Thiết bị công nghệ

"QR code" điểm sáng công nghệ trong hoạt động chống dịch Covid-19

QR Code (mã QR) là viết tắt của Quick response code (Tạm dịch: Mã phản hồi nhanh), hoặc có thể gọi là Mã vạch ma trận (Matrix-barcode) hay Mã vạch 2 chiều (2D). Đây là một dạng thông tin được mã hóa để hiển thị sao cho máy có thể đọc được.

QR Code xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1994, được tạo ra bởi Denso Wave (công ty con của Toyota). QR Code bao gồm những chấm đen và ô vuông mẫu trên nền trắng, có thể chứa những thông tin như URL, thời gian, địa điểm của sự kiện, mô tả, giới thiệu một sản phẩm nào đó,...

QR Code cho phép quét và đọc mã nhanh hơn bằng các thiết bị như máy đọc mã vạch hoặc smartphone có camera với ứng dụng cho phép quét mã, vô cùng tiện lợi cho người dùng.

Tại Việt Nam, ngay từ những ngày đầu chống dịch, công nghệ QR code đã được ứng dụng ở nhiều nơi và trong nhiều lĩnh vực, phổ biến nhất là trong y tế và giao thông và thanh toán không tiền mặt.

Khai-báo-y-t--jpg
Người dân thực hiện khai báo y tế thông qua mã QR Code

Từ đầu năm 2020, để thuận tiện cho người dùng và hỗ trợ công tác truy vết, mã QR được triển khai khắp các điểm công cộng. Người dân chỉ cần smartphone, quét mã QR để khai báo y tế. Dữ liệu này sau đó sẽ được chuyển về Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống Covid-19 và bóc tách khi xuất hiện ca lây nhiễm cộng đồng.

Sau thời gian đầu chống dịch, công nghệ QR code tiếp tục được ứng dụng nhiều trong các ứng dụng khai báo y tế, "di biến động" dân cư, xác nhận đăng ký và chứng nhận tiêm chủng.... Trên các ứng dụng "quốc dân" như VHD, Ncovi, Sổ sức khỏe điện tử, mỗi người dân sẽ được cấp một mã QR. Sau khi khai báo về tình hình sức khoẻ, dịch tễ, lộ trình di chuyển... thông tin sẽ được cập nhật trực tiếp vào mã QR. Cơ quan chức năng chỉ cần quét QR code này để kiểm tra các thông tin thay vì phải dùng giấy và đối chiếu như phương pháp truyền thống.

Song song với lĩnh vực y tế, QR code cũng được ứng dụng trong ngành giao thông vận tải. Những phương tiện thuộc "luồng xanh" sẽ được dán một mã QR. Khi đi qua các chốt kiểm dịch, cán bộ kiểm soát chỉ cần quét mã QR là biết tình trạng sức khoẻ của tài xế, loại nhu yếu phẩm đang chở, lộ trình di chuyển...

Cac-ma-QR-thanh-toan-tai-mot-c-5216-1900-1579877577
QR code xuất hiện ở mọi lĩnh vực 

Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ truy vết, chống dịch Covid-19, Chính phủ còn đặt mục tiêu mỗi người dân sẽ có danh tính số kèm mã QR vào năm 2025. Khi đó, người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số thông qua mã QR với mục tiêu cá thể hóa suốt cuộc đời, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng và không giấy tờ.

Trên thế giới, đặc biệt là ở Trung Quốc, mã QR được xem là vũ khí chống dịch khi Covid-19 bùng phát. Người dân nước này khi tham gia hoạt động công cộng sẽ dùng ứng dụng theo dõi y tế trên nền mã QR. Điện thoại cảnh báo mức độ an toàn của người đó qua màu sắc QR: màu xanh - được phép, vàng hoặc đỏ - bị cấm.

Tiếp bước Trung Quốc, nhiều nước khác cũng dùng QR code trong đại dịch. Từ năm ngoái, Singapore tung ra ứng dụng di động theo dõi tiếp xúc, cho phép các nhà chức trách xác định những người bị phơi nhiễm với ca Covid-19. Thành phố Moskva của Nga cũng ra mắt hệ thống theo dõi dựa trên nền tảng QR khi nước này ban hành lệnh phong toả năm ngoái. Nhật Bản triển khai hệ thống QR tại các địa điểm nhiều người đến và yêu cầu người dân cần quét và xác nhận rằng mình đã đến địa điểm đó, giúp việc truy vết diễn ra nhanh nếu có ca dương tính với Covid-19.