Doanh nghiệp

Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Đức Tài: Mở hàng khắp nơi, dồn dập tiền về

Các đại gia hàng đầu Việt Nam dồn dập tận dụng cơ hội để mở rộng quy mô, chiếm lĩnh thị trường. Những nguồn lực khổng lồ được huy động có thể khiến doanh nghiệp bứt phá nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro.

Các quỹ ngoại thuộc quản lý của Dragon Capital vừa thông báo kết quả giao dịch cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Dộng. Theo đó, hàng loạt các vụ mua bán gần đây đã giúp nhóm Dragon Capital nâng tỷ lệ sở hữu tại MWG lên trên 12%.

Khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh tỷ lệ nắm giữ tại MWG. Nguồn vốn ngoại là một động lực giúp MWG tăng mạnh trong vài năm gần đây.

Trong một thông báo gần nhất, Thế Giới Di Dộng của ông Nguyễn Đức Tài cũng đang có kế hoạch phát hành gần 108 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 3:1. Đây là một bước đi nhằm tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp.

Trước đó, MWG đã thâu tóm chuỗi điện máy Trần Anh và thông qua ngân sách 2,5 ngàn tỷ đồng để HĐQT, đại diện là chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài, thực hiện mục tiêu thâu tóm và mở rộng chuỗi cửa hàng điện máy, đồng thời xây dựng một chuỗi cửa hàng dược phẩm.

Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng đã hoàn thành mua lại 100% chuỗi Fivimart

Trong chiến lược của MWG, doanh nghiệp này sẽ tấn công mạnh sang lĩnh vực bán lẻ tạp hóa và diện máy, mở rộng chuỗi Bách Hóa Xanh, cạnh tranh với chợ truyền thống.

Vingroup của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng thậm chí còn tham vọng mạnh hơn. Sau khi đã thành công với bất động sản, du lịch,... Vingroup (VIC) đầu tư mạnh vào công nghệ, công nghiệp ô tô và đẩy mạnh mảng bán lẻ. 

Vingroup đã hoàn thành mua lại 100% chuỗi Fivimart, một bước đi nữa trong kế hoạch mở rộng thị trường nhằm hiện thực hóa mục tiêu 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng VinMart+ vào năm 2020.

Trước đó, Vingroup cũng đã mua đứt chuỗi Ocean Mart của Ocean Group của cựu chủ tịch Hà Văn Thắm.

Thị trường bán lẻ đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Cơ hội lịch sử để chiếm lĩnh thị trường đã khiến hàng loạt các ông lớn dồn dập tung tiền vào cuộc, cho dù có thể đã căng mình trên rất nhiều mặt trận.

Thị trường bán lẻ đang ở vào thời kỳ xác lập những tay chơi lớn. Hàng loạt cái tên bị xóa sổ khỏi thị trường bán lẻ sau quá trình mua bán, sáp nhập như: Ocean Mart, Maximark, Metro, Fivimart.

Gần đây, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh cược nhiều vào các tên tuổi lớn như Vingroup, MWG, FPT Retail… Dòng tiền đang đổ mạnh vào các doanh nghiệp này khiến cổ phiếu tăng giá mạnh.

Tuy nhiên, nhu cầu về vốn lớn và yêu cầu đầu tư cần trường vốn cũng giống như trong mảng thương mại điện tử có thể khiến độ rủi ro của các doanh nghiệp tăng cao. Áp lực bán có thể tăng mạnh trở lại.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực chốt lời liên tục tăng mạnh. VN-Index tuột xa dần mốc 1.000 điểm.

Việc khối ngoại bán ròng hơn 400 tỷ đồng và TTCK Mỹ tụt giảm trong phiên đêm qua khiến nhiều người lo lắng.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có cái nhìn thận trong hơn trong các dự báo.

BSC cho rằng, thị trường tiếp tục trong xu hướng điều chỉnh do tâm lý nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi các thông tin hỗ trợ từ kết quả kinh doanh trong vòng khoảng 2 tuần tiếp theo cũng như những tín hiệu tích cực từ diễn biến của thị trường trong khu vực và thế giới.

HSC kỳ vọng VN-Index sẽ giữ được ngưỡng hỗ trợ 986 điểm và đứng vững trước sự kiểm định.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/10, VN-index giảm 2,23 điểm xuống 993,96 điểm; HNX-Index giảm 0,54 điểm xuống 113,76 điểm. Upcom-Index tăng 0,12 điểm lên 53,82 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 250 triệu đơn vị, trị giá 5,1 ngàn tỷ đồng.

Theo: Vietnamnet 

 

VinFast được bảo lãnh vay 950 triệu USD, “cổ phiếu họ Vin” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cứu VnIndex

(Techz.vn) Cùng các cổ phiếu GAS, SAB, hai “cổ phiếu họ Vin” là VHM và VRE của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đều tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 10.10 đã giúp VnIndex chốt phiên chỉ giảm 2,23 điểm (0,22%) xuống 993,96 điểm.