Doanh nhân

Ông Phạm Nhật Vượng và ván bài thần tốc Vinfast: “Chấp nhận thua thiệt” ban đầu để tạo kỳ tích

Ông Phạm Nhật Vượng và ván bài thần tốc Vinfast: “Chấp nhận thua thiệt” ban đầu để tạo kỳ tích

Rút khỏi nông nghiệp, bán lẻ, hàng không

Vingroup vừa công bố báo cáo thường niên năm 2019, tại đây, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn đã nhấn mạnh việc định hướng phát triển của Vingroup là trở thành “một tập đoàn đẳng cấp quốc tế”, trong đó, lấy khối công nghiệp, công nghệ làm trọng tâm.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, Vingroup sẽ phải nỗ lực vượt bậc, phải đầu tư mạnh mẽ, “chấp nhận thua thiệt trong giai đoạn đầu”, quyết liệt và sáng tạo, phải “làm điều chưa ai làm”.

Ghi nhận tại báo cáo thường niên, việc VinFast chính thức khánh thành nhà máy sản xuất ô tô hồi tháng 6/2019 sau 21 tháng xây dựng thần tốc là một trong những dấu ấn đậm nét nhất của tập đoàn này năm 2019. Nhà máy có công suất thiết kế giai đoạn một là 250 nghìn xe/năm.

Ông Phạm Nhật Vượng: “Chấp nhận thua thiệt” để “làm điều chưa ai làm”
Vingroup hướng trọng tâm vào lĩnh vực công nghiệp và công nghệ 

Chỉ trong vòng 6 tháng kể từ khi chính thức đi vào hoạt động, nhà máy của VinFast sản xuất được 15.300 ô tô. Trong khi đó, Vsmart gây ấn tượng với việc chiếm lĩnh 7,5% thị phần điện thoại di động trong tháng 12 và bán được 600 nghìn điện thoại sau 1 năm ra mắt.

Tháng 11/2019, VinSmart khánh thành giai đoạn một của Tổ hợp Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) với công suất thiết kế 26 triệu thiết bị/năm gồm điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử thông minh khác.

Ngay sau đó, VinSmart công bố 5 mẫu TV đầu tiên sử dụng hệ điều hành Android có bản quyền trực tiếp từ Google.

Tháng 12/2019, Trường Đại học VinUni được Thủ tướng phê duyệt thành lập với tổng mức đầu tư 16,5 nghìn tỷ đồng, trong đó, 3,5 nghìn tỷ đồng chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và 3 nghìn tỷ đồng cấp học bổng.

Quyết định rút khỏi lĩnh vực bán lẻ, nông nghiệp và hàng không, tập trung vào công nghiệp - công nghệ là mốc quan trọng đối với Vingroup. Cụ thể, tập đoàn này đã hoán đổi toàn bộ cổ phần tại Công ty VCM – sở hữu chuỗi bán lẻ VinMart, VinMart+ và VinEco thành quyền chọn nhận cổ phần tại công ty hợp nhất giữa VCM và Công ty TNHH Masan Consumer Holdings; trở thành cổ đông không kiểm soát tại Tập đoàn Hàng tiêu dùng – Bán lẻ do Tập đoàn Masan điều hành. 

Ngoài ra, Vingroup cũng giải thể toàn bộ hệ thống VinPro, sáp nhập Adayroi vào VinID và công bố rút lui khỏi lĩnh vực hàng không.

Theo báo cáo của Vingroup, với doanh thu 64.505 tỷ đồng, chuyển nhượng bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu của Vingroup (49,6%), giảm từ mức 68,3% của năm 2018. Trong khi đó, 22,8% doanh thu là từ bán hàng tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích và cửa hàng bán lẻ với 29.702 tỷ đồng.

Tỷ trọng của lĩnh vực hoạt động sản xuất tăng từ 0,5% trong năm 2018 lên 7,1% trong năm 2019, đạt con số 9.201 tỷ đồng.

Sau ô tô, điện thoại là nhà thông minh

Dẫn dự báo của McKinsey, Vingroup cho hay, tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu tại Việt Nam trong 5 năm tới là 9,2% – mức cao nhất khu vực và đến năm 2035 tầng lớp trung lưu sẽ chiếm trên một nửa dân số.

Trong khi, tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam năm 2019 đạt 39,2% – ở mức còn thấp trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, dân số đô thị được dự báo tăng trưởng nhanh chóng và sẽ chiếm 55% tổng dân số vào năm 2030.

Với quy mô dân số lớn thứ 15 thế giới và đang ở giai đoạn cơ cấu vàng, tầng lớp trung lưu phát triển mạnh cùng tỷ lệ đô thị hóa nhanh, thị trường ô tô Việt Nam sẽ là một trong những thị trường hứa hẹn nhất khu vực với tỷ lệ sở hữu ô tô vẫn thấp, trung bình 23 xe trên 1.000 dân.

Cơ sở hạ tầng phát triển tạo tiền đề cho việc mở rộng quy mô các tỉnh, thành phố, và việc hình thành các khu đô thị vệ tinh xung quanh hai thành phố lớn – Hà Nội và TPHCM cũng sẽ khiến ô tô ngày càng trở thành nhu cầu thiết yếu với các gia đình.

Ngoài ra, sản xuất ô tô đang là ngành công nghiệp mũi nhọn được Chính phủ tạo nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Những điều kiện trên dự báo sẽ thúc đẩy thị trường ô tô nội địa phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. 

Ông Phạm Nhật Vượng: “Chấp nhận thua thiệt” để “làm điều chưa ai làm”

Triển vọng của thị trường xe máy điện cũng sáng sủa bởi ưu điểm thân thiện với môi trường, giá thành hợp lý nhờ sự phát triển của công nghệ. Theo dự báo, đến năm 2030, xe máy điện sẽ thay thế phần lớn xe xăng, đạt gần 2,4 triệu xe được tiêu thụ, chiếm đến 60% số xe máy trên toàn thị trường, ghi nhận mức tăng trưởng bình quân hàng năm là 28%.

Ở thị trường thiết bị thông minh, 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia và bắt đầu chuyển dịch toàn bộ thuê bao 2G, tiến đến việc tắt sóng 2G vào năm 2022. Vingroup cho rằng, đây là cơ hội lớn cho VinSmart với danh mục sản phẩm điện thoại thông minh đa dạng, đặc biệt là phân khúc phổ thông và tầm trung.

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ cũng kéo theo sự lên ngôi của mô hình “nhà thông minh” (smarthome) và “đô thị thông minh” (smart city) trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, smarthome có dư địa phát triển rất lớn, dự kiến tăng trưởng mạnh 25%/năm trong giai đoạn 2020 – 2024 (theo Stastista). Đây cũng là một lĩnh vực kinh doanh chiến lược không nằm ngoài hệ sinh thái của Vingroup.

 

Honda Việt Nam khôi phục hoạt động sản xuất ô tô và xe máy tại Việt Nam

(Techz.vn) Kể từ ngày 23 tháng 4 năm 2020, Honda chính thức khôi phục hoạt động sản xuất ô tô và xe máy tại Việt Nam. Trong quá trình sản xuất, HVN sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho công nhân viên.