Doanh nghiệp

Ông chủ Asanzo Phạm Văn Tam nói gì về nghi án 'hàng Tàu đội lốt hàng Việt'?

Cụ thể, theo ông Tam, mục tiêu kinh doanh của Asanzo là mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam những sản phẩm tivi, máy lạnh chất lượng, giá cả hợp lý. Với mục tiêu đó, Asanzo có sử dụng những linh kiện, nguyên liệu từ trong nước và nước ngoài. Trong đó có linh kiện, nguyên liệu từ Trung Quốc, Đài Loan để lắp ráp tivi, máy lạnh.

“Tôi không thể im lặng lúc này, Asanzo là đứa con tinh thần của chúng tôi. Chúng tôi sẽ cung cấp thông tin cho truyền thông, các cơ quan chức năng để mọi người hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất. Những thông tin trên báo có thể gây hiểu lầm về thương hiệu và sản phẩm Asanzo”, ông Tam nói.

Về việc báo chí thông tin Asanzo cố ý xóa bỏ dấu vết “Made in China” trên Panel LCD (khung hiển thị màn hình tinh thể lỏng), ông Tam chia sẻ, theo quy trình của Asanzo, Panel LCD là một linh kiện bên trong của tivi và các công nhân không gỡ bỏ tem sườn có chữ “Made in China” trên linh kiện này. Công nhân chỉ dán thêm tem bảo hành cho linh kiện Panel LCD.

“Chúng tôi không việc gì phải xóa chữ Made in China đi cả, bởi bộ phận này sẽ nằm bên trong phần vỏ nhựa bao bọc bên ngoài. Chẳng lẽ chúng tôi nuôi hàng ngàn công nhân chỉ để xóa chữ thôi sao. Quy trình thực hiện của chúng tôi hoàn toàn không có điều này. Chúng tôi chỉ dán dòng chữ “Xuất xứ Việt Nam” ở bên ngoài sản phẩm hoàn thiện, điều này là phù hợp với quy định hiện hành”, ông Tam trình bày.

Theo ông Tam, nhiều hãng sản xuất điện tử lớn trên thế giới cũng đang phải nhập linh kiện từ nước ngoài. Trong đó, Trung Quốc là “thiên đường” nhập hàng của các hãng điện tử.

Hiện nay, 70-80% phần cứng của tivi Asanzo là nhập từ nước ngoài, phần còn lại được sản xuất trong nước. Riêng phần mềm tivi thì được nghiên cứu, sản xuất hoàn toàn ở Việt Nam.

“Nếu các doanh nghiệp cung cấp linh kiện điện tử ở Việt Nam có thể sản xuất được những linh kiện chất lượng, giá cả phải chăng thì chúng tôi chẳng dại gì phải đi nhập từ nước ngoài cả. Việc sản xuất màn hình thì chúng ta cũng hoàn toàn có thể sản xuất được nhưng vốn đầu tư lớn và rất ô nhiễm môi trường nên chúng tôi không thể bất chấp để sản xuất ở Việt Nam”, ông Tam nhấn mạnh.

Về việc nhập nguyên chiếc các sản phẩm điện gia dụng rồi dùng thương hiệu Asanzo bán ra thị trường, ông Phạm Văn Tam cho rằng, sau khi các doanh nghiệp nước ngoài được hưởng những chính sách thuế ưu đãi theo các hiệp định thương mại thì Asanzo đã không thể cạnh tranh nổi.

Asanzo đã chuyển từ lắp ráp sản phẩm sang vai trò đối tác thương mại, tức sản phẩm của Asanzo được gia công ở nước ngoài rồi nhờ các công ty phụ trợ nhập về Việt Nam và bán lại cho Asanzo. Việc nhờ đơn vị khác nhập khẩu giùm nhằm đảm bảo sự linh động của nguồn vốn.

Hiện đang có gần 100 công ty phụ trợ trong nước cung cấp hàng cho Asanzo. Tuy nhiên, ông Tam thừa nhận Asanzo đang kiểm soát đầu vào của các nhà cung cấp chưa được chặt chẽ vì lo theo đuổi việc quảng bá, chăm sóc khách hàng.

Theo: vietnamfinance.vn

 

Chân dung Phạm Văn Tam, Ceo Asanzo dinh nghi án hàng Tàu

(Techz.vn) Trước khi trở thành một doanh nhân thành đạt, ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo - doanh nghiệp bị tố là hàng Trung Quốc "đội lốt" xuất xứ Việt Nam - đã bươn trải khắp nơi kiếm tiền mà không đi học đại học.