Nữ nhân duy nhất lịch sử Trung Hoa trải qua 8 đời hoàng đế, 5 triều ở ngôi thái hậu
Quách Niệm Vân chính là người phụ nữ ấy, vừa sinh ra đã có thân phận tôn quý, gia thế hiển hách.
Ông nội của bà là danh tướng Quách Tử Nghi, vốn là nhất đại công thần dẹp yên loạn An Sử, là trụ cột vững chắc giúp chấn hưng triều chính, cứu vớt Đại Đường khỏi cảnh diệt vong. Cha bà là Quách Ái được Đường Đại Tông chọn làm phò mã, mẹ bà là Thăng Bình công chúa. Ông ngoại bà là Đường Đại Tông Lý Dự, cậu ruột là Đường Đức Tông Lý Thích, anh họ là Đường Thuận Tông Lý Tụng. Bản thân bà cũng được gả vào hoàng thất, trở thành người vợ kết tóc của Lý Thuần – Đường Hiến Tông sau này.
Năm đó, Lý Thuần đích thân đến tận cửa nhà đề nghị kết thông gia với họ Quách, lễ nghi chu toàn, đủ thấy Quách Thị có thân phận hiển quý nhường nào.
Quách Thị từ nhỏ đến lớn sống trong áo gấm cơm ngọc, được mọi người kính trọng. Quách Thị trở thành thục nữ hiền đức đoan trang, có đủ khí chất cao sang của một quý tộc.
Quách Thị từ nhỏ đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của gia tộc, ở bà hội tụ đủ nghi dung và phẩm đức hiền lương của một tiểu thư khuê các. Năm Nguyên Hòa nguyên niên (năm 806), Thái tử Lý Thuần nối ngôi, trở thành Đường Hiến Tông. Tháng 8 cùng năm, Quách Thị được sắc phong làm quý phi.
Quách Thị là chính thê, nhưng điều kỳ lạ là Hiến Tông chỉ phong bà làm quý phi chứ không phải hoàng hậu, mặc dù địa vị của bà trong hậu cung là lớn nhất. Quần thần năm ấy đã ba lần dâng tấu lên Hiến Tông rằng: Triều đình không thể chỉ có đế vương mà không có hoàng hậu. Hơn nữa Quách quý phi xuất thân cao quý, sinh được con nối dõi, hơn nữa lại là vợ chính thất của Hiến Tông, trước nay đều hiền thục đức độ, nổi tiếng trong ngoài cung đình. Ngoài bà ra không ai xứng đáng hơn với ngôi vị quốc mẫu này, vậy xin lập Quách quý phi làm hoàng hậu. Tuy nhiên Hiến Tông đã không phê chuẩn bản tấu xin ấy.
Trái ngược với nỗi bất bình của quần thần, Quách quý phi không mảy may để ý đến vinh hoa. Với bà, dù có làm hoàng hậu hay không thì vẫn phải làm tốt những việc bản thân cần làm: chăm sóc đế vương, chưởng quản hậu cung, tôn trọng các đại thần, đối xử tốt với các phi tần, giáo dưỡng con cái trở thành người có đức hạnh thuần khiết thanh cao. Bà không hề có chút oán hận hay thiếu sót nào, và cũng chưa từng tranh giành ngôi vị hoàng hậu với ai. Trên thực tế, Quách quý phi chính là người đứng đầu hậu cung, uy thế chẳng khác gì hoàng hậu, chỉ là không có danh hiệu mà thôi. Quần thần trong triều thấy vậy, lại càng thêm kính trọng bà muôn phần.
Đường Hiến Tông tại vị được 15 năm, cuối cùng lại bị hoạn quan nội thị giết hại. Sau đó con trai của Quách Thị là Thái tử Lý Hựu lên ngôi hoàng đế, sử sách gọi là Đường Mục Tông. Vậy là bà từ quý phi thăng lên làm thái hậu. Tuy nhiên, Mục Tông bản tính xa xỉ, đắm chìm trong tửu sắc, chỉ ở ngôi được 4 năm thì băng hà.
Dưới sự giúp đỡ của Quách thái hậu, tiểu hoàng tử đã nối ngôi hoàng đế trở thành Đường Kính Tông. Ông tôn mẹ của mình lên làm hoàng thái hậu, Quách thái hậu được thăng lên làm thái hoàng thái hậu.
