Điện thoại

Phocophone - Trò 've sầu thoát xác' của Xiaomi để đấu Samsung

Tại các thị trường đang phát triển, nơi nhiều công ty như Apple phải đối mặt với sự trì trệ, Xiaomi tiếp tục làm tốt, đặc biệt là ở Ấn Độ - thị trường lớn thứ 2 châu Á chỉ sau Trung Quốc.

Theo số liệu từ Canalys, trong quý II, Samsung và Xiaomi tiếp tục dẫn đầu. Mỗi hãng đã bán ra 9,9 triệu sản phẩm điện thoại thông minh tại Ấn Độ. Cùng với nhau, Samsung và Xiaomi chiếm 60% tổng số lượng hàng di động của Ấn Độ, tăng từ 43% so với năm ngoái.

Tuy vậy, nguy cơ bị Samsung soán ngôi một lần nữa tại Ấn Độ vẫn khiến Xiaomi ngày đêm lo lắng. Vì vậy, tạo ra một hướng đi mới là việc hãng điện thoại Trung Quốc cần làm lúc này.

Chiến thuật điện thoại 'cơ bắp' giá thấp

Model chủ lực của Samsung là Galaxy J2 Pro, một chiếc điện thoại ban đầu nhắm vào sinh viên ở Hàn Quốc với hơn 2,3 triệu chiếc được bán ra trong quý II năm 2018 tại Ấn Độ. Về phần mình, Xiaomi nhỉnh hơn khi bán 3,3 triệu chiếc Redmi 5A, một phiên bản giá rẻ của Redmi Note 5.

Cả hai công ty đều tăng trưởng đáng kể trong quý II, nhưng Samsung đã bắt đầu có hành động cụ thể để vượt mặt Xiaomi. Theo nhà phân tích Tuan Anh Nguyen từ Canalys, Samsung đã liên tục tấn công trực diện vào Xiaomi: "Samsung đã tung ra thiết bị giá rẻ để chống lại Xiaomi. Họ tập trung vào khả năng chụp ảnh cho các smartphone của mình". 

Pocophone F1 ra mắt tại thị trường Ấn Độ với mức giá cao hơn các sản phẩm trước đây của Xiaomi.

Trong tình thế đã bị soán ngôi một lần và sự đe dọa từ Samsung, Xiaomi buộc phải chọn cho mình một hướng đi táo bạo hơn. Tạo ra thương hiệu mới với cấu hình khủng và giá rẻ hơn, cắt giảm toàn bộ những yếu tố không quan trọng ảnh hưởng đến giá sản xuất.

Poco ra đời với sứ mệnh là thương hiệu tập trung vào hiệu suất và giá rẻ của Xiaomi. Chiếc điện thoại đầu tiên của Pocophone là F1 với cấu hình cao cấp sẽ được bán đầu tiên tại Ấn Độ, "chiến địa" của Xiaomi và Samsung.

Sản phẩm vừa ra mắt đã đón nhận sự quan tâm từ người dùng. Máy trang bị cấu hình trông như smartphone cao cấp: chip Snapdragon 845, pin 4.000 mAh, màn hình Full HD 6,18 inch, tỷ lệ khung hình 18,7:9.

Ngoài ra, máy còn có GPU Qualcomm Adreno 630, camera selfie 20 MP và cụm ống kính 12 MP và 5 MP ở mặt lưng. Đáng ngạc nhiên là với cấu hình tương tự OnePlus 6 nhưng máy chỉ có giá 300 USD, rẻ hơn 250 USD.

Bên cạnh đó, hãng còn sử dụng tản nhiệt nước để người dùng nghĩ đây là smartphone mạnh mẽ như các thiết bị gaming. Thực chất, tản nhiệt nước này là công nghệ đã cũ. Nó chỉ lưu chuyển nhiệt từ con chip sang vị trí khác. Tản nhiệt này chỉ giúp giải tỏa nhiệt ngắn hạn cho con chip. Nếu sử dụng hiệu suất cao trong thời gian dài, nhiệt độ của máy vẫn phải thoát quá đường duy nhất là vỏ máy.

Người dùng ngày nay định nghĩa smartphone cao cấp thông qua cấu hình. Với con chip mạnh nhất từ Qualcomm, Snapdragon 845 cùng RAM 6 GB. Điều này khiến người dùng nghĩ rằng Pocophone là smartphone cao cấp như Galaxy Note9.

Thực tế, Xiaomi cắt giảm nhiều yếu tố mà hãng cho là "không cần thiết" như kính cường lực (Gorilla Glass 3) và thân máy chỉ được làm từ nhựa để giảm giá thành. Điều này cho thấy, cũng như OnePlus, Poco chỉ là hãng điện thoại cấu hình khủng giá rẻ chứ không phải smartphone cao cấp.

