Doanh nghiệp

Rót vốn hàng chục tỷ, Shark Thủy nhận thù lao 3 triệu đồng mỗi tháng

Ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn giáo dục Egroup, được biết tới với biệt danh Shark Thủy sau khi tham gia chương trình Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam 2 mùa vừa qua.

Chỉ tham gia với tư cách khách mời nhưng vị "cá mập" sở hữu tập đoàn giáo dục công nghệ này đã cam kết rót hàng chục tỷ đồng đầu tư vào các startup. Trong mùa 1, Shark Thủy là "cá mập" chi nhiều tiền thứ 4 trong tổng số 7 người tham gia với số tiền cam kết rót vốn lên tới 19,2 tỷ đồng. Nổi bật nhất là thương vụ đầu tư 15 tỷ đồng cho startup Soya Garden.

Trong mùa 2 đang diễn ra, ông cũng đã chi ra tổng cộng trên dưới 25 tỷ đồngcho các startup chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục. Thương vụ lớn nhất chính là cam kết rót tổng cộng 500.000 USD vào Công ty Magic Book, trong đó 200.000 USD để đổi lấy 30% vốn công ty và 300.000 USD là trái phiếu chuyển đổi. Ngoài ra là các thương vụ giá trị nhiều tỷ đồng như rót 5 tỷ đồng cho 36% vốn của We Escape; 5 tỷ đồng cho 46% của Talk cafe English; 3 tỷ đồng cho 80% chuỗi nhà hàng chay Pema...

Shark Nguyễn Ngọc Thủy chỉ nhận thù lao 3 triệu đồng mỗi tháng tại tập đoàn của mình. Ảnh: SharkTankVN.

Cam kết chi hàng chục tỷ đồng cho các startup, nhưng tại tập đoàn của mình, Shark Thủy lại chỉ nhận mức thù lao rất nhỏ mỗi tháng.

Cụ thể, tờ trình thù lao HĐQT, BKS năm 2017 và phương án thù lao năm 2018 được cổ đông Công ty cổ phần Tập đoàn giáo dục Egroup thông qua đã tiết lộ mức thù lao mỗi tháng của vị "cá mập" nổi tiếng này chỉ 3 triệu đồng mỗi tháng, tương đương 36 triệu đồng một năm.

Các thành viên trong HĐQT và BKS còn nhận mức thù lao nhỏ hơn. Trong đó, 4 thành viên còn lại trong HĐQT và Trưởng Ban kiểm soát chỉ nhận thù lao 2 triệu đồng/tháng; 2 thành viên trong BKS chỉ nhận mức thù lao vỏn vẹn 1 triệu đồng.

Cũng theo các tờ trình trong ĐHĐCĐ thường niên của Egroup, năm 2017 vừa qua, doanh thu hợp nhất từ các công ty thành viên trực thuộc của tập đoàn ghi nhận 1.320 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí vận hành và thuế, tập đoàn ghi nhận khoản lãi ròng đạt 123 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu lợi nhuận đóng góp từ nhóm công ty của Apax Holdings.

Theo kế hoạch, năm nay Egroup mục tiêu đạt 1.564 tỷ đồng doanh thu, tăng 18% và thu về khoản lợi nhuận ròng 130 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước đó. Trong đó, Apax Holdings vẫn là động lực tăng trưởng chính.

Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings, công ty do Egroup nắm giữ trên 36% vốn cũng đã niêm yết trên sàn chứng khoán với mã IBC. Trong năm gần nhất, công ty này ghi nhận 550 tỷ đồng doanh thu và lãi ròng 171 tỷ.

6 tháng đầu năm 2018, Apax Holdings 437 tỷ đồng doanh thu, gấp 5 lần cùng kỳ tuy nhiên lãi ròng lại chỉ đạt vỏn vẹn 11 tỷ, giảm hơn 12 lần. Nguyên nhân do cùng kỳ công ty ghi nhận khoản doanh thu hoạt động tài chính cao đột biến tới 108 tỷ đồng, cải thiện rất nhiều vào kết quả lợi nhuận. Trong khi đó, kỳ này doanh thu tài chính chỉ đạt vỏn vẹn 10 tỷ, công ty cũng phải chi ra hơn 11 tỷ đồng chỉ để trả lãi vay, cùng với loạt chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng cao khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh.

Egroup là tập đoàn chuyên về giáo dục với vốn điều lệ tính đến cuối 2017 đạt 962,5 tỷ đồng và tổng tài sản đạt 2.269 tỷ. Nền tảng phát triển của tập đoàn này dựa vào 4 nhóm công ty thành viên gồm: Nhóm công ty giáo dục đầu tư theo chuỗi; Nhóm công ty giáo dục E-startup; Nhóm công ty E-future và Nhóm công ty chăm sóc sửa khỏe và kinh doanh thực phẩm sạch.

Trong đó nổi tiếng nhất phải kể tới nhóm công ty thuộc Apax Holdings với các chuỗi trung tâm tiếng anh nổi tiếng như Công ty CP Đầu tư Apax Holdings; Công ty CP Anh ngữ Apax (Apax English); Công ty CP Phát triển Giáo dục Igarten; Công ty TNHH Apax Franklin Academy (Apax Franklin).

Theo: Zing.vn 

 

Shark Việt: "Con đại bàng khi sinh ra đã là con đại bàng, còn con quạ, 100 năm nữa, nó vẫn chỉ là con quạ... cho nên tôi giúp anh không có nghĩa chúng ta là đồng chí"

(Techz.vn) "Là người, phải sống cho đàng hoàng".