Kính Tông lên ngôi chỉ vỏn vẹn 2 năm lại bị hoạn quan giết hại, Giang vương Lý Ngộ được lập làm giám quốc, không lâu sau Lý Ngộ lại bị hại. Nhất thời chính biến các nơi thay nhau nổi lên, triều cương rối loạn, thế lực các phe đấu đá tranh đoạt quyền lực, vương triều Đại Đường đứng trước nguy nan.
Đối diện với an nguy trước mặt, Thái hoàng Thái hậu Quách Thị đã đích thân ra mặt. Với uy vọng chí tôn của mình, bà đã đưa ra chiếu thư cáo dụ thiên hạ: Lập một người cháu khác của bà là Lý Ngang, cũng tức là em trai của Kính Tông đăng cơ đế vị, trở thành Đường Văn Tông. Âm mưu của đám hoạn quan đã bị dập tắt, cục diện chính trị bình ổn trở lại, vương triều Lý Đường tạm thời vượt qua nguy cơ mà kéo dài tiếp tục, thậm chí còn có dấu hiệu phục hưng.
Năm Khai Thành thứ 5 (năm 840), Đường Văn Tông đột ngột băng hà, không có hậu duệ. Một người cháu khác của Quách Thị là Lý Triền được đưa lên ngôi, tức Đường Vũ Tông. Đường Vũ Tông may mắn lên ngôi ‘Cửu ngũ chí tôn’, nhưng bản tính thích săn bắn và vui chơi, nhiều đại thần can ngăn nhưng không hiệu quả. Một số người hầu thân tín của Vũ Tông được phép ra vào cung cấm thoải mái, khiến nhiều người bất bình.
Năm Hội Xương thứ 6 (năm 846), Đường Vũ Tông băng hà. Hoàng đế qua đời mà không có hậu duệ, dòng dõi hậu duệ trực hệ của Quách hậu do đó cũng chấm dứt. Theo trình tự thừa kế, ngôi vị hoàng đế rơi vào tay của Quang vương Lý Di, tức Đường Tuyên Tông, con trai thứ 13 của Đường Hiến Tông.
Mẫu thân của Tuyên Tông là Trịnh thái phi, trước đó từng là nô tỳ hầu hạ Quách hậu, vì được Đường Hiến Tông sủng hạnh mà sinh hạ hoàng tử. Thế nhưng do Trịnh Thị thân phận thấp kém, sau khi sinh Lý Di thì vẫn bị điều đi biệt cung mà không được ở lại trong cung. Đường Tuyên Tông đăng cơ đã tôn Trịnh Thị làm hoàng thái hậu, trong khi vẫn giữ ngôi vị thái hoàng thái hậu của Quách Thị, khi tổ chức yến tiệc vẫn tôn Quách hậu vào bậc đầu, còn Trịnh Thị ở ngôi thứ. Sau này, không rõ có phải vì mâu thuẫn giữa Quách hậu và Trịnh Thị hay không mà Đường Tuyên Tông cho rằng thái hoàng thái hậu là người chủ mưu trong cái chết của Đường Hiến Tông để đưa Đường Mục Tông lên ngôi, từ đó mà đối đãi với Quách hậu khá tệ bạc. Quách hậu từ địa vị tôn quý tột đỉnh trong suốt mấy triều đại nay đột nhiên rơi xuống đáy vực, trong lòng không khỏi u uất sầu não.
Năm Đại Trung thứ 2 (năm 848), Quách hậu bước lên Cần Chính lâu, chưa kịp nhảy xuống tự vẫn thì được tả hữu ngăn lại kịp thời. Nửa đêm hôm ấy Quách hậu băng hà ở Hưng Khánh cung, hưởng thọ 69 tuổi. Bà được truy tôn thụy hiệu là Ý An hoàng hậu.
Cuộc đời đầy bi kịch của nữ hoàng đế đầu tiên của Việt Nam đến chết vẫn không được yên
(Techz.vn) - Được biết đến là nữ hoàng đế đầu tiên của lịch sử Việt Nam, tuy nhiên vị nữ hoàng đế này chỉ tại vị được vỏn vẹn nửa năm và cuộc sống cũng phải trải qua nhiều sóng gió, bi kịch kể cả sau khi chết.