Thêm nữa, việc đầu tư vào cấu hình thay vì hệ điều hành, tính năng, thiết kế sẽ giúp cắt giảm chi phí cho bộ phận nghiên cứu và phát triển.

Mặc dù công ty không đưa ra bất kỳ lý do nào về việc ra mắt dòng Poco ở Ấn Độ, nhưng sự thành công trong quý IV 2017 và quý I 2018 của dòng Redmi duy trì cho Xiaomi niềm tin về chiến lược cấu hình khủng giá rẻ sẽ giúp họ cạnh tranh với Samsung.

Ra đời nhờ những người thích 'ngon, bổ, rẻ'

Jai Mani, cựu nhân viên Google từ năm 2009-2013, hiện là giám đốc sản phẩm của Xiaomi tại Ấn Độ được giao nhiệm vụ phát triển thương hiệu Pocophone. Theo The Verge, ông đã "lùng sục" tất cả những ý kiến từ người dùng trên mạng xã hội Reddit để tạo ra Pocophone F1. Nói cách khác, nó ra đời tự sự mong muốn của một bộ phận người dùng đam mê một chiếc smartphone cơ bắp với giá thấp nhất có thể.

"Người dùng mong muốn một smartphone có pin lớn, vi xử lý mạnh với giá tốt. Tuy nhiên gần như chưa hãng nào làm điều đó cho họ. Những bình luận từ Reddit đã tạo cho chúng tôi cảm hứng tạo ra Pocophone F1", Mani nói thêm.

Xiaomi đang đi theo con đường mà OnePlus đã vạch sẵn để vươn mình lên phân khúc điện thoại cao cấp. Ảnh: Poco.

Nếu có thể phá bỏ yếu tố chất liệu và thiết kế và tập trung vào cấu hình và sự bền bỉ thì Pocophone F1 chính là lựa chọn hướng tới những khách hàng có mong muốn như những thành viên trên Reddit.

Trên Facebook cá nhân, Mani cho rằng, việc Pocophone là một thương hiệu con thuộc Xiaomi tạo nên lợi thế cho nhóm của ông trong những giai đoạn đầu.

"Là thương hiệu con độc lập, chúng tôi được quyền tự do chọn cho mình cách bắt đầu. Chúng tôi không phải lo lắng việc ảnh hưởng đến hướng đi mà Xiaomi đã có. Đồng thời, chúng tôi tự do thừa hưởng chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng để phục vụ cho việc tạo ra sản phẩm mới", Mani viết.

Tham vọng ở phân khúc cao cấp

"Xiaomi có lượng người hâm mộ lớn, yếu tố chiến lược cho việc ra đời Poco", Faisal Kawoosa, một nhà phân tích của CMR (CyberMedia Research) nói với trang Indianexpress. “Đồng thời, việc Xiaomi có tần suất xuất hiện dày đặc trên Internet sẽ giúp Poco nhận được nhiều sự quan tâm hơn", Kawoosa nói thêm.

Nhưng phải thừa nhận một điều, Xiaomi đang mắc kẹt trong "cái bóng giá rẻ" do chính mình tạo ra. Điều này không thể giúp hãng điện thoại Trung Quốc bước xa hơn trên thị trường di động cạnh tranh khốc liệt trong thời gian dài.

Với mức giá 1.000 USD, iPhone X vẫn được người dùng đón nhận. Vì vậy, phân khúc điện thoại đắt tiền chưa bao giờ là "miếng bánh" mà các hãng di động có thể bỏ qua, Xiaomi cũng vậy.

Sau hàng loạt nỗ lực giới thiệu các sản phẩm cao cấp như Mi Mix 2 tại thị trường Ấn Độ, Xiaomi vẫn không được chào đón như một thương hiệu cao cấp, bởi cái mác giá rẻ đã đóng trên mình thương hiệu này quá lâu. Dù trải qua hai lần giảm giá, Mi Mix 2 vẫn không có được thành công như Redmi Note5 hay Redmi 5A. 

Theo Indiaexpress, bước tiếp theo, OnePlus chính là hình tượng thương hiệu mà Xiaomi theo đuổi nếu muốn vươn mình lên phân khúc cao cấp. Để làm được việc này, Xiaomi phải bắt đầu với một thương hiệu mới, có sản phẩm hiệu năng cao, thiết kế tinh gọn và giá thấp hơn OnePlus để thu hút người dùng.

Kẻ phá đám hay một OnePlus mới?

