Thiết bị công nghệ

Sạc không dây hoạt động như thế nào?

Thuật ngữ “sạc không dây” có lẽ không còn quá xa lạ với những người yêu thích công nghệ, phương thức sạc mới dù chưa được áp dụng rộng rãi nhưng chúng tỏ ra khá hữu ích, đơn giản, tiện lợi và hoàn toàn có thể sẽ trở thành một phương thức sạc pin phổ biến trong tương lai.

Khi thiết bị sắp hết pin, bạn chỉ cần đặt chiếc máy lên bộ sạc đã gắn sẵn trên tường hoặc để bàn, việc sạc điện sẽ được tiến hành ngay lập tức mà không cần các thao tác cắm, rút phức tạp.

Dĩ nhiên để làm được điều này thì bộ sạc của bạn luôn phải được cung cấp nguồn điện. Việc chuẩn bị sẵn một bộ sạc không dây để sử dụng bất cứ lúc nào dù sao cũng sẽ dễ chịu hơn việc phải tìm dây cáp, lựa đầu rồi cắm.

Palm vẫn được coi là nhà sản xuất đầu tiên sử dụng công nghệ này trên thiết bị của họ, tuy nhiên sạc không dây chỉ thực sự được chú ý sau một vài sản phẩm cao cấp đời mới như Google Nexus, Galaxy S4 hay Lumia 920 ứng dụng công nghệ này và cho thấy hiệu quả rõ rêt, cách thức kết nối đơn giản, sạc nhanh.

Nguyên lý hoạt động

Bạn sẽ phải bất ngờ vì nguyên lý của sạc không dây thực chất cực kỳ đơn giản, vậy mà sao mãi đến bây giờ chúng mới bắt đầu phát triển.

Ứng dụng hiện tượng Dòng điện cảm ứng, phần đế sạc được cắm điện sẽ tạo ra một từ trường biến thiên, gây ảnh hưởng lên cuộn dây được đặt sẵn trong chiếc điện thoại. Từ trường biến thiên này sẽ tạo ra dòng điện cảm ứng trên cuộn dây, dòng điện này tất nhiên là sẽ được điều chỉnh sao cho phù hợp với điện áp cho phép của pin và chúng sẽ ngay lập tức sạc pin cho chiếc máy của bạn.

Các chuẩn sạc

Mặc dù nguyên lý khá đơn giản như vậy, tuy nhiên trên thị trường hiện nay cũng có tới 3 chuẩn sạc không dây khác nhau, đó là: Qi, PMA (Power Matter Alliance) hay Powermat A4WP (Alliance for Wireless Power).

Nếu muốn tự trang bị thiết bị sạc không dây cho mình thì bạn cần quan tâm đến yếu tố này bởi chúng chỉ tương thích nếu cùng chuẩn, chẳng hạn như điện thoại dùng chuẩn sạc không dây Qi chỉ có thể sạc được với đế sạc chuẩn Qi, tương tự với PMA và A4MP.

Qi hiện là chuẩn sạc phổ biến nhất do giá rẻ và nhiều tên tuổi lớn tham gia sản xuất, thế nhưng trong tương lai, người ta cho rằng PMA sẽ thống trị thị trường này.

PMA là “liên minh sạc không dây” được lập nên bởi của Qualcomm, Duracell, Starbucks và Powermat, còn A4MP thì được tạo nên bởi Intel, Dell, Samsung cùng nhiều công ty công nghệ lớn khác. Trong khi đó, Qi lại là chuẩn sạc của tổ chức Wireless Power Consortium (WPC), có sự tham gia của các tên tuổi như Asus, Microsoft, BlackBerry, Panasonic, LG, Toshiba...

Liên minh PMA và A4MP hứa hẹn sẽ tạo nên bước đột phá trong công nghệ sạc không dây khi sử dụng công nghệ cộng hưởng điện với cuộn dây lớn, cho công suất cao hơn cùng khoảng cách sạc sẽ được nới rộng. Điều này sẽ giúp khắc phục nhược điểm của chuẩn sạc Qi, sử dụng cuộn dây nhỏ, chúng gần như chỉ có thể được sạc khi đặt chiếc máy lên đế sạc, làm hạn chế sự linh hoạt của tính năng sạc không dây.

Tương lai của sạc không dây

Như đã nói ở trên, khoảng cách chính là yếu điểm lớn nhất làm kìm hãm sự phát triển của sạc không dây. Nếu như một hình thức “không dây” khác là Wifi đã có sự phát triển khá mạnh mẽ, cho phép chúng ta truy cập mạng ở một khoảng cách khá xa nguồn phát, thì sạc không dây vẫn còn đang ở những bước đi đầu tiên và chưa mang lại lợi ích rõ rệt.

Tuy nhiên với những ích lợi không thể phủ nhận của phương thức này, các hãng đang tập trung phát triển và hứa hẹn sẽ có những thành tựu trong tương lai gần. Apple đã được cấp bằng sáng chế với một thiết bị sạc không dây với phạm vi hoạt động lên đến một mét, còn Intel cũng giới thiệu công nghệ mới của họ, với một thiết bị từ tính tích hợp trong laptop và có thể cung cấp nguồn điện cho những chiếc smartphone đặt gần đó.

 

Tìm hiểu về USB-C: Có thể thay thế cho mọi kết nối trước đây

(Techz.vn) Nếu như kết nối Lightning của Apple tỏ ra có ưu thế vượt trội so với microUSB thông thường thì cổng USB Type-C (USB-C) cũng mang lại những tiện ích tương tự so với các chuẩn USB phổ thông hiện nay.