“Sai lầm sơ đẳng” trong vụ ly hôn của vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên: Cuộc ly hôn chưa hồi kết
Vụ ly hôn và tranh chấp tài sản của ông “vua cà phê” Trung Nguyên và vợ tưởng chừng đã đi đến hồi kết thì bất ngờ TAND tối cao nhận định đã có “sai lầm sơ đẳng” ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm.
Luật sư Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao cho hay, thực tiễn chất lượng xét xử của toà án (TA) ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm có nhiều vấn đề chưa ổn, chất lượng chưa ổn nên lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm cao.
“Không giải quyết tốt đơn kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thì TA đã bỏ lỡ cơ hội quý giá để kiểm nghiệm lại chất lượng xét xử”, luật sư Hùng nhấn mạnh.
Đề cập đến vụ xử ly hôn “vua cà phê” Trung Nguyên, ông Hùng nói, “tôi không nghĩ lại có những cái sai lầm của bản án đến mức hết rất sơ đẳng như vậy” khi cả toà cấp sơ thẩm, phúc thẩm đều sử dụng các thẩm định giá về tài sản đã hết hiệu lực để làm cơ sở phân chia tài sản giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
“Cuối cùng viện kiểm sát đã kháng nghị giám đốc thẩm chỉ ra thì ai cũng ồ lên nói tại sao lại kỳ cục như vậy”, luật sư Hùng nêu.
Luật sư, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cũng nhắc đến vụ ly hôn gây “bão” dư luận này. Theo ông Nghĩa, giới doanh nhân không hiểu TA căn cứ vào quy định nào để “đè” ra chia tiền chứ không phải chia cổ phần dù cổ phần là hiện vật chia được.
“Ở đây là sở hữu cổ phần, chị Thảo đang là cổ đông. TA không có một cơ sở pháp lý nào để nói chia xong thì chị Thảo phải bỏ hết cổ phần, nhận tiền rồi ra khỏi công ty”, đại biểu Quốc hội nói và nhấn mạnh, “toà không dựa vào luật nào để làm việc đó cả”.
Cũng theo ông Nghĩa, những sai sót trong án dân sự gây nên những hậu quả khủng khiếp. “Nhiều khi người ta bị mất tiền vì một bản án dân sự, nhưng sự phẫn nộ, bức xúc còn quan trọng hơn số tiền ấy. Người ta không tâm phục, khẩu phục và cho rằng có vấn đề trong xét xử”, luật sư Nghĩa cho hay.
Trước đó, Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình giữa ông Nguyên Vũ và bà Diệp Thảo.
Theo đó, Viện trưởng Viện KSND Tối cao đề nghị, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm về phần hôn nhân và chia tài sản chung, giao hồ sơ cho TAND TP Hồ Chí Minh xét xử lại. Đồng thời, tạm đình chỉ thi hành bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm nêu trên cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.
Kháng nghị giám đốc thẩm cho rằng, bản án sơ thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh và bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã có nhiều vi phạm tố tụng, ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự trong vụ án.
Ngày 5/12/2019, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm đã tuyên công nhận ông Vũ và bà Thảo thuận tình ly hôn, công nhận sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, giao cho bà Thảo nuôi các con chung, ông Vũ cấp dưỡng nuôi các con chung 10 tỉ đồng/năm từ năm 2013 đến khi các con học xong đại học.
Riêng tài sản là cổ phần tại các công ty, bản án chia theo tỉ lệ 60-40, trong đó ông Vũ được hưởng 60%, bà Thảo 40%. Theo bản án, ông Vũ được sở hữu toàn bộ cổ phần của các công ty và "thối" tiền lại cho bà Thảo…
Lý do ông Đặng Lê Nguyên Vũ giữ im lặng tuyệt đối trước những lời tố cáo của vợ cũ
(Techz.vn) Câu hỏi về thái độ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đến nay còn là ẩn số.