OnePlus dù mới nổi và giá không quá rẻ nhưng có sức hút không thua kém iPhone X và Galaxy S9+. Các sản phẩm của OnePlus có thiết kế tinh gọn, cấu hình vượt trội, hệ điều hành Android gốc, ít phần mềm cài sẵn. Điều này khiến OnePlus luôn trong tình trạng cháy hàng, dân Mỹ rồng rắn xếp hàng ngày mở bán.

Xiaomi và Samsung cạnh tranh quyết liệt để trở thành hãng điện thoại loán nhất Ấn Độ. Pocophone có thể là đòn quyết định giúp Xiaomi vượt mặt Samsung và củng cố vị trí dẫn đầu. Ảnh: Canalys.

Hàng năm, người dân Ấn Độ chờ đợi để được nâng cấp thiết bị mới từ OnePlus. Điều này báo hiệu một thế hệ khách hàng trung thành tương tự điều iPhone đã làm được.

OnePlus 6 ra mắt năm 2018 với mức giá gần 600 USD. Nhiều chuyên gia dự đoán nó sẽ không thể bán được bởi họ nghĩ OnePlus chỉ là thương hiệu giá rẻ như Xiaomi. Thế nhưng, như mọi năm, OnePlus tiếp tục cháy hàng.

Thành công trong việc định hình phân khúc của OnePlus đã khiến Xiaomi bắt đầu hành động. Poco chính là bước đi đầu tiên của hãng với cấu hình, thiết kế và hướng đi tương tự OnePlus.

Chỉ khác một điều, Xiaomi tiếp tục chiến lược cung cấp những sản phẩm giá thấp hơn đối thủ. Nó có thể khiến người ta nghĩ đây là thương hiệu sinh ra để phá thị trường, phát động cuộc đua xuống đáy thay vì nghiêm túc như OnePlus. 

Khó khăn chung của những thương hiệu con

Xây dựng một thương hiệu riêng biệt không dễ dàng như vậy. Nhiều công ty đã thất bại trong việc thiết lập một thương hiệu con. Yếu tố quan trọng nhất là việc nó phải thật sự khác biệt với thương hiệu gốc. Oppo có Realme, Huawei có Honor nhưng tất cả đều đang dần mờ nhạt.

Theo Kawoosa, các thương hiệu phụ tại Ấn vẫn chưa thực sự thành công. Lava và thương hiệu con Xolo không tìm được chiến lược tiếp thị riêng. Micromax và Yu lại không có bản sắc thương hiệu. Trong khi đó, Lenovo và Motorola lại có những chính sách về giá và phân khúc chồng chéo lên nhau.

Theo đuổi hướng đi của OnePlus giúp Xiaomi lấp đầy khoảng trống về thiết bị cao cấp nhưng vẫn đáp ứng yếu tố về giá.

Vì vậy việc tạo ra thương hiệu con với tên gọi Pocophone theo hướng của OnePlus có thể sẽ giúp Xiaomi vượt quá cái bóng "điện thoại giá rẻ dưới 200 USD" của chính mình và củng cố vị thế độc tôn tại thị trường Ấn Độ.

Theo Kawoosa, đi theo con đường của OnePlus, Xiaomi có thể sẽ thành công bởi khi OnePlus 5 ra mắt, trang CMR phân tích có hơn 8% người dùng Xiaomi đã chuyển sang OnePlus. "Việc đổi điện thoại từ Xiaomi sang Poco vẫn là một sự nâng cấp lớn tương tự cách người dùng đổi từ Xiaomi sang OnePlus", Kawoosa nói thêm về phân đoạn hoàn toàn khác nhau giữa Xiaomi và Poco.

Và với một thương hiệu chuyên dùng cấu hình cao, giá tầm trung, Pocophone của Xiaomi có thể tác động không nhỏ đến phân khúc cao cấp, nơi mà Samsung, Huawei, Apple đang đánh nhau quyết liệt tại nhiều thị trường. Chỉ cần "ăn" được vài % trong số đó, Pocophone đã có thể sống được như OnePlus.

Và nếu phải cạnh tranh nhau bằng cuộc đua xuống đáy đầy rủi ro, Pocophone sẽ làm việc đó, chứ không phải Xiaomi.

 Theo: Zing.vn

 

Xiaomi Pocophone F1 sắp về Việt Nam với RAM 8GB chip Snapdragon 845, nhưng giá dưới 10 triệu

(Techz.vn) Mới đây giám đốc của Xiaomi Việt Nam, Jack Yung đã đăng tải trên FaceBook một trạng thái, hé lộ rằng sắp mang chiếc Pocophone F1 về Việt Nam.