 

Samsung và chiến lược tại Việt Nam-image-1382324544728

Đặc biệt, dự án của Samsung sẽ giải quyết bài toán an sinh xã hội, tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động ngay năm đầu đi vào hoạt động và có thể cần tới 30.000 lao động trong tương lai. Những hy vọng ấy đã được hiện thực hóa bằng một lễ khởi công xây dựng nhà máy hoành tráng tại KCN Yên Bình vào tháng 8/2013.
Nhưng ít ai biết rằng để Samsung cam kết rót 2 tỷ USD, địa phương này đã phải xin cho doanh nghiệp (DN) nhiều "ưu đãi đặc biệt".
Cụ thể, UBND tỉnh Thái Nguyên đề xuất cho dự án được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN (TNDN) bằng 10% trong 30 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động; miễn thuế trong 4 năm kể từ khi có lãi và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Trong khi các DN khác đang phải chịu thuế suất thuế TNDN 25%.
Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên còn đề xuất cho dự án của Samsung được thêm 3 năm hưởng ưu đãi giảm 50% thuế TNDN, nâng tổng thời gian ưu đãi là 12 năm. Đề xuất này, theo Bộ Tài chính, là vượt khung quy định của pháp luật thuế hiện hành và nếu tỉnh cần cơ chế ưu đãi đặc biệt cho dự án nào thì phải được Quốc hội phê chuẩn.
Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên đề xuất cho Samsung được hưởng các ưu đãi tương tự như dự án tại Bắc Ninh, chẳng hạn như miễn tiền thuê đất, thuê cơ sở hạ tầng, miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị…
Những đề xuất "ưu đãi đặc biệt" cho dự án của Samsung tại Thái Nguyên và Bắc Ninh sau đó đã được chấp thuận cùng với hy vọng tràn trề về những lợi ích kinh tế, xã hội cho địa phương, đất nước.
Lợi ích và hiệu quả
Thực tế, chỉ sau chừng 5 năm Samsung đầu tư vào Việt Nam, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (100% vốn nước ngoài) đã 3 lần tăng quy mô vốn đầu tư cho dự án tại Bắc Ninh.
Mới đây, công ty đã được chấp thuận tăng vốn thêm 1 tỷ USD, lên mức 2,5 tỷ USD. Ông Trần Văn Túy - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, cho rằng việc liên tục tăng vốn chứng tỏ sức phát triển và hiệu quả đầu tư của Samsung tại Việt Nam.
Quan trọng hơn, khu tổ hợp sản xuất công nghệ cao tại Bắc Ninh và nhà máy thứ hai tại Thái Nguyên sẽ kéo theo sự xuất hiện các DN phụ trợ, cung cấp linh phụ kiện cho Samsung.
Về hoạt động kinh doanh, năm 2012, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đã XK 12,6 tỷ USD, chiếm tới 11% tổng kim ngạch XK cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2013, doanh thu XK đạt hơn 11,2 tỷ USD và dự kiến cả năm đạt từ 16 - 17 tỷ USD. Không phủ nhận rằng Samsung chính là DN nước ngoài XK lớn nhất, đóng góp đáng kể cho XK của Việt Nam.
Nhưng ở góc độ đóng góp cho ngân sách, Samsung hiện không phải là DN nộp thuế nhiều nhất. Theo Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh, Công ty Samsung Việt Nam bắt đầu có doanh thu từ tháng 4/2009 và đều có lãi trong 2 năm đầu hoạt động. Trong đó, năm 2009 báo lãi 557 tỷ đồng, năm 2010 tăng vọt lên 2.031 tỷ đồng.
Nhưng DN này đang được hưởng ưu đãi miễn thuế TNDN trong 4 năm; từ năm 2013, DN cũng chỉ phải nộp thuế TNDN ở mức 5% trong vòng 9 năm.
Dĩ nhiên, nếu DN có lợi nhuận thì mới nộp thuế TNDN. Thời gian qua, Bắc Ninh mới chỉ thu được các khoản thuế như thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế nhà thầu… Tính đến hết năm 2012, Công ty Samsung đã nộp cho ngân sách tổng số tiền khoảng 680 tỷ đồng. Con số này khá khiêm tốn nếu so với doanh số hàng tỷ USD.
Có ý kiến cho rằng Nhà nước đã chấp nhận tăng ưu đãi, giảm thu cho các dự án lớn để đổi lấy những lợi ích kinh tế, xã hội trong tương lai, như trường hợp Công ty Samsung Việt Nam.
Những lợi ích của Samsung có thể nhìn thấy qua sự tăng trưởng quy mô đầu tư, doanh thu, lợi nhuận tăng cao hàng năm. Còn lợi ích đem lại cho địa phương và đất nước cần phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, từ đó mới khẳng định việc thu hút những dự án "tỷ đô" có thực sự đạt hiệu quả như kỳ vọng không?

Samsung và chiến lược tại Việt Nam-image-1382324646945
Nguồn: Thời báo Kinh doanh